Gỡ vướng mắc trong Chính sách phát triển lĩnh vực thoát nước

18:30' - 01/08/2019
BNEWS Ngày 1/8/2019, tại Hà Nội, Hội Cấp thoát nước Việt Nam (VWSA) và Hội hợp tác ngành nước Đức (GWP) phối hợp tổ chức Diễn đàn về Chính sách phát triển lĩnh vực thoát nước và giá dịch vụ thoát nước.

Trong khuôn khổ Dự án hợp tác hiệp hội Đức - Việt nhằm nâng cao năng lực ngành Nước Việt Nam (DEVIWAS), ngày 1/8/2019, tại Hà Nội, Hội Cấp thoát nước Việt Nam (VWSA) và Hội hợp tác ngành nước Đức (GWP) phối hợp tổ chức Diễn đàn về Chính sách phát triển lĩnh vực thoát nước và giá dịch vụ thoát nước.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hồng Tiến, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VWSA cho biết: Trong nhiều năm qua, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương của Việt Nam rất quan tâm đến vấn đề thoát nước và xử lý nước thải.

Trong đó, các văn bản Luật có liên quan đã được ban hành như Luật Bảo vệ môi trường 2014; Luật Tài nguyên nước 2012; Luật Xây dựng 2014…

Để hướng dẫn Luật, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị số 80/2014 quy định quản lý khá toàn diện về thoát nước và xử lý nước thải, mới đây là Nghị định số 40/2019 về hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường 2014 và sửa đổi một số điều trong các Nghị định này...

Ngoài ra, kế thừa quy định về phí thoát nước tại Nghị định 88/2007, giá dịch vụ thoát nước được quy định tại Nghị định 80/2014 phù hợp với Luật phí và lệ phí, phù hợp với xu hướng thế giới.

Đến nay, khoảng 20 địa phương đã ban hành giá dịch vụ thoát nước theo Thông tư 02/2015 của Bộ Xây dựng và đang triển khai thực hiện.

Trong quá trình thực hiện, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 13/2018 sửa đổi Thông tư 02/2015.

Tuy vậy, trong quá trình tổ chức thực hiện còn nhiều bất cập. Việc ban hành Thông tư 13/2018 đã có những khó khăn nhất định cho các địa phương; ngân sách hàng năm cho công tác quản lý vận hành hệ thống thoát nước còn hạn chế, chỉ đáp ứng mức tối thiểu cho công tác duy tu, sửa chữa thường xuyên; đầu tư cho hệ thống thoát nước chưa được quan tâm đúng mức, nhiều chính sách ưu đãi khó khả thi; nhiều quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức dự toán lạc hậu chậm sửa đổi…

Xuất phát từ những bất cập trên, Diễn đàn là dịp để các đại biểu đến từ các cơ quan ngoại giao và đối tác quốc tế của VWSA, đại diện các cơ quan Trung ương, các sở, ban, ngành trực thuộc UBND các tỉnh, thành phố hay các nhà tư vấn, quản lý đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ, giúp các doanh nghiệp tiếp tục phát triển.

Tại Diễn đàn, các đại biểu được nghe một số tham luận, nội dung chủ yếu xoay quanh vấn đề về: Các chính sách phát triển ngành Thoát nước và Giá dịch vụ thoát nước - những vấn đề đặt ra trong quá trình thực hiện; giới thiệu nội dung cơ bản của Thông tư 13/2018/TT-BXD ngày 27/12/2018 về hướng dẫn phương pháp định giá dịch vụ thoát nước; xác định và triển khai giá dịch vụ thoát nước tại một số tỉnh, thành phố của Việt Nam - thuận lợi và những hạn chế; kinh nghiệm của Đức về định giá dịch vụ thoát nước; chính sách mới của Nhật Bản về thoát nước và xử lý nước thải....

Chia sẻ về chính sách mới của Nhật Bản về thoát nước và xử lý nước thải, ông Makoto Ibaraki, JICA Việt Nam, Cố vấn Chính sách Thoát nước tại Bộ Xây dựng, cho rằng: Xuất phát từ bối cảnh kinh tế - xã hội, trong 15 năm gần đây, trọng tâm các chính sách về quản lý thoát nước và xử lý nước thải tại Nhật Bản đã được chuyển từ “xây dựng cơ sở vật chất” sang “theo đuổi tính bền vững”.

Trong đó, Chính phủ Nhật Bản trợ cấp chính quyền địa phương để kiểm tra và bảo dưỡng dựa trên “Kế hoạch quản lý tài sản của địa phương”; đồng thời chỉ đạo và đầu tư cho Nghiên cứu và phát triển các công nghệ như (kiểm tra hiệu quả, tiết kiệm năng lượng và phục hồi tài nguyên).

Chính phủ bắt đầu xây dựng các tiêu chuẩn về tiêu thụ năng lượng và hiệu suất đối với các công trình để khuyến khích và hướng dẫn chính quyền địa phương lắp đặt các thiết bị tốt hơn; ban hành một số hướng dẫn thúc đẩy quan hệ đối tác công tư (PPP); trợ cấp chính quyền địa phương để nghiên cứu và chuẩn bị các dự án PPP.

Ngoài ra, Chính phủ cũng khuyến khích và hỗ trợ các địa phương ứng dụng Kế toán doanh nghiệp thông qua lập “bảng cân đối tài chính” và “báo cáo lãi lỗ” của hoạt động kinh doanh thoát nước, xử lý nước thải nhằm thiết lập điều kiện kinh doanh nước thải ngày càng minh bạch hơn.

Tại Diễn đàn, đại diện các doanh nghiệp thoát nước Việt Nam như: Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Thoát nước Hải Phòng, Công ty Cổ phần Nước Môi trường Bình Dương... cũng đã thảo luận về những thuận lợi và vướng mắc trong quá trình triển khai giá dịch vụ thoát nước; đồng thời đưa ra kiến nghị đến các bộ, ngành liên quan xem xét các nội dung quy định của Thông tư 13/2018/TT-BXD sao cho phù hợp với điều kiện hoạt động thoát nước, đảm bảo tính đúng, tính đủ khi xây dựng đơn giá nhằm giúp các doanh nghiệp có đủ kinh phí trang trải, hoạt động hiệu quả, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục