Giảm thiểu rủi ro, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động

20:52' - 31/05/2022
BNEWS Nhận thức rõ ý nghĩa về kinh tế, xã hội trong việc đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã công bố lấy tháng 5 hàng năm là “Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động”.

Từ hiệu quả và sức lan tỏa của Tháng Công nhân, nhận thức rõ ý nghĩa về kinh tế, xã hội trong việc đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã công bố lấy tháng 5 hàng năm là “Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động”.

 

Đây là tháng cao điểm tổ chức các hoạt động đảm bảo an toàn vệ sinh lao động; nâng cao nhận thức và sự tuân thủ luật pháp về an toàn vệ sinh lao động; đẩy mạnh thực hiện các biện pháp cải thiện điều kiện làm việc, giảm ô nhiễm môi trường lao động, hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe người lao động.

Với quyết tâm kiểm soát tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; bảo vệ nguồn nhân lực là tài sản giá trị nhất của mỗi doanh nghiệp, mỗi quốc gia, hướng tới một nền sản xuất an toàn, có năng suất cao, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, Chính phủ phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động với chủ đề "Tăng cường các biện pháp giảm thiểu rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc, thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19".

Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Thị Vân Hà nhấn mạnh công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động có vai trò quan trọng trong việc hạn chế, giảm thiểu rủi ro trong lao động, sản xuất, qua đó đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được liên tục, ổn định và an toàn. Một trong những yếu tố thành công của công tác đảm bảo an toàn, vê sinh lao động tại cơ sở là xây dựng mạng lưới an toàn vệ sinh viên đủ về số lượng, được trang bị đầy đủ về kiến thức và tập huấn, cập nhật kiến thức thường xuyên và duy trì hoạt động hiệu quả.

Trong Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2022, tỉnh Điện Biên thúc đẩy các chương trình hành động, biện pháp cải thiện điều kiện làm việc an toàn, vệ sinh trong các doanh nghiệp, đảm bảo an toàn, duy trì và phát triển sản xuất; thích ứng an toàn, linh hoạt trong phòng, chống dịch COVID-19.

Đồng thời, Điện Biên đẩy mạnh các hoạt động phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, người sử dụng lao động và người lao động đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động. Trên cơ sở đó, tỉnh đẩy mạnh các hoạt động cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc, hạn chế tối đa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Vừ A Bằng. Ảnh: Xuân Tư - TTXVN

Còn tại tỉnh Điện Biên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Vừ A Bằng đề nghị các cấp, ngành, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đánh giá nguy cơ rủi ro, cải thiện điều kiện làm việc an toàn, vệ sinh trong các doanh nghiệp, cơ sở; chủ động phòng ngừa, huấn luyện kỹ năng làm việc an toàn cho người lao động; tăng cường bố trí, huy động nguồn lực và tích cực triển khai công tác an toàn, vệ sinh lao động, trong đó tập trung vào khu vực không có quan hệ lao động.

Bên cạnh đó, các đơn vị, doanh nghiệp cần tiếp tục rà soát, bổ sung kế hoạch bảo hộ lao động, an toàn vệ sinh lao động phòng, chống cháy nổ và các quy trình, biện pháp làm việc an toàn; tăng cường xây dựng văn hóa an toàn, vệ sinh lao động và các biện pháp ngăn ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nơi làm việc.

Để thực hiện tốt công tác an toàn, vệ sinh lao động, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các đơn vị quản lý chuyên ngành và các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra; phối hợp giữa các sở, ban, ngành trong các hoạt động kiểm tra, giám sát an toàn vệ sinh lao động đối với các ngành nghề có nhiều nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như: xây dựng, khai khoáng, cơ khí, làm việc trong không gian hạn chế…

Nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại xã hội trong lĩnh vực an toàn vệ sinh lao động, bà Ingrid Christensen - Giám đốc Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) Việt Nam cho rằng, đối thoại xã hội đề cập đến tất cả loại hình thương thuyết, tham vấn và trao đổi thông tin giữa đại diện người lao động, giới chủ và Chính phủ cũng như các chủ thể liên quan về các vấn đề quan ngại chung. Theo Giám đốc Văn phòng ILO Việt Nam, đối thoại xã hội từ lâu đã là một công cụ rất đắc lực và được ghi nhận rõ ràng trong lĩnh vực an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc.

Theo Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân và người lao động luôn là chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta. Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định một trong các quyền cơ bản của người lao động là "được làm việc đảm bảo an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc".

Bộ trưởng cho rằng những thách thức và nguy cơ trong công tác an toàn vệ sinh lao động vẫn đang gia tăng một cách hiện hữu. Trong khi đó một bộ phận người sử dụng lao động vẫn chưa nhận thức và quan tâm, đầu tư đúng mức; không ít người lao động chưa được đào tạo nghề, huấn luyện an toàn vệ sinh lao động, kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn và tác phong công nghiệp còn hạn chế.

"Chúng ta lo tập trung phát triển kinh tế nhưng không được quên việc bảo đảm cho mọi người được làm việc trong những điều kiện an toàn, vệ sinh lao động, được chăm lo về đời sống vật chất, tinh thần. Đây cũng chính một là chuẩn mực chung trong phát triển bền vững và hội nhập quốc tế", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.

Theo Ban Chỉ đạo Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động Trung ương, năm 2021 ghi nhận phong trào thi đua đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động phát triển mạnh, có 16.998 Công đoàn cơ sở tổ chức các phong trào thi đua về an toàn, vệ sinh lao động, tăng 112% so với năm 2020 (8.002 cơ sở), với 1.417.564 người tham gia. Đặc biệt, các hoạt động thông tin, tuyên truyền an toàn, vệ sinh lao động được đẩy mạnh, lan tỏa, đa dạng các hình thức tiếp cận từ các hình thức truyền thống đến hiện đại, từ tĩnh sang động chuyển tải thông tin tới người lao động, với số lượt người được huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động khoảng 2 triệu người.

Các hoạt động thanh tra, kiểm tra an toàn, vệ sinh lao động được tăng cường; tổ chức tư vấn cải thiện điều kiện an toàn, vệ sinh lao động cho doanh nghiệp, các hộ gia đình được đẩy mạnh, đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của người lao động./.

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục