Tạo cơ chế khơi thông nguồn vốn tín dụng cho doanh nghiệp

14:14' - 22/09/2015
BNEWS Việt Nam hiện là 1 trong 30 nền kinh tế có khả năng tiếp cận tài chính tốt nhất. Tuy nhiên, thực tế nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn gặp không ít khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn

Hội thảo cơ chế và giải pháp hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp.

Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Sáng 22/9, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức Hội thảo “Cơ chế và giải pháp hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp”, thu hút sự tham dự của đại diện lãnh đạo nhiều bộ ngành, các tổ chức tín dụng như Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Việt Nam thịnh vượng (VP Bank), các chuyên gia kinh tế và tài chính ngân hàng cùng các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhận định, ngành ngân hàng là ngành thành công nhất, góp phần tái cấu trúc nền kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô. Bằng nhiều giải pháp, ngành ngân hàng đã hỗ trợ tích cực cho cộng đồng doanh nghiệp thông qua việc giảm mặt bằng lãi suất, xây dựng và triển khai các chương trình tín dụng mang tính đột phá, giúp các doanh nghiệp nội địa vượt qua giai đoạn khó khăn thách thức trong giai đoạn vừa qua.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Mặc dù, theo đánh giá xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB) thì Việt Nam hiện là 1 trong 30 nền kinh tế có khả năng tiếp cận tài chính tốt nhất. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn gặp không ít khó khăn, trở ngại trong vấn đề tiếp cận vốn, ông Lộc nhấn mạnh.

Vậy để làm sao biến những chương trình, chủ trương đúng đắn ở cấp vĩ mô trở thành hành động hàng đầu của các ngân hàng thương mại là một trong những yêu cầu cấp thiết hiện nay.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, bối cảnh tình hình kinh tế khu vực và trên thế giới đang có nhiều biến động phức tạp và khó lường. Giá dầu giảm mạnh, sự phá giá đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc và xu hướng giảm giá của các đồng tiền khác… là những diễn biến đan xen nhiều thuận lợi cùng với những khó khăn tác động đến nền kinh tế cũng như hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Ngân hàng Nhà nước đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như điều hành chính sách tiền tệ; tỷ giá chủ động, linh hoạt nhằm bảo đảm ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam; kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Cùng với đó là các giải pháp hỗ trợ để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ngân hàng một cách hiệu quả như miễn giảm lãi suất; cơ cấu lại thời hạn trả nợ; tăng cường cho vay không phải bảo đảm bằng tài sản; kéo dài thời hạn cho vay bằng ngoại tệ đối với một số nhu cầu vốn; cho vay thí điểm theo mô hình liên kết ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, chương trình tín dụng liên kết 4 nhà trong xây dựng…Phó Thống đốc cho biết thêm.

Phó Thống đốc cũng nhấn mạnh, trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu với khu vực và thế giới, Chính phủ, các bộ, ngành cần tăng cường tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch. Mặt khác, đòi hỏi cộng đồng doanh nghiệp phải không ngừng nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, gia tăng sức cạnh tranh, mở rộng thị trường. Và để làm được điều đó, cần khơi thông các nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là nguồn lực về vốn đóng vai trò hết sức quan trọng và cấp thiết.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phát biểu. Ảnh:Tuấn Anh/TTXVN

Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc. Tính đến cuối tháng 8/2015, tổng số tiền các ngân hàng cam kết hỗ trợ cho các doanh nghiệp ở các tỉnh, thành phố theo chương trình đã đạt trên 458.000 tỷ đồng.

Ở góc độ chuyên gia, Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng: “ Chính phủ mong muốn tái cấu trúc trong mọi lĩnh vực, phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, phục hồi chủ yếu là xuất khẩu, là đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI,) còn doanh nghiệp thì vẫn yếu”.

Trong bối cảnh đồng đô la Mỹ (USD) đang lên giá và dự kiến năm sau vẫn sẽ lên giá. Trong khi, ngân hàng lại hạ lãi suất và người dân đang dịch sang đầu tư USD thì nỗ lực giữ lãi suất như hiện nay của Ngân hàng Nhà nước đã là một thành công, ông Thành nhấn mạnh.

Ông Fung Kai Jin, Giám đốc khối doanh nghiệp vừa và nhỏ, Phó Tổng giám đốc VP Bank cho rằng, Chính phủ đã và đang hỗ trợ triệt để cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ với chính sách cho vay tín chấp và cho vay tín chấp linh hoạt, không tài sản đảm bảo. Các thủ tục cho vay cũng đã được đơn giản hóa và cơ chế phê duyệt nhanh chóng. Nhiều ngành nghề đã được chấp nhận cho vay theo hình thức này.

Tuy nhiên, để giúp các doanh nghiệp gia tăng khả năng tiếp cận vốn từ ngân hàng cần có sự nỗ lực từ 2 phía. Các ngân hàng phải thay đổi danh mục tài sản đảm bảo như cho thuê tài chính, tài trợ khoản vay thu hay cho vay không có tài sản đảm bảo; cải thiện quản trị rủi ro; đưa ra các giải pháp sáng tạo như đầu tư tư nhân và tài trợ giao dịch. Ngoài ra, cần chứng khoán hóa các khoản nợ.

Trong khi đó, các doanh nghiệp cần tăng cường hệ thống dữ liệu thông tin; lựa chọn đúng ngân hàng và coi ngân hàng là nhà cung cấp hay đối tác quan trọng; xác định rõ lượng vốn và chi phí vốn; duy trì trao đổi giữa các bên liên quan. Đồng thời trở thành đối tác hay nhà cung ứng được lựa chọn bởi các doanh nghiệp, tổng công ty hay các tập đoàn lớn, ông Fung khuyến nghị./.

Thạch Huê

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục