Giảm 2% thuế giá trị gia tăng kỳ vọng tăng sức mua

16:33' - 16/01/2024
BNEWS Các chuyên gia kinh tế cho rằng, khi giảm thuế thì giá hàng hóa, dịch vụ sẽ giảm, từ đó giúp kích cầu tiêu dùng và doanh nghiệp phục hồi sản xuất.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, thuế giá trị gia tăng là loại thuế gián thu, được cấu thành trong giá bán của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Do đó, khi giảm thuế thì giá hàng hóa, dịch vụ sẽ giảm, từ đó giúp kích cầu tiêu dùng và doanh nghiệp phục hồi sản xuất.

Theo đó, từ 1/1, các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ sẽ tiếp tục được giảm thuế giá trị gia tăng 2% nửa đầu năm 2024, để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế. Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, các chuyên gia cho rằng việc tiếp tục kéo dài thời gian giảm thuế giá trị gia tăng cùng với các giải pháp thuế, phí, lệ phí khác đang tạo điều kiện rất lớn giúp doanh nghiệp giảm được chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, tăng khả năng kích cầu.

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, năm 2024, cộng đồng doanh nghiệp còn đối mặt nhiều khó khăn. Vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp rất mong chờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Những chính sách có thể thực hiện ngay, tác động trực tiếp như giảm thuế giá trị gia tăng 2% được doanh nghiệp rất mong chờ.

 

Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, việc giảm thuế giá trị gia tăng sẽ góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi kinh tế.

Bà Vũ Thị Thu Thủy, giám đốc doanh nghiệp chuyên về đồ gia dụng tại Hà Nội cho biết, vào thời điểm gần Tết như mọi năm, lượng hàng hóa bán ra rất nhiều, khách hàng tấp nập nhưng năm nay lượng khách mua chỉ tăng nhẹ so với ngày thường.

Do đó, theo bà Vũ Thị Thu Thủy, với việc áp dụng chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% sẽ khiến nhiều sản phẩm có giá thành rẻ hơn so với trước, giúp công ty giảm được một phần giá bán và kích thích được sự mua sắm của người tiêu dùng.

Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho rằng, giảm thuế giá trị gia tăng 2% như một mũi tên trúng ba đích. Chính sách này vừa góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, vừa thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tạo thêm việc làm cho người lao động, vừa góp phần kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.

Đây là năm thứ 3 Quốc hội, Chính phủ quyết định giảm thuế giá trị gia tăng hỗ trợ nền kinh tế, tăng kích cầu tiêu dùng. Bộ Tài chính cho rằng, giảm thuế giá trị gia tăng tạo điều kiện rất lớn giúp doanh nghiệp giảm được chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, tăng khả năng kích cầu.

Bộ Tài chính ước tính việc thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% trong 6 tháng đầu năm 2024 dự kiến sẽ giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 25.000 tỷ đồng. 

Theo đó, việc giảm thuế giá trị gia tăng đã được thực hiện vào năm 2022 và năm 2023. Năm 2022, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó đã đề ra giải pháp giảm thuế giá trị gia tăng 2% đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất giá trị gia tăng10% từ ngày 1/2/2022 đến hết ngày 31/12/2022.

Năm 2023, trước khó khăn của nền kinh tế, Quốc hội tiếp tục cho phép thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng, theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 từ ngày 1/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023 tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội về Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục