Giải pháp nào thúc đẩy thương mại nông nghiệp xanh?

11:48' - 22/09/2022
BNEWS Dù chưa có quy định riêng nhưng nhiều nội dung liên quan đến tiêu dùng xanh, tiêu dùng bền vững đã sớm được đưa vào nội dung chính sách và lồng ghép trong nhiều văn bản của Đảng và Nhà nước.

Theo bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), Việt Nam dù chưa có một quy định riêng biệt về tiêu dùng xanh nhưng nhiều nội dung liên quan đến tiêu dùng xanh, tiêu dùng bền vững đã sớm được đưa vào nội dung chính sách, được lồng ghép quy định trong nhiều văn bản của Đảng và Nhà nước.

Yếu tố “xanh” lần đầu tiên được đề cập trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020. Do đó, Việt Nam xác định việc chuyển đổi phương thức tiêu dùng theo hướng bền vững nhằm bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu là yêu cầu cấp thiết.

Đặc biệt, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050”; trong đó,  định hướng nâng cao hiệu quả của một số ngành và lĩnh vực cụ thể.

Bà Lê Việt Nga cũng chỉ ra rằng, trong thực tế, hoạt động đẩy mạnh tiêu dùng xanh tại Việt Nam là khá đa dạng, được triển khai ở cấp độ các cơ quan quản lý Nhà nước tới các doanh nghiệp.

Có thể kể tới chương trình Chương trình Nhãn tiết kiệm năng lượng của Bộ Công Thương, Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được triển khai từ 2014 đến nay với các hoạt động hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối hàng Việt, đảm bảo phân phối hàng hóa có chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng tới người tiêu dùng.

Cùng đó là hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa, tập trung hỗ trợ tiêu thụ nông sản an toàn, chiến dịch tiêu dùng xanh được tổ chức rất thành công hàng năm tại Tp. Hồ Chí Minh, chương trình Mạng lưới điểm đến xanh được tổ chức tại Hà Nội... Hầu hết các chương trình đều hướng đến mục tiêu nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và người tiêu dùng về việc sử dụng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường; đồng thời thúc đẩy việc sản xuất những sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường.

Không những thế, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hỗ trợ thành công đưa các sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm an toàn, OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm), sản phẩm làng nghề vào hệ thống phân phối trong nước cũng như xuất khẩu. Tuy nhiên,  theo kinh nghiệm cho thấy cần phải nhận diện rõ ràng thế nào là nông sản xanh.

Ở góc độ doanh nghiệp, một số doanh nghiệp ý thức được việc đẩy mạnh hoạt động tiêu dùng xanh là hết sức quan trọng, nhằm làm cho khách hàng hiểu rõ hơn và thực hiện hành vi tiêu dùng xanh.

Tiêu biểu phải kể đến Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op). Chiến dịch Tiêu Dùng Xanh được phát động từ năm 2010 vào tháng 6 hàng năm tại Saigon Co.op được xem là hoạt động môi trường đầu tiên trên hệ thống bán lẻ tại Việt Nam.

Điểm đặc biệt của sự kiện phát động Chiến dịch Tiêu dùng xanh năm 2022 là hơn 100 siêu thị, 500 cửa hàng trên cả nước được kết nối trực tiếp, hàng ngàn các doanh nghiệp trực tiếp tham gia trưng bày sản phẩm xanh, giải pháp sản xuất xanh.        

Hầu hết các sản phẩm hữu cơ hiện được phân phối thông qua hệ thống phân phối bán lẻ hiện đại và phục vụ cho người người tiêu dùng trung lưu. Hiện tại, người mua sắm có thể dễ dàng tìm thấy các sản phẩm hữu cơ trong các siêu thị, cửa hàng đặc sản hữu cơ của các nhà bán lẻ lớn (Sài Gòn COOP, Winmart, MMVN, Big C, Aeon, Lotte, Bách Hóa Xanh và BRG) và các sàn thương mại điện tử (bao gồm các sản thương mại điện tử lớn như Shopee, Lazada, Tiki, cũng như các nền tảng thương mại điện tử của các nhà bán lẻ hàng đầu.

Các hệ thống phân phối bán lẻ hiện đại tiếp tục mở rộng các dòng sản phẩm hữu cơ về chủng loại và số lượng, và nhiều siêu thị và đại siêu thị đã có quầy dành riêng để trưng bày các sản phẩm thực phẩm hữu cơ.

Ngoài ra, một số chuỗi bán lẻ đã phát triển các thương hiệu hữu cơ của riêng như Co.op Organic của Saigon Coopmart và Vin Eco Organic của Winmart. Cửa hàng đặc sản hữu cơ, chẳng hạn như Organica và Organic Food, đang phát triển cả về số lượng cửa hàng và doanh thu bán hàng.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp quy mô lớn như Vinamilk và TH True Milk đã tăng đầu tư vào kinh tế tuần hoàn. Mô hình chăn nuôi hữu cơ là một trong những chìa khóa quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững của Vinamilk.

Năm 2016, Trang trại Vinamilk Organic Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) của Vinamilk trở thành "Trang trại bò sữa hữu cơ đạt tiêu chuẩn châu Âu đầu tiên tại Việt Nam" do tổ chức toàn cầu Control Union (Hà Lan) chứng nhận.

Đây là dấu mốc quan trọng trong hành trình của Vinamilk, không chỉ đặt mục tiêu nâng tầm ngành chăn nuôi bò sữa Việt về năng suất, mà còn hướng tới sự phát triển bền vững, thân thiện với môi trường.

Mô hình kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững của Tập đoàn TH đã chứng minh tính hiệu quả, không chỉ góp phần tích cực bảo vệ thiên nhiên, môi trường mà còn mang tới lợi ích thực tế cho người dân.

Để thúc đẩy phát triển thương mại nông sản xanh theo hướng bền vững, bà Lê Việt Nga cho rằng các bộ, ngành, doanh nghiệp tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Mặt khác, thúc đẩy thị trường theo hướng liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp xanh, an toàn, hữu cơ, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và trong nước.

Ngoài ra, hỗ trợ thực hiện các quy định về sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm nông nghiệp xanh tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt áp dụng trong sản xuất nông nghiệp.

Bà Lê Việt Nga cũng đề xuất tiếp tục thực hiện chương trình phối hợp về phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa nền nồng nghiệp Việt Nam và khằng định thương hiệu Việt Nam tại thị trường trong nước và quốc tế.         

Hơn nữa, khuyến khích các dự án đầu tư của nước ngoài trong các lĩnh vực triển vọng như chế biến nông sản thực phẩm, nông nghiệp công nghệ cao hướng đến kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu…

Đặc biệt, các đơn vị cần triển khai chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp xanh, theo đó thúc đẩy người nông dân và các doanh nghiệp tham gia các hoạt động trong nông nghiệp, thương mại nông sản: tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào quy trình sản xuất, cung cấp dịch vụ nông nghiệp.

Tại địa phương, các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan cần tập trung triển khai số hóa thông tin của các hộ sản xuất nông nghiệp nhằm góp phần minh bạch hoá sản phẩm nông nghiệp xanh.

Mặt khác, hỗ trợ và xây dựng thói quen cho hộ sản xuất nông nghiệp tham gia giao dịch trên sàn thương mại điện tử; đào tạo kỹ năng kinh doanh trên sàn thương mại điện tử để sản phẩm nông nghiệp lên đảm bảo cho sản phẩm đến tay người tiêu dùng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và chất lượng tốt nhất.

Ngoài ra, Bà Lê Việt Nga đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động hỗ trợ đưa vào hệ thống phân phối để nhận diện sản phẩm nông nghiệp xanh một cách hiệu quả; phối hợp cùng Bộ Công Thương tăng cường thực hiện các hoạt động kết nối cung cầu và xúc tiến thương mại sản phẩm nông nghiệp xanh.

Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư nghiên cứu khoa học và công nghệ, đề xuất các phương án nhằm nâng cao chất lượng và giảm giá thành của các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

Cũng theo bà Lê Việt Nga, doanh nghiệp kinh doanh nông sản xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn có tính đến các tác động của các quy định tiêu chuẩn và quy định môi trường của sản phẩm.

Cùng đó, đầu tư đổi mới công nghệ đồng bộ và hiện đại để sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, giảm thiểu ô nhiễm, nâng cao chất lượng sản phẩm; nâng cao năng lực quản lý cho đội ngũ cán bộ chủ chốt trong doanh nghiệp, nhất là năng lực phân tích kinh tế và môi trường, biết gắn kết lợi ích kinh tế và lợi ích môi trường.

Bà Lê Việt Nga cũng lưu ý, hàng tháng, hàng quý và kết thúc năm phải có báo cáo của doanh nghiệp về thực thi quy định và luật pháp môi trường, các báo cáo này cần phải được lưu giữ để theo dõi để việc hướng tới tiêu dùng xanh ngày càng đạt hiệu quả cao./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục