Giải quyết đầu ra cho lúa gạo vùng Đồng Tháp Mười (Bài cuối)

09:51' - 19/03/2019
BNEWS Tình hình tiêu thụ lúa gạo khó khăn, thu nhập thấp, sinh kế của nhiều hộ nông dân bấp bênh là thách thức lớn đối với nền sản xuất lúa gạo ở một tỉnh trọng điểm về nông nghiệp như Tiền Giang.

Bài cuối: Phát huy vai trò của hợp tác xã nông nghiệp

Trong vụ Đông Xuân 2018 – 2019, Tiền Giang xuống giống được gần 65.000 ha; trong đó, vùng Đồng Tháp Mười gần 37.000 ha và vùng ngọt hóa Gò Công phía Đông tỉnh khoảng 28.000 ha.

Đến nay, các huyện vùng Đồng Tháp Mười (Tiền Giang): Cai Lậy, Cái Bè, Châu Thành, Tân Phước đã cơ bản thu hoạch dứt điểm vụ Đông Xuân với năng suất bình quân 69,6 tạ/ha. Các huyện vùng dự án ngọt hóa Gò Công phía Đông tỉnh mới vào vụ thu hoạch.

So với vụ Đông Xuân năm trước, vụ này năng suất thấp và giá lúa sụt giảm. Có thời điểm, thương lái không mua, lúa chín đỏ đồng, nông dân hết sức lo lắng. Theo ông Hai Lĩnh, nông dân canh tác 3.000 m2 ở xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy, gia đình ông đạt năng suất khoảng 70 tạ/ha, giảm 10 tạ so vụ Đông Xuân 2017 – 2018.

Thu hoạch lúa Đông Xuân 2018 - 2019. Ảnh: Duy Khương - TTXVN

Vào đầu vụ, thương lái liên hệ nông dân đặt cọc (bỏ mối) trước giá khoảng 5.000 đồng/kg (100.000 đồng/giạ) nhưng khi vào thu hoạch rộ chỉ còn 4.300 đồng/kg và rất khó tìm người mua. Gia đình ông Hai Lĩnh làm cật lực suốt một vụ hơn ba tháng trời, sau khi trừ chi phí còn lãi chưa đầy 3 triệu đồng. “Đối với nông gia, năm nay, đời sống rồi sẽ chật vật cho coi!", ông Hai Lĩnh than.

Theo ông Đoàn Văn Phương, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang, tình hình tiêu thụ lúa gạo khó khăn, thu nhập thấp, sinh kế của nhiều hộ nông dân bấp bênh là thách thức lớn đối với nền sản xuất lúa gạo ở một tỉnh trọng điểm về nông nghiệp như Tiền Giang; từ đó, đòi hỏi phải đổi mới tư duy sản xuất, biến thách thức thành cơ hội giúp nghề nông khắc phục hạn chế, phát triển bền vững. Cốt lõi là đoạn tuyệt tập quán canh tác và lề thói làm ăn nhỏ lẻ, thu hút nông dân vào các hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp theo mô hình chuỗi giá trị.

Con đường làm ăn tập thể kiểu mới đã khẳng định tính ưu việt về hiệu quả, khoa học, căn cơ và liên kết giữa các hợp tác xã với doanh nghiệp chặt chẽ giải quyết đầu ra ổn định cho hạt lúa hàng hóa. Đây là mục tiêu chỉ đạo xuyên suốt của lãnh đạo tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ năm lương thực 2019.

Vụ Đông Xuân 2018 – 2019, toàn tỉnh có gần 2.500 ha liên kết theo mô hình cánh đồng lớn; trong đó, huyện Cai Lậy – một vựa lúa lớn vùng Đồng Tháp Mười (Tiền Giang) có gần 1.000 ha liên kết theo mô hình cánh đồng lớn. Có những hình mẫu tốt như Hợp tác xã nông nghiệp Mỹ Thành Nam liên kết với Công ty ADC sản xuất 90 ha giống OM 4900.

Theo ông Lê Văn Hưng, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Mỹ Thành Nam, giá lúa doanh nghiệp bao tiêu 5.000 đồng/kg, cao hơn thị trường 300 đồng/kg. Với năng suất trên 70 tạ/ha, mỗi ha canh tác, xã viên lãi từ 15 triệu đồng trở lên, cao gấp đôi so với nông dân sản xuất nhỏ lẻ bên ngoài.

Công ty ADC còn hợp đồng sản xuất 5 ha giống lúa Đen đặc sản, giá bao tiêu cao ngất ngưỡng: 14.000 đồng/kg. Giống lúa này tuy năng suất không cao, khoảng 40 tạ/ha nhưng nhờ vậy đạt giá trị sản xuất đến 56 triệu đồng/ha, trừ chi phí, người dân còn lãi khoảng 25 triệu đồng/ha, gấp 3 - 4 lần so với sản xuất bình thường.

Hợp tác xã nông nghiệp Mỹ Thành Nam cũng là đơn vị sớm đưa khoa học nông nghiệp tiên tiến vào thâm canh, chuyển giao kỹ thuật sản xuất theo hướng GAP... Hiện nay, HTX có 90 ha được công nhận đạt tiêu chí Global GAP. Ông Hưng lạc quan cho biết, mô hình hợp tác xã kiểu mới hấp dẫn nông dân, khuyến khích thay đổi tư duy canh tác, hăng hái vào làm ăn hợp tác.

Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ nông thôn Bình Nhì có 573 hộ xã viên ttham gia xây dựng cánh đồng lớn, tổng diện tích trên 272 ha liên kết với Công ty TNHH Vinh Hiển bao tiêu đầu ra. Mặt khác, HTX còn thực hiện chương trình sản xuất lúa sạch theo tiêu chuẩn VietGAP gần 40 ha với 100 hộ thành viên tham gia. Theo Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ nông thôn Bình Nhì Phan Minh Hùng, doanh nghiệp bao tiêu chốt giá 3 ngày/1 lần trong thời kỳ thu hoạch và mua thống nhất 1 giá trên các diện tích trong mô hình.

Giải quyết đầu ra cho lúa gạo. Ảnh: Lê Sen - TTXVN

Qua mô hình, thành viên tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng năng suất, thu nhập cao hơn so với ngoài mô hình, khắc phục được khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ, không bị thương lái ép giá.

Ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Tiền Giang cho biết, toàn tỉnh hiện có 111 hợp tác xã trên lĩnh vực nông nghiệp đang hoạt động; trong đó có 33 hợp tác xã chuyên trồng lúa và dịch vụ nông nghiệp. Trong số các hợp tác xã trồng lúa, có 9 hợp tác xã tham gia dự án nông nghiệp công nghệ cao.

Liên kết xây dựng cánh đồng lớn nhằm giải quyết ổn định đầu ra nông sản hàng hóa là mục tiêu đeo đuổi của các Hợp tác xã nông nghiệp. Nổi bật có các Hợp tác xã Mỹ Quới, Mỹ Thành Nam, Mỹ Trinh, Green Vina, Mỹ Thành Bắc, Mỹ Hòa…Trung bình mỗi năm, diện tích liên kết sản xuất giữa các hợp tác xã và doanh nghiệp theo mô hình cánh đồng lớn đạt 5.000 ha.

Chính nhờ thông qua mạng lưới các hợp tác xã, định hướng xã viên thay đổi về cơ cấu giống lúa, thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng chất lượng hạt gạo, ứng dụng rộng rãi khoa học nông nghiệp nhằm giảm giá thành, tăng năng suất và sản lượng vừa tạo tiền đề giành những vụ mùa bội thu.

Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tăng Hòa (huyện ven biển Gò Công Đông) liên kết với các doanh nghiệp theo mô hình chuỗi giá trị tiêu thụ mỗi năm từ 1.800 tấn đến 2.000 tấn lúa hàng hóa của xã viên. Gần đây, Hợp tác xã còn được ngành nông nghiệp chọn thí điểm xây dựng mô hình trình diễn sản xuất lúa theo mô hình ứng dụng công nghệ cao, thích ứng biến đổi khí hậu mang lại kết quả khả quan.

Năm 2019, thông qua mạng lưới các hợp tác xã nông nghiệp, nhiều tiến bộ kỹ thuật mới được tỉnh triển khai trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, giúp nghề trồng lúa Tiền Giang phát triển bền vững.

Điển hình: Dự án Vùng lúa ứng dụng công nghệ cao với một số kỹ thuật mới, tiên tiến chuyển giao cho nông dân như: Ứng dụng điện toán đám mây, Internet kết nối vạn vật để quản lý và phân phối nước hợp lý cho cây trồng trong quá trình canh tác trước tình hình biến đổi khí hậu, hạn mặn gay gắt vào mùa khô; Sử dụng phân bón thông minh kết hợp với ống cảm biến canh tác tưới nước ướt – khô xen kẽ giám sát mực nước trên bề mặt ruộng giúp nông dân có biện pháp xử trí hiệu quả…

Nằm trong chủ trương phát triển mô hình Hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp; tập hợp nông dân vào làm ăn trong quan hệ sản xuất mới, hiệu quả bền vững, khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, hiệu quả bấp bênh, “trúng mùa mất giá”, Tiền Giang đang triển khai Đề án phát triển 15.000 hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Nghĩa, trong hai năm 2019 – 2020, thực hiện Đề án trên, địa phương huy động khoảng 40,4 tỷ đồng vốn đầu tư hỗ trợ phát triển hợp tác xã nông nghiệp với mục tiêu: Tập huấn, đào tạo cán bộ quản lý nhà nước về hợp tác xã; hỗ trợ thành lập mới các hợp tác xã nông nghiệp; giúp các hợp tác xã nông nghiệp tiếp cận chính sách ưu đãi của nhà nước; phấn đấu thành lập mới 44 Hợp tác xã chuyên làm dịch vụ nông nghiệp và liên kết sản xuất...

Tiền Giang tiếp tục thực hiện 4 phương án cánh đồng lớn của các doanh nghiệp, Hợp tác xã đề xuất là Công ty Lương thực Tiền Giang, Công ty TNHH Việt Hưng, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp nông thôn Bình Nhì và Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Quới; triển khai và hướng dẫn các hợp tác xã nông nghiệp lập dự án liên kết hoặc kế hoạch liên kết theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 5/7/2018 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Mặt khác, tỉnh tiếp tục triển khai Dự án Chuyển đổi nông nghiệp (Dự án VnSAT) để hình thành được chuỗi giá trị liên kết tiêu thụ lúa gạo ở 20 Hợp tác xã nông nghiệp tại các huyện trọng điểm: Cái Bè, Cai Lậy, thị xã Cai Lậy..../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục