Giải pháp nào để hoàn thành mục tiêu điện khí hoá nông thôn?

15:48' - 21/08/2018
BNEWS Nhiều chuyên gia cho rằng năng lượng tái tạo là giải pháp quan trọng giúp hoàn thành mục tiêu điện khí hoá nông thôn, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế.
Năng lượng tái tạo - giải pháp cho điện khí hoá nông thôn. Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN

Tại Hội thảo Phát triển năng lượng tái tạo góp phần thực hiện Chương trình Điện khí hoá nông thôn và tiếp cận năng lượng, do Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) phối hợp cùng Nhóm Công tác về Biến đổi khí hậu Việt Nam (CCWG) tổ chức ngày 21/8, nhiều chuyên gia cho rằng năng lượng tái tạo là giải pháp quan trọng giúp hoàn thành mục tiêu điện khí hoá nông thôn, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế.
Theo ông Đinh Duy Phong, Phòng Điện khí hoá nông thôn (Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo), Chương trình điện khí hoá nông thôn Việt Nam giai đoạn 2013 - 2020 đặt mục tiêu đến năm 2020 đạt 100% số hộ dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa được tiếp cận điện.
Tính đến năm 2015, số xã chưa có điện mới được cấp là 40 xã (70,1%); số thôn, bản mới được cấp điện là 2.250 thôn, bản (90% mục tiêu); số hộ dân được cấp điện mới và cấp chính thức là 165.828 hộ (đạt 17,7%)...
Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn nhiều khó khăn, thách thức. Trong khi đó, các giải pháp năng lượng tái tạo phân tán, độc lập, không nối lưới cho những vùng chưa có điện lưới đã chứng minh được tính hiệu quả kinh tế, xã hội được cộng đồng lựa chọn.
Đây có thể coi như một giải pháp cụ thể giúp hoàn thành mục tiêu điện khí hoá nông thôn. Đặc biệt, lần đầu tiên tại huyện biên giới Tịnh Biên (An Giang), 2 ấp Vồ Bà và ấp Tà Lọt, xã An Hảo, trở thành ấp 100% năng lượng mặt trời.
Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường đại học Cần Thơ), mô hình pin năng lượng mặt trời tại nhà là lựa chọn phù hợp với giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, dựa vào điều kiện sinh thái ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Ông Tuấn cho biết, bằng cách đi theo con đường phát triển năng lượng tái tạo từ các nguồn điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, điện thuỷ triều, điện sóng biển, điện địa nhiệt… sẽ phù hợp với khu vực này.
Thực tế, nếu tính chi phí – lợi ích lâu dài, thì giá điện từ nguồn năng lượng tái tạo không hề đắt hơn nhiệt điện than. Trong khi, phát triển nhiệt điện than ở vùng ĐBSCL rất đắt, giá thành thường tăng xấp xỉ 2%/năm.
Tại Việt Nam, có 14 nhà máy than, nhưng chưa có cảng tiếp nhận than. Giá điện tái tạo nhìn có vẻ cao hơn, nhưng tương lai (trên dưới năm 2030) thì sẽ cân bằng, trong khi lại không gây hại môi trường.
Bà Nguỵ Thị Khanh, Giám đốc GreenID, cơ quan điều phối VSEA cho biết, giải pháp để thực hiện hoàn thành mục tiêu Điện khí hoá nông thôn không chỉ về mặt kỹ thuật mà còn là cách thức tiếp cận nguồn lực tài chính, bởi đây là rào cản lớn nhất hiện nay đối với việc tiếp cận ứng dụng công nghệ, nhất là công nghệ xanh.
Theo đó, các công nghệ đưa ra là các giải pháp như pin năng lượng mặt trời cũng như cách sử dụng tiết kiệm điện trong gia đình.
"Để thực hiện chương trình này chúng tôi cũng mong sự chung tay của các nhà cung cấp tài chính, hoặc các chương trình phát triển Xanh cho Việt Nam, hỗ trợ cho các thành phố, các cộng đồng, hoặc là các nơi tiên phong thực hiện chương trình này, đặc biệt là các hộ gia đình. Về phía tổ chức, chúng tôi đã chuẩn bị sẵn một chương trình để các hộ gia đình đồng hành cùng chương trình, và sẽ thực hiện ngay tại Hà Nội. Dự kiến sẽ có khoảng 100 hộ gia đình đầu tiên tại Hà Nội tham gia chương trình này" - bà Khanh thông tin.
Đồng thời, đơn vị cũng sẽ thiết lập cổng thông tin công khai minh bạch để khi mọi người tham gia đều sẽ biết ai là người cung cấp tài chính, ai là người cung cấp các giải pháp công nghệ phù hợp... mọi thứ đều được hiển thị rõ ràng trên công thông tin này.
Theo ông Antoine Vander Elst, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, năng lượng tái tạo không còn là giấc mơ hay là loại công nghệ đắt đỏ chỉ có ở các quốc gia giàu có. Nhờ sự phát triển của năng lượng tái tạo ở châu Âu và các nước khác, giá thành đã giảm đáng kể trong vài năm gần đây.

Công nghệ năng lượng tái tạo ngày nay đáng tin cậy và rẻ hơn cả nhiên liệu hoá thạch, đặc biệt là khi cân nhắc tới các khía cạnh quan trọng như biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và sức khoẻ.
Năng lượng tái tạo góp phần tăng cường an ninh năng lượng (do giảm thiểu phụ thuộc vào năng lượng xuất khẩu) và cung cấp rất nhiều cơ hội nghề nghiệp. Tại Liên minh châu Âu có 2,2 triệu người làm việc trong lĩnh vực về năng lượng tái tạo, trải rộng khắp 90.000 doanh nghiệp trên 28 quốc gia./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục