Gỡ nút thắt bảo lãnh vay vốn cho doanh nghiệp

09:04' - 23/09/2015
BNEWS Theo các chuyên gia kinh tế, vấn đề bảo lãnh vay vốn đang là nút thắt khiến doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Vấn đề bảo lãnh vay vốn đang là nút thắt khiến doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Đây là ý kiến của các chuyên gia kinh tế, đa số các doanh nghiệp tại hội thảo “Cơ chế và giải pháp hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa được tổ chức.

Hội thảo “Cơ chế và giải pháp hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp”. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

* Bảo lãnh vay vốn: Cơ chế khó tiếp cận

Ông Trần Văn Hùng, Tổng giám đốc, Công ty TNHH Hùng Cá cho biết, đây là vướng mắc mà doanh nghiệp đang gặp phải, vì hiện đang thuê 775 hecta đất của Nhà nước để đầu tư nuôi trồng, chế biến xuất khẩu, sản xuất thức ăn, bột cá và dầu cá tra. Tuy nhiên, các tài sản mà doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng trên diện tích đất thuê này lại không được thế chấp để vay vốn.

Tổng doanh thu năm 2014 của doanh nghiệp đạt 6.000 tỷ đồng và dự kiến năm 2015 sẽ là 7.000 tỷ. Với vướng mắc về thủ tục và điều kiện vay vốn kể trên sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng mở rộng sản xuất và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, ông Hùng nhấn mạnh.

Từ đây, ông Hùng đề nghị, các ngân hàng thương mại khi cho vay nên định giá tài sản là các ao nuôi cá theo giá thị trường vì giá trị đầu tư rất lớn. Sẽ là không phù hợp với thực tế nếu căn cứ theo khung giá đất nông nghiệp do UBND tỉnh ban hành để định giá các ao nuôi cá như hiện nay.

Thực tế tương tự cũng diễn ra với Công ty TNHH Cường Tân, ông Lâm Văn Chiểu, Phó Tổng giám đốc cho biết, mặc dù là doanh nghiệp sản xuất giống lúa lai F1 hàng đầu Việt Nam, với diện tích lớn nhưng đều là diện tích đi thuê của bà con nông dân rồi quy hoạch lại thành “Cánh đồng mẫu lớn” để sản xuất tập trung.

Với số vốn đầu tư ban đầu rất lớn, nhưng phần đất đai sản xuất không có giá trị thế chấp để bảo lãnh vay vốn. Do đó doanh nghiệp gặp khó khăn trong vấn đề vay vốn và cần tài sản bảo lãnh với các ngân hàng thương mại.

Đồng tình với các doanh nghiệp, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Cố vấn cấp cao của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) nhận định, các cơ chế và chính sách liên quan tới bảo lãnh vay vốn cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay chưa được đẩy mạnh.

Việc hướng dẫn thực hiện đôi khi còn chậm. Cơ chế cho vay tín chấp chưa nhiều. Nên xét về góc độ nào đó thì nhu cầu vay vốn cao mà sức hấp thụ vốn còn yếu.

Chính vì lẽ đó, việc tìm cách tháo gỡ những vướng mắc liên quan tới vấn đề bảo lãnh vốn vay cho doanh nghiệp là hết sức quan trọng. Nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế đang diễn ra ngày càng sâu và rộng như hiện nay

* Kiến nghị gỡ khó!

Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, lạm phát hiện nay rất thấp.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Do vậy, để nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước cần giảm thêm lãi suất và nới lỏng room tín dụng một cách hợp lý, linh hoạt, công bằng, minh bạch. Đồng thời, triển khai mạnh mẽ việc cho vay dựa trên cơ sở tín chấp.

“Muốn như vậy, bản thân ngân hàng cũng phải minh bạch để có thể đồng hành, giúp doanh nghiêp sử dụng hiệu quả nguồn tín dụng từ ngân hàng trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình”, ông Lộc nhấn mạnh.

Đối với trường hợp của riêng mình, đại diện Công ty TNHH Cường Tân, ông Chiểu kiến nghị đối với Ngân hàng BIDV xem xét cho vay không có tài sản đảm bảo trong trường hợp doanh nghiệp không đủ tài sản đảm bảo khoản vay (nghĩa là tăng tỷ lệ tín chấp vốn vay).

Đông thời, đề nghị Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng BIDV điều chỉnh hạ lãi suất cho vay trung và dài hạn (xuống thấp dưới 9%/năm) để tạo điều kiện cho doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư phục vụ sản xuất kinh doanh, góp phần tích cực vào công cuộc tái cơ cấu ngành nông nghiệp và XD nông thôn mới…

Tiếp thu những ý kiến, đề xuất từ cộng đồng doanh nghiệp, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã có chỉ thị chỉ đạo các ngân hàng thương mại tăng cường cho vay tín chấp. Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ tiếp tục hoàn thiện các thủ tục, quy chế để đẩy mạnh việc cho vay tín chấp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, phát triển sản xuất kinh doanh.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Tuy nhiên, theo khuyến nghị của Phó Thống đốc, khi vay vốn ngân hàng, các doanh nghiệp cũng cần cân nhắc khả năng trả nợ. Vì việc chứng minh, kiểm soát dòng tiền và khả năng trả nợ là vô cùng quan trọng.

Xác định, yêu cầu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng.

Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh cam kết “luôn đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và cùng với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vì mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của đất nước”./.

Thạch Huê

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục