Giữ thương hiệu cam Cao Phong nhờ công nghệ số hóa

08:27' - 09/05/2018
BNEWS Liên hiệp hợp tác xã cam Cao Phong đã ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học - công nghệ trong sản xuất nhằm số hóa quy trình, tạo công cụ hỗ trợ sản xuất, kinh doanh.
Người dân đang chăm sóc Cam Cao Phong (Hoà Bình). Ảnh: Nhan Sinh/TTXVN

Liên hiệp hợp tác xã cam Cao Phong được thành lập từ tháng 8/2017 tại Tiểu khu 1, thị trấn huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình gồm 4 hợp tác xã là: Hà Phong, nông nghiệp Số, nông nghiệp và dịch vụ Phúc Linh, nông nghiệp và dịch vụ Ánh Xuân cùng liên kết để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đây là liên hiệp hợp tác xã đầu tiên tại vùng Tây Bắc và bước đầu khởi nghiệp thành công.

Liên hiệp hợp tác xã cam Cao Phong có 200 xã viên, sở hữu trên 500 ha cam, quýt, chủ yếu là cam Canh, lòng vàng, V2.

Trong đó, riêng Hợp tác xã nông nghiệp Số chịu trách nhiệm ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học - công nghệ trong sản xuất nhằm số hóa quy trình, tạo công cụ hỗ trợ sản xuất, kinh doanh. Đơn vị cũng thực hiện vai trò đầu tàu xây dựng, phát triển thương hiệu cam Cao Phong. Các hợp tác xã còn lại chịu trách nhiệm sản xuất theo quy trình an toàn VietGap.

Liên hiệp hợp tác xã cam Cao Phong cũng đã sản xuất tem điện tử thông minh. Đây là loại tem chứa đầy đủ thông tin về quá trình hình thành quả cam. Tem dán vào quả khi bóc ra sẽ vỡ và bóc luôn vỏ, do vậy sẽ ngăn chặn được cam nhái, đội lốt cam Cao Phong, bảo vệ người tiêu dùng.

Mọi người cũng có thể truy xuất thông tin sản phẩm cam Cao Phong của Liên hiệp bằng điện thoại thông minh qua tem. Người tiêu dùng chỉ cần sử dụng ứng dụng OCOP (để kiểm tra chống giả thông tin), Zalo hoặc các phần mềm quét mã vạch khác trên smartphone.

Cùng với đó, liên hiệp hợp tác xã này còn xây dựng khu sinh thái cam để phát triển du lịch, triển khai tour du lịch trải nghiệm, nghỉ dưỡng. Mô hình liên kết này đi vào hoạt động chưa lâu nhưng đang chứng tỏ hiệu quả trong thực tế.

Ông Từ Quang Hà, Chủ tịch Liên hiệp hợp tác xã cam Cao Phong cho biết, trong khi giá cam trung bình niên vụ 2017-2018 trên địa bàn huyện có giảm so với niên vụ 2016 - 2017 nhưng cam của các hợp tác xã trong liên hiệp đạt từ 20.000 -25.000 đồng/kg tại vườn.

Điều này đã khẳng định thương hiệu, chất lượng sản phẩm của hợp tác xã trong liên hiệp. Sản phẩm đã vươn từ Bắc tới Nam tại các siêu thị, chuỗi cửa hàng nông sản an toàn.

Hiện nay, trên thị trường trong nước, cam Cao Phong đã có thương hiệu, được người tiêu dùng ưa thích. Song, trong thực tế thực tế, không phải ai cũng biết cách nhận diện chính xác đâu là cam Cao Phong. Việc truy xuất được nguồn gốc sẽ giúp người tiêu dùng yên tâm hơn về sản phẩm.

Ông Phạm Văn Long, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cao Phong đánh giá, Liên hiệp hợp tác xã cam Cao Phong là mô hình mới về hình thức liên kết trong sản xuất - kinh doanh - công nghệ, trở thành là đầu tàu về sản xuất, cung ứng cam an toàn ra thị trường, và là điểm sáng về kinh tế hợp tác. Đặc biệt, khả năng quản trị hợp tác xã mạnh hơn trong bối cảnh cạnh tranh trên thị trường có thể coi là bước đột phá./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục