Gỡ cản trở để thúc đẩy đầu tư trực tiếp từ Australia vào Việt Nam

12:37' - 22/12/2021
BNEWS Những cản trở đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp FDI Australia tại Việt Nam như: thủ tục hành chính, hệ thống thuế, hiệu quả thực thi pháp luật chưa cao...

Sáng 22/12, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Chương trình Australia cùng Việt Nam phát triển Nguồn nhân lực (Aus4skills) tổ chức hội thảo trực tuyến “Tăng cường đầu tư trực tiếp của Australia vào Việt Nam trong bối cảnh hội nhập CPTPP và RCEP”.

Hội thảo được tổ chức nhằm cung cấp thông tin về tình hình đầu tư trực tiếp (FDI) của Australia tại Việt Nam và hiệu quả kết nối giữa các doanh nghiệp FDI Australia tại Việt Nam và các đối tác nội địa; đồng thời, chia sẻ những đánh giá của các nhà đầu tư Australia về môi trường đầu tư - kinh doanh của Việt Nam và những khuyến nghị chính sách nhằm tăng cường thu hút đầu tư của Australia vào Việt Nam trong thời gian tới.

Khai mạc hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) nhận định, từ khi ban hành Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987 và đặc biệt là sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007, các dòng vốn FDI vào Việt Nam đã gia tăng mạnh mẽ, giúp Việt Nam trở thành một trong những nước thu hút FDI lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á (ASEAN). Đặc biệt năm 2020, Việt Nam đã nằm trong Top 20 quốc gia thu hút nhiều FDI nhất trên thế giới, đứng vị trí thứ 19, tăng 5 bậc so với năm 2019. Trong khi đó, Australia là một trong những quốc gia có đầu tư trực tiếp ra nước ngoài lớn, đứng thứ 15 thế giới năm 2020.

Tuy nhiên, thời gian qua, đầu tư FDI của Australia vào Việt Nam còn khá khiêm tốn. Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lũy kế đến tháng 11/2021, Australia có 545 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn là 1,94 tỷ đô la Mỹ (USD). Hiện FDI của Australia chỉ chiếm 0,5% tổng giá trị FDI tại Việt Nam và đứng thứ 19 trong danh sách các nền kinh tế có đầu tư FDI lớn nhất vào nước ta. Dù còn rất khiêm tốn nhưng đầu tư trực tiếp từ Australia vào Việt Nam dự báo sẽ có nhiều cơ hội tăng trưởng trong thời gian tới.

Theo bà Thu Trang, giữa Việt Nam và Australia đang có 3 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) chung; trong đó có hai FTA thế hệ mới là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP) với nhiều cam kết đáng kể của Việt Nam dành cho các nhà đầu tư Australia. Với tác động cộng hưởng từ 3 FTA này và 12 FTA khác của Việt Nam sẽ mở ra những cơ hội đáng kể thu hút các doanh nghiệp FDI Australia đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam.

Ông Charles Thursby-Pelham, Đại sứ Australia tại Việt Nam cho biết, Việt Nam và Australia vừa chính thức công bố Chiến lược tăng cường gắn kết kinh tế Australia - Việt Nam với mục tiêu đưa hai nước trở thành những đối tác thương mại trong Top 10 của nhau và tăng gấp đôi đầu tư song phương trong thời gian tới. Tuy nhiên, để có thể hiện thực hóa được những cơ hội trên, Việt Nam cần tìm hiểu và giải quyết triệt để những vấn đề đang cản trở các doanh nghiệp Australia đầu tư tại Việt Nam.

Theo Báo cáo “Đầu tư trực tiếp của Australia tại Việt Nam: Đánh giá hiệu quả thực tế và Những giải pháp chính sách” do Nhóm nghiên cứu là các cựu sinh viên Australia thực hiện với sự hỗ trợ của Quỹ cựu sinh viên Australia thuộc Chương trình Aus4Skills, những vấn đề của môi trường đầu tư Việt Nam đang gây cản trở nhiều nhất đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp FDI Australia tại Việt Nam là: thủ tục hành chính phiền hà, hệ thống thuế còn nhiều bất cập, hiệu quả thực thi pháp luật chưa cao, phát sinh nhiều tiêu cực và chi phí không chính thức.

Cùng với đó là các hạn chế về cơ sở hạ tầng, về nguồn lao động chất lượng cao… Các doanh nghiệp tại Australia – các nhà đầu tư tiềm năng của Việt Nam cũng có những quan ngại tương tự khi cân nhắc đầu tư vào Việt Nam.

Để có thể giải quyết được các vấn đề trên, Việt Nam cần cải cách toàn diện khu vực công, thường xuyên rà soát quy định pháp luật trong nước, thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế về đầu tư, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch cho các nhà đầu tư nước ngoài bao gồm nhà đầu tư Australia…, ông Charles Thursby-Pelham nhấn mạnh.

Đại diện Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp nhận định, Việt Nam nên học hỏi kinh nghiệm quốc tế trong các chính sách thu hút và hoạt động xúc tiến đầu tư nước ngoài. Chẳng hạn trong bối cảnh dịch bệnh toàn cầu, Việt Nam có thể tăng cường thu hút đầu tư trong lĩnh vực y tế và công nghệ số, đẩy mạnh chuyển đổi số trong xúc tiến đầu tư, đồng thời nghiên cứu cách tiếp cận mở phù hợp với nhà đầu tư nước ngoài...

Bàn tới các giải pháp thu hút đầu tư của Australia vào Việt Nam, bà Phùng Thị Lan Phương, Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) đề xuất các sáng kiến tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp FDI Australia với các đối tác nội địa Việt Nam. Thực tế, nhiều dự án đầu tư của Australia tại Việt Nam trong thời gian vừa qua đã tạo ra những hiệu ứng kết nối tích cực với các đối tác trong nước.

Đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, nhiều mô hình sản xuất của các doanh nghiệp FDI Australia đã trở thành kiểu mẫu cho các doanh nghiệp trong nước học hỏi, đồng thời cũng giúp nâng cao trình độ sản xuất nông nghiệp của người dân và người lao động địa phương. Vì vậy, Chính phủ và các địa phương cần tăng cường các hoạt động hỗ trợ thúc đẩy và gia tăng hiệu quả của những kết nối này.

Cũng tại hội thảo, các diễn giả và đại biểu tham dự cũng thảo luận và trao đổi về những khó khăn, vướng mắc mà các doanh nghiệp FDI Australia gặp phải trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 vừa qua, những tác động của các căng thẳng thương mại trên thế giới và cơ hội của Việt Nam trong việc thu hút các dòng vốn đầu tư của Australia chuyển hướng khỏi Trung Quốc và một số nước khác…. Qua đó, gợi mở cho các nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp Việt Nam trong tìm kiếm các giải pháp tăng cường thu hút đầu tư FDI của Australia và gia tăng hiệu quả kết nối với các đối tác Việt Nam trong thời gian tới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục