Giữ hồn Tết cổ truyền: Bảo tồn và thúc đẩy nghề truyền thống

14:15' - 22/01/2023
BNEWS Đẩy mạnh thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Các tỉnh Trung Trung Bộ đang nỗ lực bảo tồn và thúc đẩy nghề truyền thống.

Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ: Bảo tồn, phát triển các ngành nghề, làng nghề, dịch vụ nông thôn, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái.

 

Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Các tỉnh Trung Trung Bộ đang nỗ lực bảo tồn và thúc đẩy nghề truyền thống.

Làng nghề truyền thống - điểm du lịch hấp dẫn

Làng nghề truyền thống nước mắm Nam Ô, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu (thành phố Đà Nẵng) có từ khoảng thế kỷ thứ XVIII. Làng nghề này được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản phi vật thể quốc gia từ năm 2019.

Nước mắm Nam Ô ngon chuẩn vị bởi vị mặn đậm đà xen lẫn vị ngọt của cá tươi, mùi thơm rất đặc trưng, có màu vàng nâu cánh gián, để lâu vẫn trong vắt không bị xỉn màu. Làng nghề này hiện có khoảng 64 cơ sở làm nước mắm, trong đó 17 cơ sở đã đăng ký thương hiệu.

Bất chấp sự cạnh tranh, làng nghề làm nước mắm Nam Ô ngày càng “ăn nên làm ra”, khi lượng nước mắm tiêu thụ trung bình từ năm 2020 đến nay đạt 250 nghìn lít/năm, tăng hơn 4 lần so với thời kỳ năm 2015-2020.

Không những vậy, làng nghề này đang trở thành điểm du lịch hấp dẫn. Bà Lê Mai Linh, Trưởng Phòng Điều hành, Công ty du lịch THE-Q (Hà Nội) cho biết, vì muốn giới thiệu thêm những đặc trưng về văn hóa, ẩm thực Việt Nam nên công ty đã đưa du khách quốc tế tới Nam Ô để trải nghiệm nghề làm mắm, ăn thử món làm từ mắm. Các đoàn khách Âu - Mỹ đánh giá rất cao sự nhiệt tình, niềm nở của dân làng, thích thú khi được khuấy mắm, lọc mắm và ăn thử món ăn đậm đà hương vị Việt này.

Thành phố Đà Nẵng đang triển khai Đề án: “Bảo tồn làng nghề nước mắm Nam Ô gắn với phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng”. Theo Bí thư Quận ủy Liên Chiểu Nguyễn Hà Bắc, địa phương đang triển khai đề án này theo hướng phát triển thêm một số sản phẩm du lịch như: Trải nghiệm bình minh, hoàng hôn ở vịnh Nam Ô bằng thuyền thúng; tắm biển ở bãi tắm Nam Ô. Trong quá trình triển khai đề án, chính quyền địa phương sẽ lựa chọn và hỗ trợ một số hộ dân tham gia loại hình du lịch homestay nhằm phát triển du lịch làng nghề làm mắm Nam Ô.

Làng trồng rau truyền thống Trà Quế, xã Cẩm Hà, thành phố Hội An (Quảng Nam) đã có hơn 400 năm. Tháng 10/2022, làng trồng rau này được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Làng trồng rau Trà Quế hiện có 220 hộ tham gia sản xuất với tổng diện tích 18,5ha mang lại doanh thu gần 13 tỷ đồng. Không những thế làng rau Trà Quế còn là điểm du lịch trải nghiệm nổi tiếng. Ông Mai Kim Phương, Chủ tịch UBND xã Cẩm Hà cho biết, để bảo tồn, phát triển làng nghề trồng rau Trà Quế, địa phương đã khoanh vùng quy hoạch diện tích trồng rau nhằm bảo vệ diện tích, cảnh quan làng nghề, hướng người dân sản xuất theo quy trình hữu cơ để sản xuất, thu hút khách du lịch trải nghiệm bền vững.
Tỉnh Quảng Nam đã đưa vào khai thác, thu hút nhiều khách du lịch trong nước, quốc tế đến các làng nghề truyền thống như làng rau Trà Quế, làng mộc Kim Bồng, làng gốm Thanh Hà, làng nghề đèn lồng Hội An. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam Nguyễn Thanh Hồng cho biết, để làng nghề trở thành điểm du lịch hấp dẫn cần dựa trên các giá trị truyền thống đặc sắc, tinh túy của sản phẩm nghề thủ công nổi tiếng du khách có thể tiếp cận, cảm nhận, mua dùng hay lưu niệm; dựa trên không gian văn hóa, cảnh quan làng nghề với lối sống, nếp sinh hoạt...Bên cạnh đó có chính sách hỗ trợ bảo tồn, phát huy giá trị làng nghề và giá trị văn hóa dân gian truyền thống; đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch; đẩy mạnh quảng bá xúc tiến du lịch làng nghề; kết nối giữa làng nghề với trung tâm du lịch, liên kết giữa doanh nghiệp du lịch với điểm đến.

Là trung tâm du lịch của cả nước, Thừa Thiên-Huế chú trọng phát triển du lịch ở các làng nghề truyền thống. Nhiều làng nghề truyền thống thu hút lượng lớn khách du lịch trong nước và quốc tế như làng nghề tranh làng Sình, làng hương Thủy Xuân. Đặc biệt, nhiều làng nghề truyền thống đã xây dựng được tour tuyến du lịch thường xuyên, thu hút khách quốc tế như làng hoa giấy Thanh Tiên.

Từ trung tâm thành phố Huế, du khách có thể đạp xe dọc bờ sông Hương thơ mộng, qua những cánh đồng là đến làng Thanh Tiên yên bình. Ông Chris Wast, 67 tuổi, du khách đến từ Vương quốc Anh chia sẻ, những người làm ra hoa giấy Thanh Tiên rất khéo tay, tất cả công đoạn đều hoàn hảo từ màu sắc đến sự tỉ mỉ, mềm mại của cánh hoa. Đến đây, ông được tự tay làm hoa giấy và có trải nghiệm rất thú vị, đồng thời hiểu hơn về văn hóa, con người Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên - Huế cho biết, điều quan trọng là số hóa các thông tin, dữ liệu về địa điểm, lịch sử hình thành và nghệ nhân đang nắm giữ nghề truyền thống để có tư liệu quảng bá trên kênh truyền thống cũng như mạng xã hội. Bên cạnh đó hỗ trợ doanh nghiệp giúp sản phẩm làng nghề tiếp cận thị trường tốt hơn; hình thành tour tuyến du lịch tham quan trải nghiệm, trình diễn giúp du khách có hiểu biết về giá trị của nghề truyền thống, từ đó vừa tiêu thụ sản phẩm vừa phát triển làng nghề. Việc số hóa sản phẩm làng nghề, xây dựng tour tuyến tham quan giúp làng nghề tiếp cận thị trường và thương mại hóa sản phẩm tốt hơn.

Phát triển sản phẩm OCOP từ làng nghề

Nước mắm Nam Ô của làng nghề truyền thống làm nước mắm Nam Ô (Đà Nẵng) ngoài được chứng nhận là “Sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng Việt Nam” còn là sản phẩm OCOP với ba thương hiệu gồm nước mắm Bình Minh, nước mắm Hương Làng Cổ và nước nắm Nam Ô - Hiệp Hải.

Ở phố cổ Hội An (Quảng Nam), Nghệ nhân Ưu tú Huỳnh Văn Ba được nhiều người biết đến bởi ông có công lớn trong phục chế và cải tiến chiếc đèn lồng truyền thống, sáng tạo ra loại khung đèn có thể xếp gọn, thuận tiện cho đóng gói, vận chuyển. Tiếp sau ông Huỳnh Văn Ba, nhiều người thợ làm đèn lồng tâm huyết khác đã dày công nghiên cứu, thử nghiệm để sản phẩm thủ công mỹ nghệ này ngày càng tinh xảo hơn. Minh chứng là ông Võ Đình Hoàng đã sáng lập thương hiệu “Đèn lồng Dé Lantana” được công nhận sản phẩm OCOP hạng 5 sao.

Các làng nghề truyền thống ở Trung Trung Bộ ngày càng có nhiều sản phẩm OCOP do chuyển từ quy mô sản xuất chủ yếu là gia đình sang liên kết với nhau thông qua tổ hợp tác. Tổ hợp tác trong làng nghề truyền thống giúp khắc phục được tồn tại là sản xuất nhỏ lẻ, đồng thời tạo ra sản phẩm có chất lượng, mẫu mã, giá đồng nhất khi cung ứng cho thị trường.

Ở Thừa Thiên - Huế, chính quyền địa phương đang hỗ trợ các hộ dân trong làng nghề liên kết với nhau để phát triển sản phẩm OCOP. Phó Chủ tịch UBND xã Phú An, huyện Phú Vang Nguyễn Thế Giới cho biết, thời gian tới, chính quyền địa phương tập trung phát triển thương hiệu “bánh tét làng Chuồn” thông qua việc tập hợp các hộ, nghệ nhân để hình thành hợp tác xã nhằm phát triển hệ thống sản phẩm OCOP gắn với du lịch làng nghề, qua đó nâng cao thương hiệu cũng như thu nhập cho bà con.

Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Thừa Thiên - Huế Phạm Văn Tần cho biết, tỉnh chú trọng phát triển các sản phẩm OCOP mang tính chất làng nghề, nghề truyền thống, sản phẩm chủ lực và sản phẩm đặc sản địa phương. Các làng nghề truyền thống nói riêng và chủ thể khác của sản phẩm OCOP được hỗ trợ xây dựng trang web kết hợp với sàn thương mại điện tử, đồng thời đẩy mạnh số hóa sản phẩm OCOP nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm đến khách hàng.

Tại Quảng Trị, sản phẩm truyền thống “bánh tét mặt trăng Đại An Khê” (xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng) được công nhận sản phẩm OCOP hạng 3 sao. Sản phẩm OCOP này là thành quả của việc thành lập Tổ hợp tác sản xuất bánh tét mặt trăng Đại An Khê từ năm 2019 với 23 hộ tham gia. Trong quá trình sản xuất, Tổ hợp tác đưa ra quy chế hoạt động thống nhất về giá, mẫu mã, chất lượng. Bà Hoàng Thị Kim Cúc, Tổ trưởng Tổ hợp tác bánh tét mặt trăng Đại An Khê cho biết, để bảo vệ được uy tín và thương hiệu của mình, tổ hợp tác thường xuyên tuyên truyền bà con thực hiện đảm bảo an toàn thực phẩm trong quá trình gói, nấu bánh.

Tương tự, làng nghề truyền thống làm nước mắm Mỹ Thủy, xã Hải An, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) đã thành lập Tổ hợp tác sản xuất nước mắm Mỹ Thủy. Các hộ tham gia thống nhất về sản lượng, chất lượng, giá sản phẩm trước khi bán ra thị trường. Nước mắm Mỹ Thủy được công nhận sản phẩm OCOP hạng 3 sao, cung ứng cho thị trường, nhất là dịp Tết khoảng gần 1 triệu lít/năm mang lại doanh thu 20 tỷ đồng.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng, vấn đề tỉnh quan tâm hiện nay là đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn nữa với người tiêu dùng nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm và đời sống cho người sản xuất, kinh doanh. Do đó, tỉnh tiếp tục tăng cường hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ cho từng sản phẩm OCOP./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục