Giải quyết vốn đầu tư hạ tầng tại Tp. Hồ Chí Minh

15:27' - 14/06/2017
BNEWS Thời gian qua thành phố đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để tạo môi trường đầu tư thuận lợi; trong đó điểm nhấn là việc thành lập Ban chỉ đạo PPP.
Các nhà đầu tư tham gia thảo luận tại hội nghị. Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN

Ngày 14/6, tại Tp. Hồ Chí Minh, Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh và Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước Tp. Hồ Chí Minh (HFIC) tổ chức hội nghị tổng kết hình thức triển khai thu hút vốn đầu tư phát triển hạ tầng theo hình thức đối tác công tư (PPP.

Tại hội nghị ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh cho biết, thực hiện chủ trương Chính phủ kiến tạo, lấy doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ, trong thời gian qua thành phố đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để tạo môi trường đầu tư thuận lợi; trong đó điểm nhấn là việc thành lập Ban chỉ đạo PPP.

Đồng thời thành phố đang triển khai thành lập Quỹ Phát triển dự án (PDF) và Quỹ bù đắp tài chính (VGF) để hỗ trợ tài chính cho các dự án thực hiện theo hình thức đối tác công tư.

Thực hiện Nghị định 15/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức PPP, thành phố đã đạt được nhiều kết quả khá toàn diện trong kêu gọi nguồn vốn đầu tư từ doanh nghiệp, bước đầu góp phần cùng thành phố và cả nước giải quyết bức xúc của người dân về giao thông, môi trường, tình trạng ngập nước.

Trước áp lực nợ công, nguồn chi cho đầu tư có hạn, thì PPP là một trong những giải pháp tối ưu để giải quyết bài toán thiếu vốn về đầu tư hạ tầng. Đây còn là động lực phát triển kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu.

Thành phố đã và đang triển khai 153 dự án theo hình thức PPP với tổng mức đầu tư 451.000 tỷ đồng; trong đó 23 dự án đã hoàn thành với tổng mức đầu tư 71.000 tỷ đồng, các dự án còn lại đang trong giai đoạn chuẩn bị triển khai.

Mặc dù số lượng các dự án PPP chỉ chiếm 5% số dự án đầu tư công của thành phố nhưng nguồn vốn huy động từ các dự án này lại rất lớn, gấp 5 lần nguồn lực đầu tư công giai đoạn 2011- 2015.

Giai đoạn 2006 – 2020, nhu cầu đầu tư của thành phố lên đến 850.000 tỷ đồng, trong khi ngân sách thành phố chỉ đáp ứng được 20%.

"Chỉ tính riêng lĩnh vực giao thông, môi trường, giải quyết tình trạng ngập nước (chưa tính đến chương trình chỉnh trang đô thị) đã chiếm hơn 500.000 tỷ đồng , nhưng ngân sách thành phố cũng chỉ mới đáp ứng được 31,8%”, ông Nguyễn Thành Phong cho biết thêm.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hoa, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh, giai đoạn 2004 - 2015 thành phố có 18 dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT, BTO, BOO đã hoàn thành và đang được triển khai với tổng mức đầu tư hơn 59.000 tỷ đồng; trong đó lĩnh vực giao thông chiếm 15 dự án, tiêu biểu như dự án cầu Phú Mỹ (hợp đồng BOT, vốn gần 2.914 tỷ đồng), cầu Sài Gòn 2 (vốn 1.827 tỷ đồng).

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 15/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 về đầu tư theo hình thức PPP, thành phố đã kêu gọi, hoàn tất ký hợp đồng và triển khai 5 dự án với tổng mức đầu tư gần 12.000 tỷ đồng.

Bên cạnh các dự án đã hoàn tất ký kết hợp đồng, hiện có 130 dự án đang thực hiện theo hình thức PPP với tổng vốn đầu tư dự kiến 380.947 tỷ đồng.

Dưới góc độ doanh nghiệp, đại diện Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước Tp. Hồ Chí Minh cho biết, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án PPP là việc áp dụng quy định pháp luật liên quan, quỹ thanh toán cho các dự án BT không đủ, đền bù giải phóng mặt bằng khó khăn.

Cùng với đó, mặc dù đã có Nghị định 15/2015/NĐ-CP nhưng khi triển khai doanh nghiệp vẫn phải phụ thuộc nhiều vào các Luật Doanh nghiệp, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công... và các thông tư hướng dẫn liên quan.

Hơn nữa, hình thức đầu tư PPP hiện chỉ được điều chỉnh ở mức Nghị định nên các nhà đầu tư quan ngại về tính ổn định của chính sách.

Cùng với đó, thủ tục hành chính hiện nay vẫn còn phiền hà, mất nhiều thời gian trong khi các dự án PPP có vốn lớn, cần triển khai nhanh, quỹ đất để thanh toán cho dự án BT hầu như không còn nên phương án tài chính vốn của dự án khó khả thi.

Theo đề xuất của đại diện HFIC, công ty xin được đền bù giải phóng mặt bằng toàn dự án để đầu tư kinh doanh và đấu giá quỹ đất sạch, tạo nguồn thu triển khai dự án hạ tầng.

Để đẩy nhanh tiến độ, cơ quan hành chính nhà nước cần cải cách mạnh thủ tục hành chính, cung cấp minh bạch và khách quan thông tin quy hoạch và sớm thành lập Quỹ Phát triển dự án (PDF) và Quỹ bù đắp tài chính (VGF) , nhằm hỗ trợ tài chính cho các dự án thực hiện theo hình thức PPP.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục