Giải pháp nào để tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0?

12:04' - 22/11/2018
BNEWS Cách mạng công nghiệp 4.0 đã mở ra những cơ hội. Cụ thể sẽ tạo ra động lực để doanh nghiệp phải thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh, đổi mới tư duy về sản xuất và tư duy thị trường phù hợp.
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Sáng 22/11, tại Hà Nội, Trung tâm và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF), Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội thảo “ Một số định hướng tái cơ cấu kinh tế Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0”. Hội thảo là diễn đàn mở để các nhà khoa học trong và ngoài nước, các chuyên gia, các nhà quản lý công bố, trao đổi các nghiên cứu mới nhất về tái cơ cấu kinh tế Việt Nam nói chung và một số ngành, lĩnh vực cụ thể trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.

Phát biểu khai mạc, ông Trần Hồng Quang, Giám đốc NCIF cho biết, cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra rất nhanh và tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của kinh tế xã hội. Hiện nay, chúng ta vẫn đang duy trì mô hình tăng trưởng kinh tế dựa vào khai thác lợi thế về tài nguyên, gia công lắp ráp và phát triển sản xuất, xuất khẩu những ngành ngành thâm dụng lao động và có kỹ năng thấp.

Tuy nhiên, những lợi thế này lai đang mất dần. Vì vậy, không chỉ mỗi ngành, lĩnh vực mà toàn bộ xã hội đều phải chuẩn bị kỹ lưỡng cho sự sẵn sàng tận dụng tối đa cơ hội và hạn chế tối thiểu thách thức trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 này.

Nêu định hướng tái cơ cấu kinh tế Việt Nam trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ông Lương Văn Khôi, Phó Giám đốc NCIF cho biết, tái cơ cấu nền kinh tế giải đoạn 2016-2020 tập trung thay đổi cấu trúc và trình độ của nền kinh tế, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực xã hội, hiện đại hóa từng bước các ngành kinh tế, năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Bên cạnh đó, hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý và năng động hơn, có năng lực cạnh tranh cao hơn và có tiềm năng tăng trưởng lớn hơn. Đồng thời, thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu.

Nhấn mạnh đến những cơ hội trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ông Lê Huy Khôi, Trưởng phòng Nghiên cứu và dự báo thị trường Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Bộ Công Thương cho biết, cách mạng công nghiệp 4.0 đã mở ra những cơ hội và chúng ta có thể tranh thủ để thúc đẩy sự phát triển đối với ngành công thương.

Cụ thể là cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tạo ra động lực để doanh nghiệp của ngành công thương phải ý thức và thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh, đổi mới tư duy về sản xuất và tư duy thị trường phù hợp. Cùng đó, tác động làm giảm chi phí và tăng năng suất, chất lượng lao động trong sản xuất công nghiệp.

Không những thế, cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ buộc phải cơ cấu lại và thay đổi từ phương thức tổ chức sản xuất đến quy trình và các công đoạn trong toàn bộ quá trình sản xuất của ngành công nghiệp. Ngoài ra, thúc đẩy năng lực sáng tạo trong sản xuất công nghiệp nhờ việc thử nghiệm sản phẩm mới ít rủi ro, bớt tốn kém hơn nhờ sự hỗ trợ của các công nghệ mới…

Ngoài những cơ hội, cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đã đặt ra nhiều thách thức đối với sự phát triển của ngành công thương. Theo ông Lê Huy Khôi, trước hết là nhận thức và sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 còn hạn chế.

Theo khảo sát 2.000 doanh nghiệp thuộc Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho thấy, có đến 79% doanh nghiệp trả lời chưa chuẩn bị cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; 55% doanh nghiệp cho biết đang tìm hiểu nghiên cứu; 19% doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch và chỉ có 12% doanh nghiệp đang triển khai các biện pháp ứng phó.

Không những thế, hạ tầng kỹ thuật và ứng dụng công nghệ thông tin trong các doanh nghiệp ngành công thương mặc dù đã được chú trọng nhưng chưa đáp ứng đảm bảo đáp ứng được sự sẵn sàng của cách mạng công nghiệp 4.0 này. Cùng với đó là những thách thức từ những yếu kém nội tại của các doanh nghiệp trong ngành công thương.

Để tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến mạnh mẽ trong hệ thống chính trị, đến doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp về bản chất, xu thế vận động, những cơ hội, thách thức, tác động của cách mạng công nghiệp 4.0.

Song song với đó, cần hoàn thiện hệ thống thể chế thuận lợi cho nền kinh tế số phát triển và tham gia cách mạng công nghiệp 4.0, tự do hóa đầu tư tham gia, ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0. Đồng thời, rà soát mục tiêu tái cơ cấu kinh tế để điều chỉnh kịp thời nhằm tận dụng cơ hội.

Kiến nghị giải pháp, ông Lê Huy Khôi cho rằng, cần hoàn thiện hạ tầng pháp lý, tạo môi trường pháp triển và nâng cấp hạ tầng kỹ thuật cho thanh toán điện tử trong giao dịch thương mại và hỗ trợ pháp lý phát triển các hình thức kinh doanh mới. Bên cạnh đó, là các giải pháp tối ưu hóa mô hình sản xuất kinh doanh trong bối cảnh ra đời của tư liệu sản xuất và sự thay đổi về phương thức sản xuất mới dưới tác động bởi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Chia sẻ kinh nghiệm, TS. Conor O’Toole, Viện Nghiên cứu kinh tế - xã hội Ailen cho rằng, cần có nhiều chính sách quan trọng cho sự chuyển đổi. Bên cạnh đó, cần tập trung cho giáo dục và đào tạo tốt, đặc biệt là trong khoa học và công nghệ; đảm bảo môi trường đầu tư ổn định và quản lý tài chính công tốt. Đồng thời, đầu tư có trọng điểm vào cơ sở hạ tầng công sang hàng hóa và con người cũng như đầu tư vào IT…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục