Gỡ “điểm nghẽn” cao tốc Bắc - Nam đoạn Hoài Nhơn - Quy Nhơn

17:45' - 17/05/2024
BNEWS Dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Hoài Nhơn - Quy Nhơn qua địa bàn huyện Hoài Ân (Bình Định) có nguy cơ chậm tiến độ do một số tuyến chính vướng diện tích lớn rừng tự nhiên.

Trước thực trạng trên, chính quyền địa phương lẫn nhà thầu thi công đang kiến nghị Trung ương và các bộ, ngành liên quan có cơ chế tháo gỡ “nút thắt” để thuận lợi hơn trong việc triển khai dự án này.

 

Cụ thể, tại Km18+650 đến Km21+100 thuộc gói thầu 11XL do Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn thi công còn vướng tới hơn 12 ha rừng tự nhiên do chưa được chuyển mục đích sử dụng. Đây là đường găng của dự án nên có vai trò rất quan trọng.

Thiếu tá Hồ Sỹ Biên, Phó Giám đốc Ban điều hành Trường Sơn 5, Tổng công ty xây dựng Trường Sơn, cho hay, điều này đã làm lỡ tiến độ thi công của nhà thầu. Thống kê với hơn 2,4 km bị vướng rừng thì còn khoảng 2,5 triệu m3 khối đất, đá, chiếm khoảng 70% vật liệu thi công. Chính vì vậy, nhà thầu chỉ cho phương tiện máy móc thi công cầm chừng và chờ đợi các ngành chức năng giải quyết dứt điểm.

Dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Hoài Nhơn - Quy Nhơn có tổng chiều dài toàn tuyến hơn 70 km, tổng mức đầu tư hơn 12.400 tỷ đồng. “Với phương châm không bàn lùi, chỉ bàn làm nên dù gặp khó khăn như thế, nhà thầu sẽ lập tiến độ riêng, chi tiết và bố trí nhân lực, phương tiện, thiết bị, phân bổ 8 mũi thi công ở đây sau khi diện tích rừng này được giải phóng, bàn giao. Nhà thầu cũng mong muốn các sở, ngành lẫn địa phương quan tâm tạo điều kiện hơn nữa trong việc mở đường tiếp cận dự án” - Thiếu tá Hồ Sỹ Biên chia sẻ.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, thông tin dự án thành phần đoạn Hoài Nhơn - Quy Nhơn có quy mô lớn hơn so với các địa phương khác trên địa bàn tỉnh. Huyện cũng là địa phương đầu tiên thực hiện sớm nhất các thủ tục để UBND tỉnh ra quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng. Đối với phần diện tích tăng thêm có sự chênh lệch, huyện đang chờ Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho chủ trương chuyển đổi bổ sung.

Trong thời gian này, huyện đã thực hiện đồng bộ nhiều phương án để đáp ứng tiến độ. Cụ thể, huyện đã thuê đơn vị chuyên môn tiến hành đo đạc, thống kê trữ lượng lâm sản còn lại trên diện tích rừng để đưa vào hồ sơ chuẩn bị sẵn. Khi có chủ trương chuyển đổi của các cấp có thẩm quyền, huyện sẽ trình các thủ tục liên quan đến việc khai thác tận thu toàn bộ lâm sản; đồng thời, chuẩn bị các hồ sơ có liên quan để tiếp tục trình cấp thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng rừng.

Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Bình Định đã bàn giao mặt bằng đạt 99,8% chiều dài toàn tuyến để các nhà thầu thi công. Công tác di dời hạ tầng kỹ thuật cơ bản hoàn thành, chỉ còn 5 vị trí cục bộ tại các huyện Phù Mỹ, Tây Sơn và Hoài Ân.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục