Ứng dụng kỹ thuật sạ lúa cụm giúp nông dân giảm chi phí

11:09' - 28/08/2022
BNEWS Việc ứnng dụng kỹ thuật sạ lúa cụm đang giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, lại có thể tăng lợi nhuận hơn trước đây là điều nông dân trồng lúa mong muốn nhất.

Sản xuất lúa vốn tốn nhiều chi phí, công đoạn và thời gian, nhưng lợi nhuận lại không cao. Đây là bài toán trăn trở bấy lâu nay của những người nông dân trồng lúa vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Chính vì vậy, khi có kỹ thuật canh tác lúa mới, vừa giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, lại có thể tăng lợi nhuận hơn trước đây là điều nông dân trồng lúa mong muốn nhất.

*Hiệu quả cao

Theo ông Ngô Văn Đây, nguyên Phó văn phòng Nam Bộ, Trung tâm khuyến nông quốc gia, khi xuống giống lúa, có nhiều cách sạ để giảm lượng giống, tăng sức phát triển cho cây lúa khi lúa trưởng thành, đơm bông.

Trước đây, sạ cấy là biện pháp tối ưu để tiết kiệm lượng lúa giống, sạ thưa nhưng cây lúa khỏe. Hiện nay, công nghệ sạ lúa đã phát triển hơn, nhiều kĩ thuật sạ khác giúp cho nông dân cải thiện đồng ruộng và lúa giống, cũng như sức khỏe cây lúa.

Một trong những kỹ thật sản xuất lúa, đặc biệt là kỹ thuật sạ lúa mang lại hiệu quả cao được nhiều nông dân lựa chọn hiện nay là sạ cùm bằng máy.

Theo ông Ngô Văn Đây, đánh giá về mặt chuyên môn, ruộng lúa sạ theo cụm như ruộng lúa cấy, nhưng về mặt hiệu quả kinh tế thì ruộng lúa sạ theo cụm vượt trội hơn hẳn ruộng lúa cấy, do bỏ qua được công đoạn gieo mạ khá phức tạp, giảm được chi phí gieo cấy quá cao.

Cũng giống như ruộng lúa cấy, bên cạnh các lợi ích khác, ruộng lúa sạ theo cụm phần nào phát huy được ưu thế của giải pháp canh tác lúa theo hiệu ứng hàng biên nên giúp ruộng lúa sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao.

Trong điều kiện bình thường, công suất máy sạ cụm hoạt động có thể, đạt từ 6 - 8 ha/ngày, gấp đôi năng suất làm việc của các dòng máy cấy hiện nay, giúp đẩy nhanh lịch thời vụ xuống giống tập trung để né rầy - một yêu cầu của sản xuất lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Hơn nữa, cách thức vận hành của máy sạ lúa theo cụm đơn giản, phù hợp với khả năng tiếp nhận của người nông dân. Nếu như máy cấy hoạt động cấy bằng cây mạ, thì máy sạ lúa theo cụm hoạt động sạ bằng hạt giống. Điều đó có nghĩa là máy sạ lúa theo cụm bỏ qua được công đoạn làm mạ khá phức tạp của máy cấy, mà thực hiện hoạt động sạ đơn giản, phù hợp với khả năng tiếp nhận của nông dân.

Trong sản xuất, yếu tố hiệu quả kinh tế luôn là yếu tố hàng đầu để nông dân duy trì sản xuất và sinh kế. Qua thực tế sản xuất cho thấy, máy sạ lúa theo cụm cũng như máy cấy, giúp người nông dân giảm được một lượng giống khá cao, từ 60 – 70% so với tập quán sạ dày hiện nay.

Nếu như lượng giống nông dân sử dụng hiện nay phổ biến là 120 – 150 kg/ha thì khi sử dụng máy sạ lúa theo cụm chỉ sử dụng 40 – 60 kg/ha. Từ chỗ giảm giống đã kéo theo giảm phân, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm ô nhiễm môi trường, tăng năng suất và chất lượng hạt lúa, tăng lợi nhuận cho nông dân... Đặc biệt là giảm được tình trạng lúa đổ ngã khi gặp gió, mưa lớn vào giai đoạn trổ - chín ở vụ Hè Thu và Thu Đông hàng năm.

Cây lúa được đánh giá khỏe hay không thông qua bộ rễ và bộ lá. Khi bộ rễ khỏe, lá dày, chắc, thì khả năng nuôi hạt sẽ cao hơn hơn những cây có bộ rễ yếu, lá mỏng. Chính vì vậy, ngoài việc dùng phân bón để hỗ trợ cho bộ rễ trong thời gian sinh trưởng, thì cách sạ lúa cũng rất quan trọng trong khâu này, ông Nguyễn Thanh Phương, Phó Viện trưởng Viện Duyên hải Nam Trung Bộ chia sẻ.

*Thu lợi nhuận cao

Hiện nay, kỹ thuật canh tác lúa theo phương pháp sạ cụm đã được nhân rộng tại 10/13 địa phương tại Đồng bằng sông  Cửu Long là Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Hậu Giang, Bạc Liêu, An Giang, Kiên Giang.

Qua kết quả thu hoạch và tiêu thụ lúa cho thấy, năng suất bình quân đạt 7,5 tấn/ha, trong khi đó lượng lúa giống giảm từ 40-50kg/ha, lợi nhuận đạt 23.800.000 đồng/ha, cao hơn 8.000.000 đồng/ha so với sạ cấy như thời gian qua.

Ông Cao Văn Long Ân, sản xuất lúa tại xã Ô Long Vỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang, ông Ân áp dụng kỹ thuật sạ cụm trong vụ đông xuân 2021 - 2022, chỉ tốn 60kg lúa giống, giảm 40kg so với cấy như trước đây. Hơn nữa, năng suất cao hơn sạ cấy là 1 tấn/ha, tăng 14,9%.

Nhờ vào lượng lúa giống tháp, giúp giảm bớt chi phí thuốc bảo vệ thực vật, cũng như lượng nước, phân bón, năng suất lại tăng, giúp ông Ân đạt lợi nhuận gần 23.500.000 đồng, cao hơn sạ cấy 4.000.000 đồng/ha, tăng 24.5% hiệu quả kinh tế.

Cũng giống như ông Cao Văn Long Ân, bà Nguyễn Thị Yến, ngụ tại ấp Sơn Nam, xã Nam Thái Sơn, huyện Hòn Đất, tình Kiên Giang cũng áp dụng kỹ thuật sạ lúa theo cụm này trong vụ Đông Xuân 2021 - 2022. Kết quả đạt được là chỉ tốn 47,5kg lúa giống với mỗi hecta, nhưng năng suất đạt 6,7 tấn/ha, lợi nhuận cao hơn so với sạ lan là 2.000.000 đồng/ha.

Ông Ngô Văn đây chia sẻ, sạ cụm bằng máy là giải pháp và phương án sản xuất trong vụ lúa mới do Cục Trồng trọt triển khai thực hiện thí điểm, cũng như nhân rộng theo Quyết định số 73/QĐ-TT-VPPN của Cục Trồng trọt.

Khi áp dụng sạ cụm bằng máy, nông dân có thể kết nối thêm bộ phận bón phân vùi và bộ phận phun thuốc diệt mầm tạo thành cổ máy đa năng "3 in 1", cùng lúc có thể vừa sạ, vừa bón phân vùi và phun thuốc diệt mầm. Kết quả mô hình này tại Châu Phú – An Giang đã cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với mô hình sạ cụm bón phân vãi nhiều lần như hiện nay.

Cục Trồng trọt cũng đã triển khai phương án này qua 3 vụ sản xuất lúa, với 40 điểm, mô hình sản xuất tại Đồng bằng sông Cửu Long. Kết quả mang lại cụ thể: giảm 60 – 70% lượng hạt giống sử dụng, giảm 15 – 20% lượng phân bón vô cơ, giảm 1 – 2 lần phun thuốc bảo vệ thực vật khi cây lúa bị bệnh, năng suất lúa tăng thêm 0,5 – 0,8 tấn/ha (8 – 10%), HQKT tăng thêm 2,5 – 3,5 triệu đồng/ha (10 – 15%), hạn chế được tình trạng đổ, ngã khi gặp mưa, gió lớn.

Như vậy, có thể thấy đây là một cuộc cách mạng cải tiến kỹ thuật sản xuất lúa, giúp giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, và bảo vệ được môi trường sản xuất như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang hướng tới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục