Giảm lãi suất cho vay ngắn hạn: Khó thiết lập mặt bằng lãi suất mới

18:25' - 09/08/2019
BNEWS Mặt bằng lãi suất ở Việt Nam có thể được điều chỉnh giảm ở một số lĩnh vực ưu tiên, tuy nhiên khó thiết lập được mặt bằng lãi suất mới thấp hơn hiện nay.
Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) chi nhánh Lạng Sơn. Ảnh: TTXVN

Từ đầu tháng 8/2018, một số ngân hàng thương mại đồng loạt thông báo giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay VND ngắn hạn xuống còn 5,5%/năm đối với một số nhóm lĩnh vực ưu tiên và doanh nghiệp khởi nghiệp.

Đây được xem là hành động thiết thực của các ngân hàng trong việc hỗ trợ thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế... theo chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.

Tại Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), việc giảm lãi suất lần này được triển khai trên phạm vi rộng với dư nợ cho vay tương đương 38% dư nợ cho vay ngắn hạn hiện hành và chiếm khoảng 20% tổng dư nợ cho vay nội tệ hiện hữu của ngân hàng.

Còn tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), ngoài việc giảm trần lãi suất cho nhóm đối tượng ưu tiên, BIDV còn triển khai 2 gói tín dụng với quy mô lên tới 70.000 tỷ đồng với lãi suất giảm 0,5%/năm so với hiện nay; trong đó, gói tín dụng dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ với quy mô 60.000 tỷ đồng; gói tín dụng ngắn hạn dành cho doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp với quy mô 10.000 tỷ đồng.

Để có thể từng bước giảm lãi suất, tạo điều kiện hỗ trợ phát triển nền kinh tế, trong thời gian qua, các ngân hàng đã liên tục triển khai đồng bộ các giải pháp về tiết giảm chi phí hoạt động, phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới, đa dạng hóa kinh doanh, tăng cường quản trị rủi ro.

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh, đợt giảm lãi suất này không chỉ có sự tham gia của các ngân hàng thương mại nhà nước, mà còn có sự vào cuộc các ngân hàng thương mại cổ phần.

Thậm chí, có cả những ngân hàng có quy mô rất nhỏ so với hệ thống nhưng vẫn sẵn sàng hạ lãi suất để hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Cũng theo ông Minh, cơ sở hạ lãi suất đợt này của các ngân hàng có một số động lực lớn. Trước hết là do quá trình thực hiện đề án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của các ngân hàng thương mại đến nay thực hiện khá thành công, kể cả về tiến độ, giải pháp, mục tiêu thực hiện… Điều này giúp nguồn vốn, thanh khoản của các ngân hàng khá dồi dào, giúp các ngân hàng chủ động hơn trong hỗ trợ vốn sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, thị trường gần đây xuất hiện một số tín hiệu khó khăn, nhất là trong lĩnh vực bất động sản, chứng khoán… khiến các ngân hàng quyết tâm hơn trong việc hạ lãi suất để hỗ trợ sản xuất kinh doanh.

Về phía các ngân hàng thương mại, việc giảm lãi suất này chỉ áp dụng cho nhóm 5 lĩnh vực ưu tiên. Tuy nhiên, riêng tại Tp.Hồ Chí Minh, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh đang hướng các ngân hàng thương mại đưa hoạt động này vào chương trình kết nối doanh nghiệp – ngân hàng.

Đây là chương trình đã được thực hiện 7 năm nay ở Tp. Hồ Chí Minh, với mục tiêu là không những giảm chi phí sản xuất cho các doanh nghiệp mà hướng đến giảm tín dụng đen ngoài xã hội.

Do đó, đối tượng trong chương trình khá phong phú, có thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ nông dân, tiểu thương… Các doanh nghiệp tham gia không chỉ được hưởng chế độ ưu tiên về mặt giảm lãi suất mà còn được gia hạn nợ, cơ cấu lại nợ, miễn giảm tiền vay trước đây…

Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng, việc các ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất cho vay ngắn hạn đợt này có tác động rất lớn đối với nền kinh tế. Bởi lẽ, lãi suất là một trong những chi phí lớn nhất của doanh nghiệp, việc giảm lãi suất cho vay sẽ giúp các doanh nghiệp tiết giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Trong bối cảnh nền kinh tế đang chịu sức ép từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, chính sách giảm lãi suất đã góp phần định hướng, ổn định lãi suất để các doanh nghiệp không bị áp lực về tăng lãi suất trong những tháng cuối năm.

Tuy vậy, các chuyên gia cũng cho rằng, mặc dù chính sách giảm lãi suất cho vay áp dụng đối với các doanh nghiệp trong nhóm ưu tiên, song không phải doanh nghiệp nào trong nhóm cũng được hưởng ưu đãi.

Theo chuyên gia tài chính Đinh Thế Hiển, trên thực tế, chỉ có một số doanh nghiệp tốt, có tài chính lành mạnh và hiệu quả kinh doanh vững chắc thì mới hưởng được mức lãi suất trên, những doanh nghiệp khác khó nhận được mức lãi suất này. Bởi lẽ, các ngân hàng kinh doanh dựa trên hiệu quả lợi nhuận, rủi ro và các ngân hàng không có nhiều nguồn vốn đến mức áp dụng cho số đông.

Báo cáo gần đây của Công ty chứng khoán Rồng Việt cho biết, những thay đổi lãi suất ngắn hạn trên của các ngân hàng thương mại chưa đồng nghĩa với việc nới lỏng chính sách tiền tệ. Hiện tại, việc giảm lãi suất điều hành ngắn hạn chỉ góp phần định hướng giảm lãi suất ngắn hạn cho khu vực doanh nghiệp trong lĩnh vực ưu tiên và chưa thể tác động tới lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh dài hạn.

Phân tích của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng cho thấy, việc hạ lãi suất của các ngân hàng lần này về lý thuyết, có thể phần nào khuyến khích các ngân hàng tăng cường cho vay nhiều hơn, giúp tăng cung vốn nhưng tác động về mặt thực tế sẽ không lớn.

Khác với Ngân hàng Trung ương các nước phát triển, việc điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam thiên về trần tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng M2 (quy mô cung tiền, gồm cung tiền giao dịch và tiền gửi tiết kiệm) chứ không điều tiết gián tiếp thông qua lãi suất.

Cơ chế lan truyền từ lãi suất liên ngân hàng ngắn hạn đến lãi suất cho vay trên thị trường cũng rất hạn chế. Chưa kể thanh khoản hệ thống, dù dư thừa (thể hiện qua lãi suất liên ngân hàng ở mức thấp) nhưng không đại diện cho toàn bộ hệ thống. Thanh khoản giữa các ngân hàng hiện vẫn đang phân hóa mạnh, dẫn đến lãi suất huy động sẽ tiếp tục neo ở mức cao.

Với các diễn biến hiện tại, BVSC cho rằng, mặt bằng lãi suất ở Việt Nam có thể được điều chỉnh giảm ở một số lĩnh vực ưu tiên, tuy nhiên khó thiết lập được mặt bằng lãi suất mới thấp hơn hiện nay.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh cũng cho biết, việc giảm lãi suất đợt này diễn ra khá bất ngờ trong bối cảnh lãi suất cho vay chịu nhiều sức ép tăng lên.

Đây là bước đệm vì cộng đồng của các ngân hàng thương mại. Bởi lẽ, chi phí vốn của các ngân hàng thương mại đã gần bằng hoặc cao hơn với mức lãi suất hiện nay. Các ngân hàng đang huy động vốn với lãi suất tiết kiệm bình quân từ 6 tháng trở lên là 7-8%, huy động kỳ hạn dài có thể trên 8%.

Do vậy, với mức cho vay chỉ từ 5,5-6% là sự hy sinh một phần thu nhập của các ngân hàng vì cộng đồng. Từ nay đến cuối năm khó có đợt giảm lãi suất nào thêm nữa./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục