Giúp làng nghề xây dựng thương hiệu

13:48' - 20/01/2016
BNEWS "Phải giúp các làng nghề xây dựng thương hiệu trong hội nhập là giải pháp ưu tiên trong thời gian tới của Hiệp hội Làng nghề".

Đó là lời của ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam tại buổi lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Hiệp hội Làng nghề tổ chức ngày 20/1, tại Hà Nội.

Theo ông Lưu Duy Dần, trước mắt, trong năm 2016, Hiệp hội sẽ tích cực hỗ trợ các thành viên trong việc xây dựng thương hiệu, đăng ký nhãn hiệu hàng hoá, hỗ trợ tốt nhất cho các cơ sở làng nghề trong việc xuất khẩu.

Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Hiệp hội làng nghề Việt Nam. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS.

Đồng thời, Hiệp hội cũng sẽ đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đào tạo về quản trị kinh doanh, thông lệ quốc tế và thương mại điện tử cho các doanh nghiệp làng nghề, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập sâu rộng tới đây; chọn những chương trình đào tạo có tác dụng thực tế nhất để các doanh nghiệp, các hộ sản xuất nhỏ cùng nhau liên kết trong các làng nghề nhằm đáp ứng được số lượng sản phẩm của những đơn hàng lớn.

Để chấn hưng các làng nghề, ông Dần cho biết, sẽ giúp các làng nghề liên kết với nhau, áp dụng khoa học công nghệ để hiện đại hoá công nghệ truyền thống, xử lý môi trường, sản phẩm có tính thẩm mỹ cao và tiếp tục tôn vinh các nghệ nhân, thợ giỏi.

Từ nay đến 30/4, Hiệp hội sẽ hoàn thành chương trình vinh danh “Bảng vàng gia tộc nghề truyền thống Việt Nam” và chương trình phong tặng các danh hiệu làng nghề năm 2016.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho rằng, hiệp hội cần tiếp tục triển khai bình bầu, lựa chọn những sản phẩm tiêu biểu, xét tặng nghệ nhân cho các làng nghề; có chương trình tôn vinh, hỗ trợ phát triển và xây dựng thương hiệu cho các làng nghề, nhất là trong giai đoạn hội nhập tới đây.

Chủ tịch Lưu Duy Dần cho hay, trong 10 năm qua, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đã tổ chức hơn 200 sự kiện hội chợ, triển lãm, hội nghị khách hàng... nhằm tìm đầu ra cho các sản phẩm làng nghề và hưởng ứng phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Bên cạnh đó, Hiệp hội đã tổ chức đào tạo hơn 8.330 học viên nghề, cùng nhiều lớp đào tạo về quản trị, khởi sự doanh nghiệp; tôn vinh 57 làng nghề Việt Nam tiêu biểu; tôn vinh hơn 330 nghệ nhân làng nghề Việt Nam. Điều này có tác dụng lớn trong việc bảo tồn, xây dựng và phát triển Làng nghề, giữ gìn và phát triển tinh hoa của nghề truyền thống.

Trong công tác đối ngoại, Hiệp hội đã làm việc cùng nhiều đoàn khách quốc tế từ Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc, Trung Quốc..., tiếp xúc với các phòng thương mại nước ngoài như Phòng thương mại Mỹ - Việt, Tổ chức hợp tác quốc tế Nhật Bản, Chương trình phát triển Liên hiệp quốc... để giới thiệu và quảng bá sản phẩm của các làng nghề.

Tuy nhiên, nhiều đơn vị trong hội hoạt động kém hiệu quả, nguồn thu không ổn định, sự hỗ trợ cho các hội viên chưa đạt hiệu quả cao, nhiều chương trình đào tạo vẫn chưa đi vào thực chất./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục