Giải pháp nào khi đồng USD tiếp tục tăng mạnh?
Mạng tin của tổ chức phân tích thông tin tình báo Stratfor nhận định đồng USD mạnh có thể gây phương hại tới các kế hoạch của Tổng thống Trump nhằm thu hẹp thâm hụt thương mại của nước Mỹ. Tuy nhiên, việc đàm phán một biện pháp phối hợp can thiệp tiền tệ theo kiểu hiệp định Plaza năm 1985 sẽ vấp phải vô số rào cản.
Trong 3 năm qua, giá trị đồng USD đã tăng mạnh, tính từ mùa Hè năm 2014 đã tăng tổng cộng 26%. Nếu như gói cải cách thuế và kế hoạch chi tiêu hạ tầng của ông thực sự đầy tham vọng như ông hứa hẹn, giá trị đồng USD sẽ còn tăng mạnh hơn nữa.
Giá trị đồng USD tăng vọt sẽ đặt ra những trở ngại rõ rệt đối với chính quyền Trump, gây phương hại tới mục tiêu đã được nêu rõ của Tổng thống là giảm thâm hụt thương mại của nước Mỹ. Trên thực tế, ông Trump từng nói rằng đồng USD quá mạnh và ekip kinh tế của ông buộc tội các nước khác đang cố tình làm giảm giá trị các đồng nội tệ của mình.
Nếu đồng USD quay trở lại đà tăng giá "chóng mặt", Chính phủ Mỹ có thể phải tìm kiếm những biện pháp để chế ngự. Giải pháp đầu tiên của chính quyền Trump có thể là một sự can thiệp đơn phương.
Các chính sách tiền tệ nằm trong tay Bộ Tài chính, nơi báo cáo trực tiếp lên Tổng thống - khác với chính sách tiền tệ nằm trong phạm vi ảnh hưởng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vốn hoạt động độc lập.
Bộ Tài chính có thể in thêm đồng bạc xanh và dùng chúng để mua ngoại tệ - chiến lược này sẽ kéo đồng USD xuống, chí ít là trong thời gian trước mắt. Tuy nhiên, lịch sử cho thấy cách làm này không đem lại tác động lâu dài.
Nếu muốn tạo tác động lâu dài, cần phải có sự can thiệp đa phương. Nền kinh tế thế giới đã chứng kiến cuộc can thiệp tiền tệ đa phương nổi tiếng nhất là vào năm 1985, khi Mỹ, Nhật Bản, Tây Đức, Pháp và Anh ký hiệp ước Plaza.
Ngày nay Chính phủ Mỹ có thể đang muốn đạo diễn một hiệp ước Plaza thời hiện đại, song nhiệm vụ này sẽ khó hơn nhiều so với hơn 30 năm về trước.
Khi Tổng thống Ronald Reagan nhậm chức tổng thống vào năm 1981, nền kinh tế Mỹ đang hấp hối. Để hồi sinh nền kinh tế, ông đã ban hành những đợt cắt giảm thuế và một chương trình nới lỏng quy chế, trong khi Chủ tịch Fed khi đó là ông Paul Volcker đã nâng lãi suất lên những mức cao chưa từng có nhằm kiềm chế lạm phát.
Kết quả là trong khoảng từ năm 1980 đến 1985, giá trị đồng USD tăng một cách choáng váng tới 45%. Sức mạnh của đồng USD đã khiến Quốc hội phải bàn đến những biện pháp bảo hộ mậu dịch, và kết quả là các đối tác thương mại chủ chốt của Mỹ đã đồng ý nhóm họp với nhau tại khách sạn Plaza của New York vào tháng 9/1985 để đàm phán về một giải pháp chung với Mỹ.
Trong cuộc gặp, các ngân hàng trung ương của 5 nước đã nhất trí phối hợp can thiệp vào các thị trường tiền tệ cho tới khi đồng USD giảm giá 10%. Và như vậy Hiệp ước Plaza ra đời.
Hiệp định này là một thành công rất lớn. Đồng USD đã giảm mạnh hơn cả mức 10% theo mục tiêu đề ra, và hai năm sau đó, những nước ký kết hiệp định này đã phải tái can thiệp với thỏa thuận Louvre 1987 nhằm cố gắng bình ổn giá trị của đồng USD.
Nhưng hiệp định Plaza cũng đem lại những tác động phụ ngoài mong đợi. Tại Nhật Bản, đồng yen tăng giá nhanh chóng trong khi đồng USD giảm giá, khiến Ngân hàng trung ương Nhật Bản phải hạ lãi suất.
Mặc dù đồng yen mạnh hơn có tác dụng kiềm chế lạm phát, song những đợt giảm lãi suất lại gây ra tình trạng bong bóng đầu cơ bất động sản. Sau đó, khi bong bóng nổ tung vào đầu những năm 1990, kinh tế Nhật Bản rơi vào tình trạng ốm yếu kéo dài đến giờ vẫn chưa phục hồi được.
Trong những năm sau đó, còn diễn ra một số cuộc phối hợp can thiệp tiền tệ, song sau năm 1995 cách làm này không còn thịnh hành.
Kể từ đó đến nay, các ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới chỉ cùng nhau can thiệp vào các thị trường trong hoàn cảnh cực kỳ đặc biệt, như là khi đồng euro còn non trẻ cần sự hậu thuẫn vào năm 2000 hay như khi đồng yen mạnh lên quá nhanh sau thảm họa Fukushima năm 2011.
Sau đó, vào năm 2013, Bộ Tài chính Mỹ, trong nỗ lực ngăn chặn hiện tượng thao túng tiền tệ, đã thuyết phục các thành viên G7 ký thỏa thuận tránh những cuộc can thiệp đơn phương.
Nếu như giá trị đồng USD tiếp tục mạnh lên, trái với nguyện vọng của Tổng thống, chính quyền Mỹ có thể buộc phải xem xét lại những phương án này.
Dự định khôi phục mô hình can thiệp đa phương sẽ vấp phải những trở ngại đáng kể. Chính quyền Trump sẽ phải vất vả hơn chính quyền Reagan trước đây rất nhiều trong việc thuyết phục các đối tác trên toàn thế giới về sự cần thiết của một cuộc can thiệp tiền tệ.
Hồi năm 1985, gần như không ai hoài nghi việc đồng USD mạnh hơn giá trị thực. Mặc dù các nền kinh tế Nhật và Đức khi đó tăng trưởng nhanh hơn so với nền kinh tế Mỹ, đồng USD vẫn tăng giá đáng kể so với đồng yên và đồng mác Đức. Sự tăng giá của đồng USD chỉ có thể là kết quả của việc bị thị trường "thổi giá" và cần được điều chỉnh.
Trái lại, ngày nay, sức mạnh của đồng USD chủ yếu là do sự mất tương xứng trong các chu kỳ tiền tệ. Do Mỹ thoát khỏi cuộc suy thoái kinh tế nhanh hơn so với châu Âu hay Nhật Bản sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, nên nước này đã bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ.
Một nhà quan sát độc lập có thể dễ dàng phán xét rằng sức mạnh của đồng USD ngày nay không phải là sản phẩm của hiện tượng định giá quá cao, mà đơn giản chỉ là sự phản ánh tình hình kinh tế của Mỹ.
Hậu quả là nước Mỹ sẽ khó có thể thuyết phục các đối tác tiến hành một cuộc can thiệp đa phương. Và nếu như điều này xảy ra, thì cơ hội thành công của nó cũng rất thấp.
Lịch sử cho thấy khi các ngân hàng trung ương cố gắng điều chỉnh xu thế tự nhiên của thị trường, các thị trường luôn thắng thế.
Nếu những sự kiện trong các tháng tới buộc chính quyền Mỹ phải tìm cách hình thành một thỏa thuận mới với các nền kinh tế hàng đầu của thế giới, hội nghị G20 tới đây rất có thể sẽ là nơi diễn ra cuộc thảo luận về vấn đề này.
Hiện tại, nhiều trở ngại nêu trên đang cản trở triển vọng một thỏa thuận kiểu hiệp định Plaza ra đời.
Tuy nhiên, nếu đồng USD tiếp tục tăng giá và thâm hụt thương mại của Mỹ bắt đầu lớn hơn, chính quyền Trump có thể bắt đầu xem xét những biện pháp bất bình thường để duy trì các sáng kiến chính sách của mình đi đúng hướng./.
- Từ khóa :
- fed
- USD
- tiền tệ
- kinh tế Mỹ
- hiệp ước Plaza
- chính quyền Trump
Tin liên quan
-
Ngân hàng
Đồng USD giảm xuống mức thấp trong bốn tháng so với rổ các đồng tiền chủ chốt
17:11' - 27/03/2017
Đồng USD trong phiên 27/3 trượt giá xuống mức thấp của bốn tháng so với rổ các đồng tiền chủ chốt.
-
Tài chính & Ngân hàng
FED tăng lãi suất: Đồng USD giảm, chứng khoán châu Á tăng mạnh
13:17' - 16/03/2017
Một ngày sau khi FED quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm, lên mức 0,75-1,0%, thị trường châu Á đã có những phản ứng đầu tiên.
-
Ngân hàng
Mỹ kêu gọi IMF tăng cường giám sát chính sách tiền tệ
14:30' - 22/02/2017
Ngày 21/2, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin kêu gọi Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cung cấp một báo cáo phân tích "thẳng thắn" về các chính sách tỷ giá hối đoái của các quốc gia thành viên.
-
Tài chính
Đồng USD mất giá sau phát biểu của Chủ tịch Fed
18:36' - 20/01/2017
Trong phiên giao dịch chiều ngày 20/1, đồng USD giảm giá so với cả đồng yen và đồng euro.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Thế giới
Đàm phán Nga - Mỹ về kinh tế có thể đạt được trong 2-3 tháng tới?
19:23'
CEO Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga Kirill Dmitriev cho biết tiến triển các cuộc đàm phán Nga – Mỹ về kinh tế có thể đạt được trong 2-3 tháng tới.
-
Kinh tế Thế giới
EU khẳng định không dỡ bỏ trừng phạt Nga - Trung Quốc
19:12'
Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, ngày 18/2, một quan chức cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) khẳng định khối này sẽ không dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Nga ngay cả khi Mỹ làm như vậy.
-
Kinh tế Thế giới
Xu hướng mới của ngành đóng tàu Hàn Quốc
10:43'
Các công ty đóng tàu Hàn Quốc đang cân nhắc kế hoạch sản xuất ở nước ngoài khi các xưởng đóng tàu trong nước hoạt động hết công suất.
-
Kinh tế Thế giới
Nga chấm dứt thỏa thuận với Ukraine về an toàn hàng hải ở Biển Azov
10:00'
Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin ngày 17/2 đã ký văn bản chấm dứt thỏa thuận với Ukraine về các biện pháp đảm bảo an toàn hàng hải ở Biển Azov và Eo biển Kerch.
-
Kinh tế Thế giới
Vì sao chương trình chế tạo chuyên cơ Air Force One cho Tổng thống Mỹ bị trì hoãn?
08:35'
Chương trình chế tạo chuyên cơ phục vụ Tổng thống Mỹ “Không lực Một” (Air Force one) có thể bị trì hoãn thêm cho đến năm 2027 hoặc nhiều năm sau đó vì nhiều nguyên nhân.
-
Kinh tế Thế giới
Ấn Độ đặt mục tiêu sản xuất 300 triệu tấn thép vào năm 2030
08:15'
Để hiện thực hóa mục tiêu sản xuất 300 triệu tấn thép vào năm 2030 của Chính phủ Ấn Độ, công suất sản xuất thép thô của nước này phải tăng trưởng 8%/năm .
-
Kinh tế Thế giới
Xuất khẩu công nghệ cao của Mexico sang Mỹ đạt mức kỷ lục
08:01'
Mexico đã lập kỷ lục mới trong quan hệ thương mại với Mỹ khi kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao sang thị trường này vượt ngưỡng 100 tỷ USD trong năm 2024.
-
Kinh tế Thế giới
Kinh tế Nhật Bản tăng trưởng quý thứ ba liên tiếp
15:53' - 17/02/2025
Nền kinh tế Nhật Bản tiếp tục tăng trưởng trong quý IV/2024 và là quý tăng trưởng thứ ba liên tiếp, khi doanh nghiệp gia tăng đầu tư và xuất khẩu ròng cải thiện.
-
Kinh tế Thế giới
Ấn Độ sẽ xây sân bay giữa biển đầu tiên gần Mumbai
15:03' - 17/02/2025
Ấn Độ đang lên kế hoạch xây dựng sân bay ngoài khơi đầu tiên gần trung tâm tài chính Mumbai, như một phần trong nỗ lực cải thiện cơ sở hạ tầng của quốc gia.