Gieo hạt giống thay đổi

08:08' - 10/10/2023
BNEWS Giới chuyên gia cảnh báo khoảng 15% các nước thu nhập thấp đã rơi vào tình trạng nợ nần và "thêm 45% các nền kinh tế ở gần ngưỡng đó".

Hội nghị thường niên mùa Thu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2023 thu hút sự quan tâm đặc biệt trong bối cảnh thế giới đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng đan xen, từ biến đổi khí hậu, đại dịch cho tới xung đột bạo lực.          

Hội nghị năm nay của IMF và WB diễn ra từ ngày 9-15/10 tại thành phố Marrakech của Maroc. Đây là hội nghị mang tính biểu tượng cao, không phải vì lần đầu tiên diễn ra ở châu Phi sau nửa thế kỷ, mà còn vì sự kiện tài chính tầm cỡ thế giới này được tổ chức tại nơi vừa hứng chịu trận động đất kinh hoàng khiến trên 2.900 người thiệt mạng, qua đó nêu bật tầm quan trọng của việc xây dựng các mối quan hệ đối tác mạnh mẽ và gắn kết để cùng nhau ứng phó với các cuộc khủng hoảng toàn cầu.   

 

Theo thông cáo của ban tổ chức, hội nghị có sự tham dự của bộ trưởng tài chính, thống đốc Ngân hàng trung ương nhiều nước, các giám đốc điều hành doanh nghiệp khối tư nhân, đại diện từ các cộng đồng kinh doanh và giới chuyên gia, học giả hàng đầu thế giới để thảo luận về một loạt vấn đề như triển vọng kinh tế thế giới, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, ứng phó với tình trạng khẩn cấp về khí hậu và cải cách hệ thống tài chính toàn cầu…

Các quan chức dự kiến thảo luận tình hình kinh tế thế giới, xu hướng tài chính lớn, cuộc khủng hoảng nợ, cải cách hệ thống tài chính quốc tế. Giới quan sát chờ đợi hội nghị năm nay khi hai định chế tài chính hàng đầu WB và IMF đang nỗ lực làm mới mình, mở rộng quy mô và tái cơ cấu để hoàn thành mục tiêu khí hậu toàn cầu đầy tham vọng, đồng thời tiếp tục hỗ trợ các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển. 

Phát biểu tại Abidjan (Côte d'Ivoire) trước thềm hội nghị, Giám đốc Điều hành IMF Kristalina Georgieva nhận định cho dù thế giới có vẻ chưa vượt qua “bóng ma” đại dịch COVID-19, nhưng thực trạng kinh tế đang tốt hơn nhiều so với đánh giá của giới phân tích.

Bà nhấn mạnh: “Kinh tế thế giới đã cho thấy sức chịu đựng đáng kính nể. Thực tế này làm gia tăng cơ hội về một cuộc 'hạ cánh mềm' và triển vọng hạ nhiệt lạm phát thông qua chính sách tăng lãi suất cơ bản, song vẫn đảm bảo không đẩy thế giới rơi vào suy thoái”.

Bà cũng kêu gọi các nước thành viên tăng hạn ngạch cho vay, trong bối cảnh IMF đang tìm cách “lấp đầy” các cơ sở cho vay ưu đãi phổ biến dành cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình vốn "kiệt sức" vì đại dịch và một loạt thách thức khác.

Theo Giám đốc Georgieva, IMF đang tính tới những thay đổi trong cơ cấu quản lý để nâng cao tiếng nói của các nền kinh tế đang phát triển, bày tỏ ủng hộ chủ trương mở rộng Ban giám đốc gồm 24 thành viên của IMF thêm một ghế dành cho các nước châu Phi.     

Giới chuyên gia cảnh báo khoảng 15% các nước thu nhập thấp đã rơi vào tình trạng nợ nần và "thêm 45% các nền kinh tế ở gần ngưỡng đó". Oxfam International công bố báo cáo cho biết một số nền kinh tế mới nổi phải đối mặt với việc cắt giảm ngân sách lên tới 220 tỷ USD trong 5 năm tới do cuộc khủng hoảng nợ đẩy hàng chục quốc gia đến bờ vực vỡ nợ.

Một số lượng kỷ lục các quốc gia đang phát triển lâm vào cảnh nợ nần bắt nguồn từ cuộc đua tăng lãi suất, lạm phát tăng vọt và một loạt cú sốc kinh tế sau đại dịch COVID-19. Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch ghi nhận từ năm 2020 đến tháng 3 năm nay đã xảy ra 14 vụ vỡ nợ tại 9 quốc gia.

Bà Rebeca Grynspan, người đứng đầu Cơ quan Thương mại và Phát triển của Liên hợp quốc (UNCTAD), đánh giá nỗ lực hiện nay nhằm giúp các nước thu nhập thấp giảm gánh nặng nợ do Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), WB và IMF triển khai là không đủ. Theo bà, “điều cộng đồng quốc tế cần là có sự thay đổi, là một cơ chế tốt hơn để giải quyết nhanh hơn vấn đề nợ”. 

Đảm bảo nguồn tài chính cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu cũng là một chủ đề nóng tại Hội nghị thường niên mùa Thu của IMF và WB năm nay. Đây là hội nghị đầu tiên của tân Chủ tịch WB Ajay Banga, cựu Giám đốc Điều hành của Mastercard, người được bầu nhờ cam kết thúc đẩy khu vực tư nhân đóng góp tài chính cho hoạt động chuyển đổi sang năng lượng xanh và bền vững. Ông Banga cho biết nhiệm vụ kép hiện nay của WB nên được thay đổi sang giảm đói nghèo và thúc đẩy thịnh vượng chung trong môi trường biến đổi khí hậu.

WB ước tính các quốc gia đang phát triển sẽ cần khoảng 2.400 tỷ USD mỗi năm trong vòng 7 năm tới để bù đắp cho những tổn thất vì biến đổi khí hậu, xung đột và đại dịch.

Hội nghị thường niên mùa Thu của IMF-WB năm nay được chờ đợi trở thành cơ hội để các nhà hoạch định chính sách tài chính trao đổi, tăng cường hợp tác, đồng thời cũng là dịp để hai định chế tài chính hàng đầu này chứng tỏ vị thế và cam kết của mình đối với dòng chảy phát triển chung của thế giới.

Nhiều chuyên gia tỏ ý thận trọng về kết quả hội nghị. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, sự kiện vẫn được kỳ vọng sẽ gieo các hạt giống thay đổi để cộng đồng quốc tế có thể gặt hái lợi ích trong tương lai gần./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục