Giải pháp phát triển giao thông đô thị thành phố Hà Nội

15:49' - 10/10/2023
BNEWS Hà Nội đang tích cực phối hợp với các tỉnh thuộc Vùng Thủ đô để triển khai các dự án xây dựng đường Vành đai 4, Vành đai 3,5 nhằm cải tạo mở rộng theo quy hoạch các tuyến đường cấp đô thị hướng tâm.

Thủ đô Hà Nội là đô thị đặc biệt, đầu mối giao thông quan trọng của quốc gia nói chung và của vùng châu thổ sông Hồng nói riêng, có quá trình phát triển hàng ngàn năm, tính từ hòa bình lập lại (1954). Đến nay, Hà Nội đã qua 4 lần điều chỉnh địa giới với biến động về dân số, 7 lần được phê duyệt quy hoạch chung xây dựng (trong đó, đều có quy hoạch, định hướng về giao thông vận tải), luôn là những thách thức với phát triển, quản lý nói chung và giao thông nói riêng.

Tranh thủ sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và phát huy nội lực của Thủ đô, sau nhiều năm nỗ lực, đến nay, hạ tầng giao thông Thủ đô đã có bước phát triển bứt phá, đặc biệt sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính. Nhiều công trình kết cấu hạ tầng giao thông khung đã được đầu tư và đưa vào khai thác, sử dụng góp phần nâng cao năng lực giao thông của Thủ đô theo hướng văn minh, hiện đại.

 

Đặc biệt, thành phố Hà Nội đang tích cực phối hợp với các tỉnh thuộc Vùng Thủ đô để triển khai các dự án xây dựng đường Vành đai 4, Vành đai 3,5 nhằm cải tạo mở rộng theo quy hoạch các tuyến đường cấp đô thị hướng tâm, tiếp tục xây dựng đường gom đô thị dọc theo các tuyến cao tốc, quốc lộ, hoàn thiện các tuyến đường Vành đai 1, Vành đai 2, Vành đai 2,5, các tuyến đường sắt giao thông đô thị còn lại...

Tuy nhiên, thực trạng hệ thống giao thông đô thị của Hà Nội vẫn còn nhiều bất cập, các tuyến đường chưa được đầu tư hoàn thiện theo quy hoạch. Hiện tượng ùn tắc giao thông tại các khu vực nội đô xảy ra thường xuyên trong những giờ cao điểm; hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị chưa đồng bộ.

Việc ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý, bảo trì hệ thống hạ tầng giao thông đô thị còn chậm và thiếu đồng bộ; ý thức chấp hành pháp luật, ý thức bảo vệ các công trình hạ tầng kỹ thuật giao thông đô thị của người dân và doanh nghiệp còn hạn chế… 

 Mặt khác, trong khi tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất đô thị mới đạt khoảng 10,3% (yêu cầu của quy hoạch số 519 là từ 20 - 26%), tỷ lệ tăng bình quân hằng năm mới đạt 0,26 - 0,3%/năm, quỹ đất dành cho giao thông tĩnh đạt dưới 1% thì tốc độ gia tăng dân số tự nhiên và cơ học giai đoạn 2011 - 2020 là khoảng 2,48%/năm, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2019 - 2022 là trên 10%/năm đối với ôtô, trên 3%/năm đối với xe máy. 

Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2019 - 2022 là trên 10%/năm đối với ôtô, trên 3%/năm đối với xe máy. Chưa kể, tham gia giao thông tại Hà Nội còn có 12 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành khác nhau. 

Những bất cập đó là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tai nạn và ùn tắc giao thông còn diễn biến phức tạp. Mới đây, tại hội thảo “Giao thông đô thị thành phố Hà Nội: Thực trạng và giải pháp”, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia đã trao đổi, phân tích làm rõ về công tác quy hoạch, quản lý chất lượng, đồng bộ hạ tầng; công tác phát triển giao thông đô thị, bài toán giảm thiểu tai nạn, đề án hạn chế phương tiện, giảm ùn tắc giao thông; công tác quản lý chất lượng công trình, đầu tư phát triển giao thông tĩnh; điều hành, đảm bảo an toàn giao thông; phân luồng, tổ chức giao thông tại các bến xe ô tô, bãi đỗ xe, điểm dừng, nhà chờ xe buýt, nhà ga, các tuyến đường bộ; phát triển vận tải hành khách công cộng; quản lý bến xe, điểm đỗ xe taxi, điểm đón, trả khách theo quy hoạch, quản lý hoạt động vận tải hành khách; công tác thanh tra, xử lý vi phạm lĩnh vực giao thông đô thị.

Theo các đại biểu, đầu mối giao thông phải quy hoạch ở vành đai, nhưng đầu mối giao thông hiện nay lại nằm ở nội đô. Vì thế, trong tương lai, Hà Nội cần xác định lõi đô thị ở đâu để quy hoạch đầu mối giao thông, cần có tầm nhìn xa ở các vành đai. Năng lực lập quy hoạch về giao thông ở Hà Nội hiện còn yếu, nên thành phố cần có kịch bản cho việc phát triển 5 quận mới, để quy hoạch giao thông đầu mối phù hợp…

Theo các chuyên gia, để phát triển giao thông đô thị ở Thủ đô cần tính đến các giải pháp như: Có dự báo quy hoạch giao thông sát thực tế hơn; tuyên truyền để người dân đồng thuận trong giải phóng mặt bằng, có cơ chế chính sách giải phóng mặt bằng bảo đảm lợi ích hài hòa; cần xác định tầm quan trọng của quy hoạch không gian, trong đó tổ chức thực hiện giao thông phải đi trước một bước; tránh việc hệ thống giao thông, hạ tầng kỹ thuật đi sau, dẫn đến việc ùn tắc hiện nay. Đặc biệt, Hà Nội cần cụ thể hóa chủ trương phát triển hạ tầng đồng bộ.

Muốn quản lý giao thông tốt, thì phải song hành với quản lý phát triển dân số đồng bộ, vào đầu mối, tránh mỗi ngành đưa ra một con số dự báo. Trước mắt, Hà Nội cũng nên thống kê cụ thể việc người dân tiếp cận phương tiện công cộng; nâng cao năng lực quản lý chuyên ngành, chú trọng vai trò trách nhiệm cộng đồng.

Cùng với các giải pháp trên, phát triển hạ tầng giao thông cũng được thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm. Thành phố Hà Nội đã chủ động đề xuất và được Trung ương, Quốc hội thông qua chủ trương triển khai dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Đây là một chủ trương lớn và cũng là bước đi đột phá về phát triển hạ tầng ở Hà Nội.

Đường Vành đai 4 là bước cụ thể hóa tầm nhìn chiến lược của Đại hội XIII của Đảng về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, cũng là dự án lớn đầu tiên triển khai theo Nghị quyết số 15 - NQ/TƯ của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 30 - NQ/TƯ ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Chỉ trong một thời gian ngắn, dự án đường Vành đai 4 đã được triển khai, hoàn thành các mốc tiến độ theo kế hoạch như bàn giao mốc giới, đặc biệt là tổ chức công tác bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng. Ngày 25/6, đáp ứng đủ các yêu cầu theo quy định, thành phố Hà Nội đã đi đầu khởi công dự án tại 4 điểm trên địa bàn. Đến nay, gần 90% diện tích đã được giải phóng mặt bằng ở 3 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên). Hiện 14 mũi thi công dự án đã và đang được các nhà thầu triển khai.

Thành phố cũng đang tích cực tháo gỡ khó khăn về mỏ vật liệu, chỉ đạo các quận, huyện quản lý chặt chẽ diện tích đã thu hồi mặt bằng, phối hợp bàn giao cho chủ đầu tư, các nhà thầu để tổ chức thi công dự án... Đường vành đai 4 sau khi hoàn thành không chỉ tạo động lực phát triển cho Hà Nội, mà còn khắc phục hạn chế liên kết vùng, thúc đẩy các tỉnh vùng Thủ đô, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng đồng bằng sông Hồng cùng phát triển./.

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục