Hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường carbon rừng

13:32' - 15/07/2025
BNEWS Việc quy định về dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng sẽ giúp huy động nguồn tài chính mới cho công tác bảo vệ rừng thông qua sự vận hành của thị trường carbon rừng trong thời gian tới.

Ngày 15/7, Hội Chủ Rừng Việt Nam và Tổ chức Forest Trends tổ chức tọa đàm Góp ý dự thảo Nghị định quy định về dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng. Dự thảo nghị định đang được Bộ Nông nghiệp và Môi trường thực hiện tham vấn góp ý. Nghị định có mục tiêu huy động nguồn tài chính mới cho công tác bảo vệ rừng thông qua sự vận hành của thị trường carbon rừng trong thời gian tới. 

Theo ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm, dự thảo nghị định được xây dựng với mục tiêu hỗ trợ tối đa cho các chủ rừng, đặc biệt là trong việc đơn giản hóa thủ tục và tạo thuận lợi cho việc tham gia thị trường carbon. Khi được ban hành, nghị định sẽ "cởi trói" cho các chủ tín chỉ carbon, cho phép họ chủ động hơn trong việc trao đổi, chuyển nhượng hoặc bù trừ tín chỉ không chỉ trong nước mà cả với đối tác quốc tế.

Điểm đáng chú ý là dự thảo cũng hướng tới việc thu hút mạnh mẽ sự tham gia của khối tư nhân và doanh nghiệp - những chủ thể có tiềm lực tài chính và công nghệ - nhằm gia tăng trữ lượng rừng, qua đó đóng góp thiết thực vào mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững và thực hiện cam kết về ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam, ông Trần Quang Bảo cho biết.

 

Theo ông Tô Xuân Phúc, Tổ chức Forest Trends, việc xây dựng nghị định kỳ vọng sẽ có thêm nguồn tài chính mới, không chỉ từ nguồn quốc tế mà còn từ các nguồn tư nhân trong nước, thông qua việc vận hành thị trường carbon. Việt Nam đã cam kết những đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) trong khuôn khổ Công ước của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu. Phần còn lại ngoài cam kết NDC sẽ được phép giao dịch trên thị trường carbon.

Với tư cách là một nhà nghiên cứu, ông Tô Xuân Phúc cho rằng, hiện nay, diện tích rừng, đặc biệt là rừng trồng của các hộ dân rất lớn. Đây là những diện tích đất mà Nhà nước giao cho người dân để sản xuất và phát triển rừng lâu dài và các hộ đã tự bỏ vốn đầu tư. Vì vậy, rừng trồng của hộ dân cần được xem là tài sản tư nhân và các quy định, nghị định liên quan nên mở rộng theo hướng cho phép người dân được toàn quyền liên doanh, liên kết và tham gia thị trường carbon. 

Còn đối với những diện tích rừng thuộc sở hữu toàn dân hay sở hữu nhà nước, thì sau khi các cơ quan chức năng hoàn tất việc tính toán mức độ đóng góp của Chính phủ Việt Nam trong mục tiêu giảm phát thải, nghị định nên được thiết kế theo hướng mở, để có thể huy động các tổ chức, doanh nghiệp hoặc dự án cùng hợp tác đầu tư, tạo ra tín chỉ carbon và tham gia giao dịch trên thị trường, bao gồm cả thị trường trong nước và quốc tế.

Khi Việt Nam đã hoàn thành đầy đủ các cam kết trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), phần tín chỉ carbon còn lại nên được tự do giao dịch một cách minh bạch, công khai để có thể huy động hiệu quả nguồn lực tài chính trong nước và quốc tế hiệu quả, phục vụ cho phát triển bền vững, ông Tô Xuân Phúc góp ý.

Chia sẻ về dự thảo nghị định, bà Nghiêm Phương Thúy, Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm cho biết, nghị định là bước hoàn thiện khung pháp lý nhằm cụ thể hóa các cam kết về giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực lâm nghiệp, đặc biệt sau khi Việt Nam công bố mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Dự thảo Nghị định gồm 4 chương, 18 điều, đề cập từ việc xác định lượng kết quả giảm phát thải, tín chỉ CO2 rừng được cung ứng, đến tổ chức thực hiện, quản lý nguồn thu và cơ chế thanh toán. Đây là lần đầu tiên Việt Nam xây dựng tiêu chuẩn carbon rừng trong nước, song song với cơ chế ghi nhận tín chỉ theo chuẩn quốc tế.

Một trong những điểm mới đáng chú ý là việc quy định rõ bên cung ứng dịch vụ có thể là chủ rừng nhà nước (như UBND xã, các tổ chức công lập) hoặc tư nhân (cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư, doanh nghiệp). Bên sử dụng dịch vụ là các tổ chức, cá nhân trong hoặc ngoài nước có nhu cầu bù đắp phát thải carbon. Việc trao đổi, chuyển nhượng kết quả giảm phát thải hoặc tín chỉ carbon rừng được thực hiện thông qua hợp đồng hoặc sàn giao dịch carbon trong nước.

Theo bà Nghiêm Phương Thúy, việc ban hành nghị định là cần thiết trong bối cảnh quốc tế ngày càng yêu cầu minh bạch trong nỗ lực giảm phát thải, đồng thời mở ra cơ hội huy động nguồn lực tài chính bổ sung cho công tác bảo vệ và phát triển rừng ở Việt Nam.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục