Giám sát, đảm bảo môi trường tại Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân, Bình Thuận

20:33' - 25/02/2018
BNEWS Việc ô nhiễm môi trường tại Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân luôn là vấn đề gây bức xúc, đòi hỏi phải có hướng giải quyết triệt để.
Đường dây đấu nối vào nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4. Nguồn: TTXVN

Nhằm kiểm soát chặt chẽ môi trường tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong), UBND tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo quyết liệt các cơ quan chức năng và chủ đầu tư tập trung triển khai giải pháp đảm bảo môi trường, không để ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt của người dân tại khu vực. Nhiều biện pháp được triển khai đồng bộ, qua đó hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường.

Thời gian qua, việc ô nhiễm môi trường tại Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân luôn là vấn đề gây bức xúc, đòi hỏi phải có hướng giải quyết triệt để. Từ khi xây dựng và đi vào hoạt động, Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân đã gây ra một số vụ ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống người dân xung quanh.

Theo đó, tháng 4/2015, do một thời gian dài sống trong cảnh ô nhiễm khói bụi, người dân đã kéo ra Quốc lộ 1A (đoạn qua xã Vĩnh Tân) chặn các xe chở tro xỉ yêu cầu phải giải quyết tình trạng ô nhiễm, gây nên tình trạng kẹt xe và mất an ninh trật tự.

Tháng 2/2017, nước từ bãi thải xỉ của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân đã gây ngập úng, ô nhiễm nguồn nước làm cây trồng lâu năm và hoa màu bị chết, nước giếng nhiễm mặn, ảnh hưởng đến đời sống người dân…

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Thuận, tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân hiện có 5 dự án nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân (Vĩnh Tân 1, 2, 3, 4 và 4 mở rộng) và 1 cảng tổng hợp Vĩnh Tân. Trong các nhà máy nhiệt điện, hiện có Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 và 4 đi vào hoạt động, Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 và Cảng tổng hợp Vĩnh Tân đang tiến hành xây dựng.

Bãi thải tro, xỉ của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 (Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 đang dùng chung bãi thải tro, xỉ) dự kiến sẽ được lấp đầy theo thiết kế vào năm 2019.

Do đó, vấn đề tiêu thụ tro, xỉ của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2, Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 và khi cả 5 nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân (dự kiến tổng lượng tro, xỉ phát sinh khoảng 3,3 triệu tấn/năm) đi vào hoạt động sẽ rất phức tạp.

Để giám sát môi trường tại đây, từ tháng 9/2014, UBND tỉnh Bình Thuận đã thành lập Tổ công tác theo dõi việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường đối với các dự án tại Vĩnh Tân.

Việc phối hợp theo dõi, giám sát các biện pháp bảo vệ môi trường của các nhà máy được Tổ công tác thực hiện thường xuyên.

Từ tháng 12/2017 đến tháng 2/2018, Tổ công tác đã tổ chức 11 đợt giám sát việc thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường các dự án tại Trung tâm điện lực Vĩnh Tân; phối hợp Cục Môi trường miền Nam làm việc với chủ đầu tư các dự án tại Trung tâm điện lực Vĩnh Tân; phối hợp đoàn kiểm tra của Tổng cục Môi trường kiểm tra việc xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường Tổ máy số 2, Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Thuận, trong thời gian qua, chủ đầu tư các dự án đã triển khai thực hiện các ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, các sở, ngành trong việc thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường trong giai đoạn xây dựng, vận hành.

Đến nay, đã hoàn thành việc lắp đặt hệ thống quan trắc tự động nước thải, khí thải, camera giám sát, thiết bị lấy mẫu tự động nước thải theo yêu cầu của Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và các quy định hiện hành; đã truyền dữ liệu quan trắc tự động nước thải về hệ thống tiếp nhận của Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Thuận.

Bên cạnh đó, các chủ đầu tư đã thi công nâng tầng đê bao bãi thải xỉ, đảm bảo an toàn cho bãi xỉ trong mùa mưa, thực hiện quy trình thu gom, vận chuyển, chôn lấp tro xỉ theo quy trình đã được UBND tỉnh chấp thuận, không phát tán bụi khi có gió lớn, lốc xoáy.

Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân đã tích cực thực hiện các biện pháp để giảm thiểu sự ô nhiễm môi trường như: xây dựng trạm xử lý nước thải sinh hoạt, nước thải sau xử lý được nhập chung với nước thải công nghiệp sau khi xử lý để tiếp tục lắng, lọc và tái sử dụng tưới tro, xỉ.

Ngoài ra, để xử lý tình trạng khói, bụi xỉ theo gió phát tán trong môi trường, nhà máy đã lắp đặt hệ thống xử lý khí thải Nox, thiết bị lọc bụi tĩnh điện và hệ thống khử SOx cho các tổ máy riêng biệt. Khí thải sau khi xử lý được thải ra ngoài môi trường qua hai ống khói.

Đối với phần xỉ than sau khi đốt sẽ được tập trung tại bãi, tưới nước và phủ bạt… qua đó hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Phạm Văn Nam cho biết: Nhằm đảm bảo môi trường tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, tỉnh Bình Thuận cũng đã kiến nghị Trung ương đưa Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân vào chương trình giám sát đặc biệt và thành lập Tổ giám sát môi trường tại khu vực này.

Tỉnh cũng kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai việc rà soát, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường tổng thể cho toàn bộ các dự án tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, kể cả việc giải nhiệt nước làm mát của các nhà máy khi thải vào môi trường. Từ đó, đưa ra các giải pháp phòng chống, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường cho phù hợp với thực tế tại khu vực.

Ngoài ra, tỉnh Bình Thuận chỉ đạo Tổ giám sát môi trường tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường của các dự án tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân; đặc biệt là quá trình vận chuyển, đổ đất thải từ các công trình xây dựng cũng như các vấn đề phát sinh khác có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường... kịp thời xử lý các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật; tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong quá trình xây dựng, vận hành các nhà máy.

Về lâu dài, các sở, ngành liên quan phải phối hợp đề xuất giải pháp đảm bảo an sinh cho người dân tại hai xã Vĩnh Hảo và Vĩnh Tân; thường xuyên nắm thông tin phản ánh của người dân liên quan đến hoạt động của các dự án tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân để kịp thời xử lý./.

>>> Đã xác định nguyên nhân hải sản chết bất thường tại khu vực biển Tuy Phong, Bình Thuận

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục