Giữ diện tích, tăng giá trị sản xuất cây vụ Đông

13:04' - 04/09/2022
BNEWS Vụ Đông 2022 ở các tỉnh phía Bắc sẽ phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, chất lượng, hiệu quả, nâng cao chuỗi giá trị và phát triển bền vững.

 

Cục Trồng trọt, Bộ  Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, vụ Đông 2022 ở các tỉnh phía Bắc sẽ phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, chất lượng, hiệu quả, nâng cao chuỗi giá trị và phát triển bền vững. 

Diện tích sản xuất duy trì ổn định khoảng 400 nghìn ha với sản lượng khoảng 5 triệu tấn. Ngành đang tập trung phát triển một số cây trồng có giá trị kinh tế cao, liên kết sản xuất theo chuỗi, có hợp đồng bao tiêu sản phẩm, đảm bảo đầu ra cho nông dân. Tổng giá trị sản xuất phấn đấu đạt khoảng từ 38 - 40 nghìn tỷ đồng, tăng từ 3 – 5 nghìn tỷ đồng so với vụ Đông 2021.

Nhóm cây ưa ấm như: ngô, khoai lang, đậu tương, lạc, rau ưa ấm chiếm tỷ lệ khoảng 50% tổng diện tích cây vụ Đông. Nhóm cây ưa lạnh như: khoai tây, rau đậu ưa lạnh khoảng 50%.

Các địa phương tập trung chỉ đạo đón thời cơ về thị trường tăng tối đa diện tích nếu có thể;  trong đó các tỉnh, thành có nhiều tiềm năng lợi thế như Hà Nội, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh...

 

Theo Cục Trồng trọt, triển khai vụ Đông 2022, từng tỉnh căn cứ vào diện tích thu hoạch lúa vụ Hè Thu, Mùa 2022, điều kiện nguồn nước, đất đai và thị trường, chủ động bố trí thời vụ, diện tích với cơ cấu cây trồng phù hợp nhằm đảm bảo đạt diện tích sản xuất vụ Đông tối đa nhưng phải đảm bảo chắc ăn và hiệu quả kinh tế.

Đồng thời, đa dạng hóa các nhóm cây khác trong vụ Đông, đặc biệt chú ý trồng rải vụ đối với cây rau nhằm giảm áp lực trong tiêu thụ. Cùng đó, mở rộng diện tích các đối tượng có thị trường tiêu thụ tốt, ổn định như: dưa chuột bao tử, ớt, bí xanh, bí ngô, khoai tây chế biến, cây dược liệu, các loại nấm ăn, nấm dược liệu...

Về thời vụ gieo trồng, Cục Trồng trọt khuyến cáo, với nhóm cây ưa ấm, thời vụ gieo trồng kết thúc trước 10/10. Với nhóm cây ưa lạnh gieo trồng sau 10/10, riêng với cây khoai tây tập trung trồng từ 25/10 đến 15/11. Trồng rải vụ đối với nhóm rau để đảm bảo nguồn cung, hạn chế tình trạng dư thừa, giá thấp hoặc thiếu rau đẩy giá lên cao.

Đối với cây ngô, ngành khuyến cáo, trà sớm gieo trước 20/9, trên các chân đất chuyên màu (bãi ven sông, cát ven biển, đồi, đất lúa chuyển sang làm màu), đất 2 lúa (vụ Hè Thu và mùa sớm); trà trung gieo trước 30/9, trên chân đất 2 lúa (mùa sớm và mùa trung); trà muộn gieo trước 5/10, trên đất 2 lúa tại các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc.

Đối với ngô nếp, ngô đường, ngô rau, thời gian sinh trưởng ngắn, sử dụng bắp tươi là chính nên thời vụ gieo trồng có thể muộn hơn đến 15 - 20/10 để tận dụng tối đa diện tích và thời vụ để gieo trồng. Các tỉnh Bắc Trung Bộ cần căn cứ vào tình hình ngập lụt để ra giống khi xu thế ngập lụt đã kết thúc.

Cây đậu tương cần kết thúc gieo trồng trước ngày 5/10; trong sản xuất đậu tương Đông trên đất 2 lúa, triệt để thực hiện phương châm "gặt đến đâu, trồng đậu tương đến đó; trồng càng sớm, năng suất càng cao". Hay cây khoai lang yêu cầu thời vụ nghiêm ngặt nên trồng càng sớm càng tốt, thời vụ trồng kết thúc trước 10/10.

Khoai tây thời vụ tập trung từ 15/10-20/11, tốt nhất 25/10-15/11, không nên trồng muộn vì thiếu ánh sáng, nhiệt độ quá thấp, âm u mưa phùn làm bệnh hại phát triển, tích lũy về củ  chậm, làm ảnh hưởng đến năng suất. Ưu tiên sử dụng các giống khoai tây có nguồn gốc rõ ràng, đạt tiêu chuẩn chất lượng củ giống theo qui định, giống sạch bệnh.

Căn cứ vào kế hoạch sản xuất vụ Đông  và điều kiện thực tiễn, các địa phương xây dựng và hướng dẫn các quy trình kỹ thuật gieo trồng cây vụ Đông cho nông dân. Đặc biệt, xây dựng kế hoạch trữ nước, tiêu thoát nước phù hợp, những nơi trồng các cây vụ Đông sớm như: ngô, đậu tương, dưa, bầu, bí, hành, tỏi cần chú ý bố trí thời vụ ngay từ vụ Mùa; có kế hoạch tiêu thoát nước kịp thời ngay từ đầu vụ và khi có mưa úng xảy ra.

Cục Trồng trọt cũng đề nghị các địa phương hỗ trợ xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, kết nối cung cầu, tìm kiếm thị trường, khuyến khích các doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Các địa phương hỗ trợ những vùng có diện tích cây vụ Đông lớn, tập trung và ổn định, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục