Gỡ vướng các dự án truyền tải điện trên địa bàn tỉnh Nghệ An

12:04' - 12/01/2024
BNEWS EVN đề nghị UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo các địa phương gỡ vướng để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các dự án điện trên địa bàn tỉnh, nhất là các công trình đường dây 500kV mạch 3 đi qua tỉnh.

Trong buổi làm việc với UBND tỉnh Nghệ An và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sáng 12/1 tại Nghệ An về tình hình cung ứng điện và đầu tư xây dựng các dự án điện trên địa bàn tỉnh, nhất là các công trình đường dây 500kV mạch 3 đi qua Nghệ An, ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, thời gian qua, giữa EVN và tỉnh Nghệ An luôn có sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả trong giải quyết các vướng mắc về cung cấp điện trên địa bàn tỉnh. Là một tỉnh khó nhưng với tình hình phát triển kinh tế như hiện nay, thời gian tới việc đảm bảo cung cấp điện trên địa bàn tỉnh là rất quan trọng.

 

“Tỉnh đã có nhiều cuộc họp liên quan đến việc giải quyết các vấn đề của các dự án điện, nhất là các dự án đường dây 500kV mạch 3 đi qua địa bàn. Thời gian tới việc xử lý các vướng mắc tại các dự án sẽ đi vào các vấn đề cụ thể để xử lý ngay từng việc”, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nói.

Sau khi nghe lãnh đạo các sở, ngành, địa phương báo cáo các vướng mắc về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, giải phóng mặt bằng, tái định cư… khi thực hiện các dự án điện trên địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung yêu cầu các sở, ngành liên quan theo chức năng nhiệm vụ tiếp tục tích cực hỗ trợ các địa phương, Chủ đầu tư xử lý kịp thời các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện các dự án điện, nhất là hai dự án đường dây 500kV mạch 3 đang triển khai.

Sở Tài nguyên và Môi trưởng tỉnh là cơ quan đầu mối, phối hợp với các sở, ban ngành tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo xử lý các vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng. Với các nội dung UBND tỉnh đã có kết luận tại các cuộc họp trước, yêu cầu các sở, ban ngành, địa phương tiếp tục triển khai. tham mưu UBND tỉnh.

Với 6 địa phương liên quan đến giải phóng mặt bằng đường dây 500kV mạch 3, ông Nguyễn Đức Trung yêu cầu chủ động phối hợp với Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) trong giải quyết các vướng mắc, tích cực vận động người dân bàn giao mặt bằng cho Chủ đầu tư thi công móng trong tháng 1 và hành lang tuyến trong tháng 3 tới.

Báo cáo tình hình thực hiện các dự án truyền tải điện trên địa bàn tỉnh Nghệ An, ông Phạm Lê Phú, Tổng giám đốc EVNNPT cho biết, Nghệ An có 4 Trạm biến áp (TBA) 220kV với dung lượng 1.500 MVA và 18 đường dây với chiều dài khoảng 1.137,1 km; trong đó có 4 đường dây 500kV kết nối lưới điện trên trục Bắc -Nam như Hà Tĩnh - Nghi Sơn - Nho Quan (2 mạch), 14 đường dây 220kV kết nối các nhà máy điện khu vực Tây Bắc Nghệ An như Khe Bố, Bản Vẽ và mua điện từ Lào về Việt Nam, đáp ứng nhu cầu cung cấp điện cho phụ tải các khu công nghiệp, sinh hoạt của nhân dân và phát triển kinh tế khu vực Nghệ An.

Hiện EVNNPT đang triển khai dự án Đường dây 500kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu dài khoảng 225,5 km đi qua địa bàn 3 tỉnh là Quảng Bình, Hà Tĩnh và Nghệ An; trong đó, tuyến đường dây đi trên địa bàn tỉnh Nghệ An dài khoảng 82,33 km, gồm 168 vị trí móng cột.

Tại Dự án đường dây 500kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu (đoạn tuyến trên địa bàn tỉnh Nghệ An) có diện tích đất rừng cần chuyển đổi hơn  25,6 ha; trong đó, rừng thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng là hơn 12,5 ha rừng trồng và rừng trồng sản xuất thuộc thẩm quyền phê duyệt của HĐND tỉnh Nghệ An là gần 11 ha.

Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản gửi Ban chỉ đạo nhà nước các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng; trong đó báo cáo vướng mắc về pháp lý đối với việc sử dụng tạm rừng tự nhiên để làm các công trình tạm phục vụ thi công các dự án tạo nguồn điện và hệ thống truyền tải điện cấp bách.

Đến nay dự án đã kê kiểm 147/168 vị trí móng và đo đạc phần hành lang tuyến 146/168 khoảng cột.

Với dự án Đường dây 500kV Quỳnh Lưu -Thanh Hóa dài khoảng 92 km đi qua địa bàn 2 tỉnh là Nghệ An và Thanh Hóa; trong đó đoạn tuyến đi trên địa bàn tỉnh Nghệ An dài khoảng 17,5 km, gồm 34 vị trí móng cột có diện tích đất rừng cần chuyển đổi gần 9,5 ha, gồm 0,73 ha rừng phòng hộ tự nhiên, hơn 5,5 ha rừng trồng phòng hộ và rừng sản xuất. Đến nay, dự án đã kê kiểm 28/34 vị trí móng; đo đạc phần hành lang tuyến toàn bộ 34 khoảng cột.

Khó khăn, vướng mắc tại 2 dự án này theo ông Phạm Lê Phú là việc chuyển đổi đất sử dụng rừng. Cụ thể, trong quá trình hoàn thiện thiết kế giai đoạn thiết kế kỹ thuật, đơn vị tư vấn chuẩn xác thiết kế móng trụ, kè móng, mương thoát nước phù hợp với địa hình, địa chất, hạn chế diện tích chiếm đất…. Trong đó, diện tích đất rừng thực tế bị ảnh hưởng giảm so với thiết kế cơ sở.

Theo đó, với dự án Đường dây 500kV Quảng Trạch – Quỳnh Lưu, diện tích rừng trồng đặc dụng giảm từ gần 8,6 ha xuống còn khoảng 3,2 ha. Diện tích rừng trồng phòng hộ giảm từ 3,9 ha xuống còn khoảng 2,65 ha. Diện tích rừng trồng sản xuất giảm từ gần 11 ha xuống còn hơn 4,9 ha.

Diện tích rừng tự nhiên Dự án Đường dây 500kV Quỳnh Lưu – Thanh Hóa giảm từ 0,7 ha xuống còn gần 0,5 ha; Diện tích rừng trồng giảm từ 5,54 ha xuống còn khoảng 2,85 ha. Phần diện tích đường tạm rừng tự nhiên và rừng trồng khoảng 3,19 ha vẫn chưa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh trình cấp thẩm quyền xem xét phê duyệt.

Đến nay, dự án đã chuẩn bị chuyển sang giai đoạn thi công nhưng thủ tục liên quan đến việc tạm sử dụng rừng để làm các công trình tạm phục vụ thi công vẫn chưa có hướng dẫn để thực hiện.

Về Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, trên địa bàn huyện Diễn Châu đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch sử dụng đất. Tuy nhiên, qua kiểm tra, ra soát của UBND huyện Diễn Châu và Sở Tài nguyên và Môi trường thì quy hoạch sử dụng đất tại quyết định này chưa phù hợp. Mới đây ngày 10/1/2024, UBND tỉnh Nghệ An đã có Quyết định điều chỉnh vị trí, ranh giới, địa điểm công trình Dự án trong quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 huyện Diễn Châu.  

Nhằm đáp ứng tiến độ cấp bách, hoàn thành đóng điện Dự án vào tháng 6/2024 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tại cuộc họp,  Tổng giám đốc Phạm Lê Phú đề nghị HĐND tỉnh Nghệ An sớm tổ chức họp thông qua chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng phần diện tích rừng thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND tỉnh. UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho phép thực hiện chuẩn xác trong giai đoạn  chuyển mục đích sử dụng rừng nhằm đảm bảo phù hợp với thực tế và tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng thi công dự án.

“UBND, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh hướng dẫn thủ tục để chuyển mục đích sử dụng rừng, khai thác tận dụng đối với diện tích rừng bị tác động đối với phần hạng mục đường tạm phục vụ thi công các móng trụ của các dự án để EVNNPT có cơ sở triển khai thực hiện”, ông Phú nêu ý kiến.

Bên cạnh đó UBND huyện Diễn Châu khẩn trương trình kế hoạch sử dụng đất bổ sung để Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh sớm tham mưu UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch sử dụng đất bổ sung trên địa bàn huyện Diễn Châu để thực hiện dự án trước ngày 15/1 tới.

Ông Phạm Lê Phú đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh thủ tục lập phương án bồi thường phần móng trụ, hành lang tuyến để trình các cấp thẩm định, phê duyệt theo tiến độ thi công. Cho phép tạm ứng chi trả tiền trước cho các tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng và triển khai thi công; Chủ đầu tư có trách nhiệm hoàn thiện các thủ tục về thuê đất, giao đất sau khi hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng.

Bên cạnh đó UBND tỉnh chỉ đạo các sở ngành liên quan khẩn trương rà soát, giải quyết dứt điểm việc chồng lấn, tranh chấp quyền quản lý đất rừng giữa các hộ dân và Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Nghệ An, làm cơ sở cho địa phương xác nhận nguồn gốc sử dụng đất, lập phương án bồi thường, hỗ trợ theo qui định.  

UBND các huyện, thị xã tiếp tục chỉ đạo các địa phương quản lý tốt đất đai tại khu vực đất đã được UBND tỉnh có văn bản thỏa thuận tuyến và có kế hoạch sử dụng đất, tránh việc xây dựng mới nhà cửa, vật kiến trúc và trồng cây cối trong khu vực dự án gây khó khăn trong bồi thường giải phóng mặt bằng. Trong đó, triển khai kê kiểm lập, phê duyệt phương án bồi thường theo từng xã, từng khoảng cột, khoảng néo theo hình thức cuốn chiếu để đảm bảo bàn giao mặt bằng thi công dự án.

Hiện Chủ đầu tư đang thực hiện lựa chọn nhà thầu, dự kiến hoàn thành ký hợp đồng và triển khai thi công đồng loạt từ ngày 15/1/2024. Vì vậy EVNNPT kiến nghị các địa phương hỗ trợ phối hợp Chủ đầu tư áp giá tạm vận động người dân cho phép ứng tiền trả trước để bàn giao mặt bằng các vị trí móng trụ cho đơn vị thi công triển khai ngay sau khi ký hợp đồng nhằm đảm bảo tiến độ dự án.

Cũng tại cuộc họp, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc EVN cho biết, năm nay, Tập đoàn sẽ bám sát tình hình phụ tải của các địa phương, không để tình trạng thiếu nguồn xảy ra. Với các kiến nghị tại cuộc họp này, EVN sẽ giao các đơn vị chức năng của Tập đoàn, EVNNPT tiếp tục phối hợp chặt chẽ với tỉnh Nghệ An để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng, chuyển đổi đất rừng khi triển khai các công trình điện trên địa bàn.

Về tình hình cung cấp điện trên địa bàn, Giám đốc Công ty Điện lực Nghệ An Bành Hồng Hiển cho biết, Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước; trong đó, miền núi chiếm tới 83% diện tích lãnh thổ. Sản lượng điện thương phẩm trên địa bàn Nghệ An trong năm 2023 đạt hơn 4,6 tỷ  kWh, tăng 9,1% so với năm 2022, là một trong những tỉnh có mức tăng trưởng điện cao trong 27  tỉnh miền Bắc thuộc Tổng Công ty Điện lực miền Bắc quản lý. Năm 2024, Công ty Điện lực Nghệ An đặt mục tiêu đạt sản lượng điện thương phẩm hơn 5,9 tỷ kWh, tăng 28,3% so với năm trước.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục