Gian lận thương mại còn diễn biến phức tạp

19:34' - 15/01/2016
BNEWS Thời gian qua, tình trạng hàng giả, hàng nhái, nhất là gian lận thương mại trong lĩnh vực xăng dầu và hàng không rõ nguồn gốc vẫn còn diễn biến phức tạp.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: An Đăng/TTXVN.

Tại Hội nghị trực tuyến tại 3 điểm cầu Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh để tổng kết công tác năm 2015 và triển khai nhiệm vụ năm 2016 do Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) tổ chức chiều 15/1, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao công tác đấu tranh chống buôn lậu đã có chuyển biến, nhiều đường dây, ổ nhóm buôn lậu lớn đã bị các lực lượng chức năng bóc dỡ, qua đó góp phần bình ổn thị trường trong nước.

Tuy nhiên, tình trạng hàng giả, hàng nhái, nhất là gian lận thương mại trong lĩnh vực xăng dầu và hàng không rõ nguồn gốc vẫn còn diễn biến phức tạp. Đáng chú ý tại nhiều chợ trung tâm, cửa hàng bán lẻ, chợ cóc... vẫn còn tình trạng bày bán hàng giả, hàng lậu.

Cũng theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, bên cạnh ý thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, ham hàng rẻ, xính hàng ngoại... thì trách nhiệm của người đứng đầu một số địa phương nhất là lãnh đạo Chi cục Quản lý thị trường còn chưa quyết liệt.

Gian lận thương mại còn diễn biến phức tạp. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN.

Để tạo chuyển biến trong công tác chống buôn lậu trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng lực lượng Quản lý thị trường phải mạnh và trong sạch, nếu nhúng chàm, bao che buôn lậu thì không bao giờ làm được, đồng thời phát động quần chúng tham gia chống buôn lậu.

Ngoài ra, cần bám sát nhiệm vụ, thực hiện tốt công tác cán bộ cũng như đề cao việc kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm tạo chuyển biến căn bản trong công tác chống buôn lậu, hàng giả. Không những thế, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền và ký cam kết với các hộ kinh doanh cũng là một giải pháp quan trọng để phát động toàn dân tham chống buôn lậu và gian lận thương mại.

Tuy nhiên, cần phải có sự kiểm tra, giám sát của các lực lượng chức năng, không để tình trạng vi phạm liên tục tái diễn.

Báo cáo tại Hội nghị, ông Trịnh Văn Ngọc – Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết, năm 2015, lực lượng QLTT đã tập trung kiểm tra chủ yếu vào các mặt hàng có giá cả chênh lệch lớn giữa trong nước và nước ngoài, mức thuế nhập khẩu cao hoặc bị áp dụng hạn ngạch như: rượu, thuốc lá, mỹ phẩm, thuốc tân dược, điện tử, đồ gia dụng, hàng tiêu dùng.

Đặc biệt phương thức thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu ngày càng tinh vi, tổ chức hoạt động chặt chẽ và manh động, các đối tượng sẵn sàng chống đối quyết liệt lực lượng chức năng khi bị bắt giữ.

Về tình hình gian lận thương mại, vận chuyển, buôn bán hàng hóa không đảm bảo an toàn thực phẩm, năm 2015 nổi lên là việc kinh doanh hàng đóng gói sẵn không đủ định lượng trên bao bì, ghi nhãn hàng hóa sai hoặc không đúng nội dụng bắt buộc theo quy định của pháp luật, bơm tạp chất vào tôm nguyên liệu, gắn chíp điều khiển từ xa để gian lận trong bán lẻ xăng dầu.

Bên cạnh đó, tình trạng hàng hóa hết hạn sử dụng, cận hạn sử dụng được các đối tượng sửa, tẩy xóa trong kinh doanh thuốc tân dược diễn ra phức tạp.

Ông Ngọc cho biết: “ Trong năm 2015, cả nước kiểm tra 174.248 vụ, tăng 3,2% so với năm 2014; phát hiện, xử lý 103.746 vụ vi phạm, tăng 11,2% với tổng số thu nộp ngân sách nhà nước 459,8 tỷ đồng, tăng 63,5 tỷ đồng; ước trị giá hàng tiêu hủy 114,7 tỷ đồng, tăng 42,8 tỷ đồng ....

Đặc biệt, đối với công tác chống buôn lậu thuốc lá, cơ quan chức năng đã nghiêm túc triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Kết quả công tác chống buôn lậu thuốc lá đã làm giảm 30% lượng thuốc lá nhập lậu; trong đó lực lượng QLTT đã góp phần bắt giữ trên 1,9 triệu bao".

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng kiến nghị Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ năm 2016 chỉ đạo ban soạn thảo Bộ Chỉ thị báo cáo Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét thông qua pháp lệnh QLTT ở phiên họp 46 Uỷ ban thường vụ Quốc hội vào tháng 3 tới.

Đây là công cụ pháp lý hết sức quan trọng để QLTT triển khai các nhiệm vụ tiếp theo về chế độ chính sách, đãi ngộ. Trong khi triển khai phổ biến pháp lệnh, việc tạo điều kiện thuận lợi hơn cho lực lượng QLTT trong thực thi công vụ, kinh phí, chế độ chính sách, trang thiết bị, cơ sở vật chất là điều cần thiết ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục