Giải pháp nào tăng tính tự chủ và chịu trách nhiệm của doanh nghiệp Nhà nước?

12:11' - 29/01/2021
BNEWS Để đảm bảo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp Nhà nước, chính sách sở hữu nhà nước phải có tính ổn định lâu dài theo thời gian.

Để hoàn thiện Đề án “Áp dụng quản trị hiện đại đối với các doanh nghiệp Nhà nước, minh bạch hóa hoạt động đầu tư kinh doanh của chủ sở hữu Nhà nước”, với sự hỗ trợ của chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam, sáng 29/1, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức hội thảo “Quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp Nhà nước theo nguyên tắc thị trường”.

Phát biểu tại hội thảo, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM cho biết, “đối xử công bằng” với doanh nghiệp Nhà nước như một yêu cầu tất yếu trong nền kinh tế thị trường, cùng với tiến trình triển khai thực hiện các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, trong 35 năm đổi mới, pháp luật Việt Nam đã được sửa đổi, bổ sung để doanh nghiệp Nhà nước ngày càng được trao thêm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Trình bày tóm tắt kết quả nghiên cứu, ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp, CIEM cho hay, để đảm bảo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp Nhà nước, chính sách sở hữu nhà nước phải có tính ổn định lâu dài theo thời gian. Hệ thống các chỉ tiêu theo dõi, giám sát, đánh giá đối với từng doanh nghiệp Nhà nước và bộ máy quản lý doanh nghiệp Nhà nước cần được xây dựng, ban hành và công bố công khai. Bộ máy quản lý, hội đồng quản trị và cơ quan tương đương trong bộ máy quản lý doanh nghiệp Nhà nước phải có cơ cấu hợp lý, có năng lực để thực hiện tốt trách nhiệm của họ.

Khi so sánh với thông lệ quốc tế phổ biến, ở Việt Nam vẫn có những hạn chế và khoảng cách lớn trong tạo lập các điều kiện để đảm bảo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp Nhà nước theo nguyên tắc thị trường.

“Đáng lưu ý là rất khó áp dụng cơ chế thị trường để đào thải doanh nghiệp Nhà nước thua lỗ, yếu kém. Nhiều doanh nghiệp Nhà nước thuộc diện bị giải thể, phá sản nhưng vẫn được hỗ trợ dưới nhiều hình thức để tiếp tục tồn tại. Trong khi đó, lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước cũng có thể được bảo vệ khỏi 2 yếu tố trừng phạt được coi là thiết yếu đối với lãnh đạo điều hành trong các doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân, đó là khả năng bị thâu tóm và khả năng phá sản”, ông Phạm Đức Trung cho biết.

Hiện, cơ quan nhà nước quyết định nhiều vấn đề thuộc lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp 100% vốn nhà nước như: quyết định quỹ tiền lương, thù lao hằng năm của người quản lý; phê duyệt việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật Tổng giám đốc, Giám đốc.

Cùng với đó, phê duyệt phương án huy động vốn, dự án đầu tư, xây dựng, mua, bán tài sản cố định, dự án đầu tư quy mô lớn; dự án đầu tư ra nước ngoài; quyết định việc chuyển nhượng vốn đầu tư tại doanh nghiệp khác trong trường hợp thấp hơn giá trị sổ sách; quyết định chủ trương góp vốn, tăng, giảm vốn góp, chuyển nhượng vốn đầu tư tại doanh nghiệp khác; khiến cho giảm quyền tự chủ của doanh nghiệp, hoạt động của doanh nghiệp gặp khó khăn, vướng mắc về quản trị doanh nghiệp Nhà nước…

Để nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp Nhà nước trong thời gian tới, yếu tố tiên quyết là nâng cao tính minh bạch của doanh nghiệp Nhà nước. Doanh nghiệp Nhà nước cần có báo cáo cho Nhà nước và công chúng (cả thông tin tài chính và thông tin phi tài chính) đáp ứng chuẩn mực công bố thông tin quản trị công ty theo thông lệ quốc tế.

Báo cáo tài chính năm của doanh nghiệp Nhà nước phải được kiểm toán độc lập theo tiêu chuẩn chất lượng cao. Sự minh bạch liên quan đến kết quả tài chính và phi tài chính của doanh nghiệp Nhà nước chính là chìa khóa cho việc tăng cường trách nhiệm của hội đồng quản trị và ban điều hành của doanh nghiệp Nhà nước.

Bên cạnh đó, tăng cường kỷ luật tài chính và kỷ luật ngân sách đối với doanh nghiệp Nhà nước là một trong những khuyến nghị quan trọng khác. Theo đó, giảm ưu tiên, ưu đãi và lợi thế thực tế của doanh nghiệp Nhà nước trong tiếp cận tài chính; xác định rõ và phân tách chi phí thực hiện nhiệm vụ công ích với hoạt động kinh doanh; giám sát và kiểm soát rủi ro tài chính cũng như gánh nặng ngân sách tiềm năng của doanh nghiệp Nhà nước đối với nền kinh tế; thiết lập cơ chế ràng buộc giữa nhiệm vụ với ngân sách thực hiện, mức đóng góp cho ngân sách nhà nước…

Ông Phạm Đức Trung cho rằng, chuyển doanh nghiệp Nhà nước thành Công ty cổ phần là biện pháp quan trọng nhất để nâng cao quyền tự chủ của doanh nghiệp. Cụ thể, đối với chuyển đổi doanh nghiệp đa sở hữu cần áp dụng triệt để Luật doanh nghiệp, Luật chứng khoán. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung pháp luật về quan hệ giữa chủ sở hữu và người đại diện. Còn đối với doanh nghiệp Nhà nước 100% vốn Nhà nước cần sửa đổi, bổ sung Luật số 69/2014/QH13 về quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp theo hướng áp dụng triệt để nguyên tắc chiếm hữu, sử dụng định đoạt tài sản thuộc sở hữu doanh nghiệp, giảm sự can thiệp của Cơ quan Nhà nước vào sản xuất kinh doanh…

Theo thông lệ quốc tế phổ biến về quản trị doanh nghiệp Nhà nước, đặc biệt là hướng dẫn của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), để đảm bảo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp Nhà nước theo nguyên tắc thị trường, nhà nước, với tư cách là chủ sở hữu xác định rõ lý do hay mục tiêu duy trì sở hữu tại doanh nghiệp và thực hiện công bố công khai.

Nhà nước xây dựng và ban hành chính sách sở hữu nhà nước để giúp doanh nghiệp Nhà nước, thị trường và người dân có thể hiểu rõ các mục tiêu của nhà nước với tư cách một chủ sở hữu. Để đảm bảo sự nhất quán về nhận thức và hành động, các chuyên gia CIEM khuyến nghị tập hợp các nội dung của chính sách sở hữu tại một văn bản để trở thành một tài liệu áp dụng chung.

Bên cạnh đó, cần tổ chức doanh nghiệp Nhà nước dưới các hình thức công ty và tạo lập cơ chế để hoạt động kinh doanh vì lợi nhuận của doanh nghiệp Nhà nước tương đồng với công ty khu vực tư nhân. Cùng đó, chủ động giao cho doanh nghiệp Nhà nước các mục tiêu, nhiệm vụ và quyền chủ động điều hành doanh nghiệp Nhà nước; không nên giao cho doanh nghiệp Nhà nước các mục tiêu, nhiệm vụ không rõ ràng…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục