Gỡ vướng trong quy định về báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đầu tư

19:03' - 12/07/2018
BNEWS Để giải quyết tình hình trước mắt, dự án nào thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật nào sẽ làm theo Luật đó về quy định liên quan đến Báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án đầu tư.
Toàn cảnh phiên họp chiều 12/7. Ảnh: Dương Giang – TTXVN

Tiếp tục Phiên họp thứ 25, chiều 12/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc thực hiện một số quy định của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công và Luật Bảo vệ môi trường liên quan đến báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đầu tư.

Theo Tờ trình của Chính phủ, hiện nay đang có cách hiểu khác nhau về việc áp dụng các quy định của pháp luật về thời điểm quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường giữa các luật gồm Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công và Luật Bảo vệ môi trường.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chuẩn bị dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường và các luật khác có liên quan, trong đó đã quy định xử lý những vướng mắc, đảm bảo các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường thống nhất với quy định pháp luật về đầu tư. Theo kế hoạch, Chính phủ dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua trong năm 2019.

Trong thời gian chờ sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Bảo vệ môi trường và các luật khác có liên quan, Chính phủ kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho chủ trương giải thích việc áp dụng luật. Cụ thể, áp dụng quy định về thời điểm quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường theo Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công.

Theo đó, không yêu cầu nhà đầu tư phải có quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường tại thời điểm quyết định chủ trương đầu tư, phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi theo quy định của Điều 25 Luật Bảo vệ môi trường mà chỉ cần có đánh giá sơ bộ tác động môi trường, các giải pháp bảo vệ môi trường như quy định tại điểm c khoản 1 Điều 34 và điểm c khoản 1 Điều 35 Luật Đầu tư; phân tích, đánh giá sơ bộ những ảnh hưởng, tác động về môi trường như quy định tại khoản 6 Điều 34 và điểm g khoản 2 Điều 35 Luật Đầu tư công.

Chính phủ kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép Chính phủ quy định nội dung đánh giá tác động môi trường sơ bộ trong Nghị định sửa đổi, bổ sung các Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường.

Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, về việc Chính phủ kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho chủ trương giải thích việc áp dụng pháp luật, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy, đây không phải là trường hợp có cách hiểu khác nhau trong việc thi hành luật, mà là có quy định khác nhau giữa các luật.

Việc giải thích luật phải không được sửa đổi, bổ sung hoặc đặt ra quy định mới. Do đó, việc Chính phủ kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích việc áp dụng pháp luật là không phù hợp, không đủ căn cứ pháp lý để thực hiện.

Về việc Chính phủ kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép Chính phủ quy định nội dung đánh giá tác động môi trường sơ bộ trong Nghị định sửa đổi, bổ sung các Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường, Thường trực Ủy ban Kinh tế chỉ rõ, Luật Bảo vệ môi trường được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 23/6/2014 và có hiệu lực từ 1/1/2015 chỉ quy định về nội dung đánh giá tác động môi trường mà không có quy định về nội dung đánh giá tác động môi trường sơ bộ cũng như không có quy định về việc Chính phủ sẽ hướng dẫn chi tiết về nội dung đánh giá tác động môi trường sơ bộ. Do đó, không có cơ sở pháp lý để Chính phủ quy định nội dung đánh giá tác động môi trường sơ bộ trong các Nghị định hướng dẫn của Chính phủ.

Như vậy, việc Chính phủ kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép Chính phủ quy định nội dung đánh giá tác động môi trường sơ bộ trong Nghị định sửa đổi, bổ sung các Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường là không phù hợp.

Để đáp ứng yêu cầu thực tế cấp thiết cần có giải pháp kịp thời tháo gỡ các vướng mắc của quy định pháp luật về thời điểm quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường giữa Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công và Luật Bảo vệ môi trường nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công hiện nay, Thường trực Ủy ban Kinh tế kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội hai phương án.

Phương án 1, đề nghị Chính phủ chuẩn bị và bổ sung đưa vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2018 dự án Luật sửa đổi, bổ sung về nội dung liên quan đến đánh giá tác động môi trường tại Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công và Luật Bảo vệ môi trường theo trình tự, thủ tục rút gọn tại 1 kỳ họp, cụ thể trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2018).

Việc sửa đổi, bổ sung các nội dung khác tại Luật Bảo vệ môi trường sẽ được Quốc hội xem xét, cho ý kiến theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.

Phương án 2 đề nghị Chính phủ bổ sung nội dung sửa đổi các nội dung liên quan đến đánh giá tác động môi trường tại Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công và Luật Bảo vệ môi trường tại dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công (hiện nay dự kiến đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018).

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành với phương án 1.

Thảo luận tại phiên họp, nhiều ý kiến đánh giá hồ sơ của Chính phủ trình còn đơn giản, nhiều điều luật trích dẫn chưa đầy đủ, nội dung thể hiện còn sơ sài, thời gian trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quá chậm, chưa thể hiện rõ tính bức xúc, cấp thiết của vấn đề. Bên cạnh đó, việc sửa luật để giải quyết vấn đề này sẽ mất nhiều thời gian.

Do vậy, để giải quyết tình hình trước mắt, dự án nào thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật nào sẽ làm theo Luật đó về quy định liên quan đến Báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án đầu tư.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Chính phủ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Kinh tế , Ủy ban Pháp luật để hoàn thiện, bổ sung lại hồ sơ và dự thảo Nghị định, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp vào tháng 8/2018./.

>>> Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Khung chính sách Dự án cầu Cửa Hội

>>> Hà Nội triển khai đầu tư xây dựng 55 dự án, công trình trọng điểm

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục