Giới đầu tư nước ngoài tin tưởng vào kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn

17:42' - 15/09/2021
BNEWS Đợt dịch COVID-19 bùng phát vào tháng 4/2021 kéo dài và việc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội cho tới nay khiến hoạt động sản xuất công nghiệp bị gián đoạn.

Theo tin mới nhận từ Ngân hàng Thế giới (WB), tại Việt Nam, đợt dịch COVID-19 bùng phát vào tháng 4/2021 đã kéo dài và việc phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội cho tới nay và hạn chế đi lại nghiêm ngặt nhằm kiềm chế dịch bệnh lây lan đã khiến hoạt động sản xuất công nghiệp bị gián đoạn.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ bị tác động tiêu cực, giảm trên 30% so cùng kỳ năm 2020.

Cán cân thương mại hàng hóa cũng bị ảnh hưởng do xuất khẩu giảm. Tuy nhiên, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký lại tăng lên cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục tin tưởng vào viễn cảnh kinh tế của Việt Nam trong trung và dài hạn.

Trong 8 tháng năm 2021, tổng vốn FDI đăng ký đạt 14 tỷ USD, chỉ thấp hơn 2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong khi đó, vốn FDI thực hiện đạt 11,7 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2020.

Thực tế, Việt Nam đã thu hút được 2,4 tỷ USD vốn FDI đăng ký trong tháng 8/2021, tăng 65% so với tháng 7.

Vốn FDI đăng ký cao hơn chủ yếu do vốn đăng ký cấp mới đổ vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tăng. 

Mặc dù vậy, giải ngân vốn FDI trong tháng 8 lại giảm 14,3% so với tháng 7 và giảm 12,2% so với cùng kỳ năm 2020 do giãn cách xã hội tại các trung tâm kinh tế lớn.

Giá cả ổn định do nhu cầu trong nước yếu đi cũng như giá năng lượng và kim loại thế giới chững lại. Tiền đồng Việt Nam tăng giá, cả theo tỷ giá hữu hiệu thực và theo tỷ giá danh nghĩa. 

Tăng trưởng tín dụng vẫn ổn định, mặc dù lãi suất liên ngân hàng qua đêm đã giảm tháng thứ ba liên tiếp đã cho thấy thanh khoản dồi dào trên thị trường trong nước.

Cân đối ngân sách tháng 8 cũng ghi nhận bội chi khi số thu giảm do ảnh hưởng của các biện pháp hạn chế đi lại, trong khi chi thường xuyên lại tăng mạnh để xử lý đợt bùng phát dịch COVID-19. Tuy nhiên, trong 8 tháng năm 2021, thu ngân sách vẫn tăng 13,9% và tổng chi giảm 5,9% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo khuyến nghị của đại diện WB, thời gian tới, quá trình phục hồi kinh tế năm 2021 của Việt Nam sẽ phụ thuộc vào khả năng Chính phủ có thể kiểm soát đợt dịch hiện nay một cách hiệu quả trong tháng 9 để nhanh chóng phục hồi các hoạt động kinh tế vào quý IV năm nay.

 Chiến dịch tiêm vaccine đang là ưu tiên cấp thiết với mục tiêu bao phủ ít nhất 70% dân số trưởng thành.

Để thúc đẩy nền kinh tế, Chính phủ Việt Nam cần sử dụng nhiều biện pháp để thúc đẩy cầu trong nước tăng mạnh; đồng thời, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và các gói hỗ trợ  người dân, doanh nghiệp cũng như các hộ kinh doanh quy mô nhỏ để đẩy mạnh các hoạt động kinh tế, tạo việc làm và kích cầu tiêu dùng tư nhân; thận trọng theo dõi và giám sát tình hình cân đối tài khóa vì chi ngân sách sẽ tăng lên, trong khi thu ngân sách sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng trong ngắn hạn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục