Giao dịch vẫn thông suốt, dòng vốn chính sách tiếp tục lan tỏa

11:16' - 21/07/2025
BNEWS Sau hợp nhất, thành phố Cần Thơ còn 103 xã, phường nhưng mạng lưới giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội vẫn duy trì 263 điểm giao dịch cấp xã, phường và 7.396 tổ tiết kiệm và vay vốn.
Khi thực hiện chính quyền hai cấp, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Cần Thơ mới (hợp nhất giữa Chi nhánh thành phố Cần Thơ với hai Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng và Hậu Giang), đã phối hợp với chính quyền địa phương, các hội đoàn thể, tổ tiết kiệm và vay vốn đảm bảo dòng vốn tín dụng chính sách của Đảng, Nhà nước đến hộ nghèo và đối tượng chính sách khác thông suốt, không bị gián đoạn.

 
Sau hợp nhất, thành phố Cần Thơ còn 103 xã, phường nhưng mạng lưới giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội vẫn duy trì 263 điểm giao dịch cấp xã, phường và 7.396 tổ tiết kiệm và vay vốn như khi còn đơn vị hành chính cấp xã cũ để không ảnh hưởng đến việc tiếp cận vốn của người dân.

Ông Nguyễn Văn Vũ - Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội Châu Thành A cho biết: sau hợp nhất chính quyền địa phương, Phòng giao dịch vẫn tiếp tục duy trì 9 điểm giao dịch tại các trụ sở UBND của 3 xã (Thạnh Xuân, Tân Hòa và Trường Long Tây). Lịch giao dịch tại các điểm giao dịch ở xã, phường vẫn thực hiện vào ngày cố định hàng tháng như trước khi hợp nhất. Đồng thời, đơn vị duy trì hoạt động 272 tổ tiết kiệm và vay vốn, đảm bảo hỗ trợ nhân dân thuận lợi trong việc di chuyển, không phải đi lại xa.

Mặc dù trụ sở, cơ quan hành chính ở các xã sau sáp nhập được bố trí cho công việc, nhiệm vụ khác như Ban chỉ huy quân sự cấp xã, Công an xã,… nhưng lãnh đạo các xã vẫn tạo điều kiện bố trí phòng, bàn ghế, hội trường để Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội Châu Thành A làm điểm giao dịch cố định mỗi tháng/lần, thực hiện hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn “sát dân, gần dân”.

Xã Tân Hòa sau hợp nhất từ thị trấn Một Ngàn, thị trấn Bảy Ngàn, xã Tân Hòa và Nhơn Nghĩa A có trụ sở đặt tại UBND huyện Châu Thành A (cũ). Riêng trụ sở UBND thị trấn Một Ngàn (cũ) được bố trí cho Ban Chỉ huy quân sự xã Tân Hòa; trong đó, hội trường được làm Điểm giao dịch Tân Hòa cho Ngân hàng Chính sách xã hội Châu Thành A hoạt động giải ngân chương trình tín dụng chính sách hàng tháng.

Bà Nguyễn Thị Phương đến xã Tân Hòa để trả nợ vay 5 năm trước và tiếp tục làm hồ sơ vay lại với số vốn 50 triệu đồng về chăm sóc vườn sầu riêng. Theo bà Phương, điểm giao dịch vẫn duy trì chỗ cũ như 5 năm qua tạo thuận lợi cho bà và nhiều người dân không mất thời gian tìm kiếm, đi lại; mọi thủ tục vay vốn cũng không có gì thay đổi, việc tiếp cận nguồn vốn vay dễ dàng.

Sau khi thực hiện sắp xếp địa giới hành chính, chính quyền địa phương 2 cấp, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Cần Thơ giữ nguyên 26 đơn vị cấp phòng giao dịch tại các quận, huyện cũ và thành lập mới 2 phòng giao dịch tại 2 tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng (cũ); duy trì hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn như trước khi sắp xếp lại đơn vị hành chính; đồng thời, xây dựng các giải pháp đảm bảo hoạt động giao dịch không bị gián đoạn, xáo trộn, mọi hoạt động vẫn trơn tru, thuận lợi, nhằm phục vụ nhân dân một cách tốt nhất.

Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố cũng đã ký kết liên tịch với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tiếp tục phối hợp tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 30/10/2024 của Ban Bí thư “Về nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới”; triển khai thực hiện Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội đến năm 2030.

Theo ông Lăng Chánh Huệ Thảo, Quyền Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Cần Thơ, để đảm bảo tạo thuận lợi tối đa cho người dân khi đến giao dịch và đảm bảo an toàn, an ninh khi tổ chức các phiên giao dịch, Chi nhánh chủ động và tích cực tham mưu cấp uỷ, chính quyền cấp xã mới sau sáp nhập ưu tiên bố trí nơi giao dịch tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn cũ (trước khi sáp nhập) hoặc tại nhà văn hóa.

Với việc duy trì mạng lưới giao dịch như trước khi hợp nhất đã giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn thành phố không phải đi xa, tạo sự ổn định và yên tâm trong tiếp cận vốn vay. Đến nay, tổng dư nợ các chương trình cho vay của chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Cần Thơ là trên 15.635 tỷ đồng, với hơn 355.371 hộ vay, dư nợ bình quân mỗi xã sau khi sáp nhập là 155 tỷ đồng/xã.

Nhằm đảm bảo hoạt động chính sách luôn thông suốt, ổn định và hiệu quả, thời gian tới, ông Lăng Chánh Huệ Thảo thông tin, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Cần Thơ sẽ tổ chức tập huấn cho Chủ tịch UBND xã và cán bộ tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác về hoạt động tín dụng chính sách xã hội, đảm bảo đội ngũ tại địa phương nắm vững nghiệp vụ, quy trình tín dụng chính sách.

Đặc biệt, Chi nhánh cũng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc nhanh chóng ổn định bộ máy và tham mưu tốt cho cấp uỷ, chính quyền xã, phối hợp tốt với các tổ chức chính trị - xã hội nhận uỷ thác triển khai kịp thời các nguồn vốn cho vay, nâng cao chất lượng, hiệu quả của tín dụng chính sách và tạo mọi điều kiện hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận vốn ưu đãi. Từ đó, thực hiện có hiệu quả chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố; góp phần thực hiện định hướng phát triển thành phố Cần Thơ thành trung tâm động lực, cực tăng trưởng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục