Giờ Trái Đất 2017 kêu gọi hành động tích cực từ mỗi cư dân trên hành tinh

20:23' - 25/03/2017
BNEWS Tối 25/3, bắt đầu từ thành phố Sydney, Australia, sự kiện Giờ Trái Đất 2017 đã chính thức được khởi động với mục tiêu tăng cường nhận thức và kêu gọi hành động để bảo vệ Trái Đất.
 Giờ Trái Đất 2017 kêu gọi hành động tích cực từ mỗi cư dân trên hành tinh. Ảnh: EPA

Tối 25/3, bắt đầu từ thành phố Sydney, Australia, sự kiện Giờ Trái Đất 2017 đã chính thức được khởi động với mục tiêu tăng cường nhận thức và kêu gọi hành động để bảo vệ Trái Đất trước những tác hại của biến đổi khí hậu.

Tại Sydney, Nhà hát Opera và Cầu Cảng, hai công trình biểu tượng của Australia, đã đồng loạt tắt đèn để hưởng ứng Giờ Trái Đất. Từ Australia, chiến dịch Giờ Trái Đất sẽ di chuyển tới châu Á. Tại Hong Kong (Trung Quốc), khu vực Cảng Victoria quy tụ các tòa nhà cao nhất Hong Kong, sẽ đồng loạt tắt đèn trong khi tại Myanmar, ngôi chùa thiêng Shwedagon sẽ thắp lên 10.000 ngọn đèn dầu.

Chiến dịch này cũng nhận được sự hưởng ứng tại châu Phi, châu Âu và châu Mỹ. Các di tích và các công trình nổi tiếng như tháp Eiffel (Pháp), Điện Kremlin (Nga), Tháp Big Ben (Anh), Tháp nghiêng Pisa (Italy), tòa nhà Empire State (Mỹ) cùng các kim tự tháp của Ai Cập sẽ chìm vào bóng tối trong vòng 60 phút bắt đầu từ 20h30 giờ địa phương.

Nhiều nước cũng tổ chức nhiều sự kiện hưởng ứng Giờ Trái Đất. Tại thủ đô Lisbon của Bồ Đào Nha sẽ diễn ra một buổi hòa nhạc dưới ánh nến, Singapore tổ chức một buổi chạy bộ trong khi Tanzania tổ chức lễ trồng cây.

Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) - đơn vị tổ chức Giờ Trái Đất - cho biết năm nay, quỹ này sẽ điều chỉnh chương trình Giờ Trái Đất tại từng quốc gia để tập trung vào những vấn đề liên quan tới biến đổi khí hậu nổi cộm của từng nước. Chương trình Giờ Trái Đất tại Nam Phi sẽ hướng vào vấn đề năng lượng tái tạo trong khi tại Trung Quốc, WWF sẽ hợp tác với doanh nghiệp để khuyến khích lối sống bền vững.

Giám đốc điều hành toàn cầu Giờ Trái Đất Siddharth Das bày tỏ vui mừng trước sự phát triển của chiến dịch trong suốt 11 năm qua. Theo ông Das, biến đổi khí hậu là bằng chứng rõ rệt cho thấy hành động của con người có sức ảnh hưởng xuyên biên giới và mỗi cư dân Trái Đất có nhiệm vụ đảm bảo rằng hành động của mình có thể tạo ra tác động tích cực đối với cuộc sống của bản thân và những người xung quanh, cả hiện tại và trong tương lai.

Là một sự kiện quốc tế do WWF phát động, Giờ Trái đất khuyến khích mọi cá nhân và tổ chức tắt đèn điện trong một giờ từ 8h30 đến 9h30 (giờ địa phương) trong ngày thứ bảy cuối cùng của tháng 3 hàng năm. Mục đích của sự kiện này là kêu gọi mọi người dân tập trung tìm ra những giải pháp để bảo vệ hành tinh và xây dựng một tương lai tươi sáng và bền vững.

Bắt đầu từ Sydney năm 2007, chiến dịch Giờ Trái Đất tới nay đã phát triển đến hơn 178 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 7.000 thành phố, kết nối hàng triệu người trên thế giới vì mục tiêu hành động chống biến đổi khí hậu.

Ban tổ chức Giờ Trái Đất không thu thập số liệu thống kê toàn cầu về số năng lượng tiết kiệm được trong 60 phút tắt đèn trên khắp thế giới. Sự kiện này mang ý nghĩa tượng trưng như một khoảnh khắc của sự đoàn kết toàn cầu cho một vấn đề toàn cầu./.

Xem thêm:

>> Chiến dịch Giờ Trái đất: Tạo sức lan tỏa trong cộng đồng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục