Giám sát virus SARS-CoV-2 trên động vật hoang dã

12:22' - 15/03/2024
BNEWS Việc giám sát virus SARS-CoV-2 trên động vật hoang dã tại một số khu vực có sự tương tác giữa con người, động vật và môi trường được thực hiện tại các tỉnh Đồng Nai, Nghệ An và Ninh Bình.  
Ngày 15/3, tại Hà Nội, Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổ chức Wildlife Conservation Society, Văn phòng Việt Nam (WCS Việt Nam) và Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật phối hợp tổ chức Hội thảo tổng kết chương trình “Giám sát virus SARS-CoV-2 trên động vật hoang dã tại một số khu vực có sự tương tác giữa con người, động vật và môi trường theo phương pháp tiếp cận Một sức khỏe tại Việt Nam” .

Việc giám sát virus SARS-CoV-2 trên động vật hoang dã tại một số khu vực có sự tương tác giữa con người, động vật và môi trường được thực hiện từ tháng 7/2022 đến tháng 3/2024, với sự tài trợ từ Cơ quan Đối tác An ninh Y tế (HSP) và hỗ trợ của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC Hoa Kỳ) thuộc Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ (HHS). Cùng với đó là hoạt động tập huấn và phối hợp triển khai một số hoạt động xây dựng chính sách và giám sát dịch bệnh để giám sát virus SARS-CoV-2 trên động vật hoang dã và nâng cao năng lực cho các phòng thí nghiệm cấp Trung ương và tại các tỉnh Đồng Nai, Nghệ An và Ninh Bình. 

Thực hiện giám sát, các đơn vị đã lựa chọn một số địa điểm có nguy cơ cao để thực hiện giám sát virus SARS-CoV-2 và virus Corona bao gồm khu vực có dơi tự nhiên, các cơ sở nuôi và cứu hộ động vật hoang dã. Chương trình giám sát đã thu thập được 2.856 mẫu từ 964 cá thể động vật bao gồm dơi, cầy, hươu, nai, chó nhà, tê tê, lợn rừng, dúi, nhím và một số loài động vật ăn thịt được cứu hộ khác. Tổng cộng có 1.416 mẫu đã được sàng lọc với virus SARS-CoV-2 và virus Corona.

Các kết quả xét nghiệm cuối cùng cho thấy sự có mặt của kháng thể kháng virus SARS-CoV-2 trên hai cá thể chó nhà nuôi trong cơ sở nuôi cầy và hươu, nai ở Nghệ An và một chủng Betacoronavirus trên một cá thể dơi thuộc loài dơi chó Ấn Độ tại Vườn quốc gia Pù Mát, tỉnh Nghệ An.

Tại thực địa, các cán bộ đã được hướng dẫn sử dụng các phương tiện phòng hộ cá nhân, thực hiện thu thập và vận chuyển mẫu về các phòng thí nghiệm. Ngoài ra, WCS Việt Nam hỗ trợ Cục Thú y xây dựng và ban hành một hướng dẫn về giám sát virus SARS-CoV-2 trên động vật hoang dã tại Việt Nam để cung cấp cho các cơ quan chức năng tại địa phương, tổ chức và cá nhân liên quan. Từ đó, các cơ quan này có thể thực hiện giám sát virus SARS-CoV-2 nhằm phòng tránh, phát hiện sớm và xử lý nhằm chủ động giảm thiểu nguy cơ lây truyền virus SARS-CoV-2 cho động vật hoang dã (bao gồm cả động vật hoang dã ngoài tự nhiên và trong các cơ sở gây nuôi). 

Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y cho biết: Việt Nam chia sẻ mối quan tâm chung của toàn thế giới về việc xây dựng hệ thống giám sát quốc gia đối với các bệnh trên động vật hoang dã. Bên cạnh đó, Cục cũng nhận thấy rõ sự thiếu hụt các hoạt động giám sát virus SARS-CoV-2 và các virus corona khác trên động vật hoang dã tại các khu vực có sự tương tác giữa con người, động vật và môi trường và tại các mắt xích của chuỗi cung ứng có nguy cơ cao lây lan dịch bệnh tại Việt Nam.

Bà Hoàng Bích Thủy, Trưởng Đại diện WCS Việt Nam chia sẻ, mục tiêu chính của chương trình là nâng cao năng lực giám sát virus SARS-CoV-2 tại các khu vực có sự tương tác giữa con người, động vật và môi trường tại Việt Nam. Chương trình giám sát đã nhận được sự hợp tác, phối hợp của nhiều cơ đơn vị thuộc lĩnh vực thú y, các cơ quan kiểm lâm và các tổ chức bảo tồn động vậy hoang dã. Với phương pháp tiếp cận Một sức khỏe tập trung vào hợp tác và phối hợp về thời gian và các nguồn lực khác giữa các cơ quan thuộc các ngành y tế, thú y, kiểm lâm và môi trường ở cấp tỉnh, tuy còn một số hạn chế, nhưng vẫn đóng vai trò rất quan trọng để tối ưu hóa hiệu quả trong giám sát trong từng lĩnh vực và xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa các hệ thống giám sát của mỗi ngành.

Tại hội thảo, các đại biểu đã đưa ra một số thách thức còn tồn tại trong việc thực hiện giám sát virus SARS-CoV-2 trên động vật hoang dã tại Việt Nam, cũng như thảo luận để đưa các nguồn lực cần thiết và tiềm năng giải quyết các thách thức để từng bước thực hiện giám sát và phòng chống đại dịch trong tương lai. Các đại biểu cũng đề xuất xem xét xây dựng một hệ thống giám sát virus SARS-CoV-2 một cách bền vững, cũng như áp dụng thành công của các dự án đã thực hiện vào các dự án trong tương lai nhằm củng cố, nhân rộng và đưa nội dung giám sát virus SARS-CoV-2 vào các biện pháp về phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro từ các bệnh truyền nhiễm mới nổi.

Không chỉ giám sát virus SARS-CoV-2, để giám sát mầm bệnh trên động vật hoang dã, ông Ngô Văn Bắc, Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương (Cục Thú y) góp ý, khi động vật hoang dã chết đột ngột số lượng lớn cần phải lấy mẫu để kiểm tra nguyên nhân xem liệu có xuất hiện mầm bệnh mới. Việc giám sát mầm bệnh trên động vật hoang dã cũng nên thực hiện định kỳ, giám sát chủ động, bởi nếu động vật chết mà có mang mầm bệnh mới sẽ rất khó kiểm soát nguy cơ lây lan. Do đó, các bên cần nghiên cứu xây dựng cơ chế hoạt động, nguồn kinh phí xét nghiệm để có thể thực hiện được việc này.

Theo ông Ngô Xuân Bắc, hiện phòng chống dịch bệnh vẫn chủ yếu trên động vật nuôi, trong khi động vật hoang dã chưa có nhiều. Bên cạnh đó, phòng chống dịch bệnh không chỉ là trách nhiệm của ngành thú y hay y tế mà cần sự chung tay của toàn xã hội, điển hình dịch COVID vừa qua.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục