Gỡ vướng về chuyển đổi đất rừng, nguồn vật liệu tại cao tốc Hoài Nhơn - Quy Nhơn

13:55' - 25/05/2023
BNEWS Sau 5 tháng khởi công gói thầu đầu tiên 11-XL, nhà thầu thi công cao tốc Hoài Nhơn - Quy Nhơn vẫn đang gặp khó khăn về mặt bằng, vướng mắc về đất rừng, bãi đổ thải chưa được giải quyết.

Cao tốc  Hoài Nhơn - Quy Nhơn một trong 12 dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 (giai đoạn 2) dài hơn 70 km đi các địa phương gồm thị xã Hoài Nhơn, huyện Hoài Ân, huyện Phù Mỹ, huyện Phù Cát, huyện Tây Sơn và thị xã An Nhơn của tỉnh Bình Định.

Sau 5 tháng khởi công gói thầu đầu tiên, nhà thầu thi công đang gặp khó khăn về mặt bằng, vướng mắc về đất rừng, bãi đổ thải chưa được giải quyết.

 

Là đơn vị triển khai gói thầu đầu tiên từ ngày 1/1/2023, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Binh đoàn 12 cho biết, đến nay đơn vị đã huy động hàng trăm cán bộ, kỹ sư, công nhân cùng máy móc, thiết bị, phương tiện chia làm 14 mũi thi công để thi công các hạng mục như cầu cống, đường, đường công vụ…tại gói thầu số 11 (11-XL). Tuy nhiên, trong quá trình triển khai nhà thầu gặp nhiều vướng mắc.


Mặc dù các địa phương của tỉnh Bình Định đã giao đơn vị thi công diện tích giải phóng mặt bằng đạt 83%, nhưng trong số này mặt bằng có thể tiếp cận có thể thi công chỉ chiếm 64%. Đáng chú ý mặt bằng được bàn giao chủ yếu là đất ruộng, còn các vị trí đồi cao cần lấy đất để san lấp cho tuyến chính chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng dẫn đến không thể thi công một cách đồng bộ.

Cụ thể về đất rừng, đại diện Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn cho hay, phần diện tích đoạn tuyến từ km18+650-km20+970 với khoảng 2,32km thuộc xã Ân Tường Đông đi qua rừng phòng hộ, sau khi UBND huyện Hoài Ân tiến hành kiểm đếm, xác nhận diện tích rừng phòng hộ trên thực địa thì lớn hơn diện tích đã có chủ trương chuyển mục đích sử dụng tại Nghị quyết số 273/NQ-UTVQH15 (toàn bộ khối lượng đất đá, nổ phá đá hạ nền đường đoạn tuyến trên được tận dụng để điều phối đắp cho toàn tuyến và tận dụng để xay làm vật liệu phục vụ cho thi công phần kết cấu móng đường toàn gói thầu).

Hiện nay, UBND huyện Hoài Ân đang triển khai tận thu trong phạm vi diện tích đất rừng đúng theo Nghị quyết 273/NQ-UTVQH15 với ranh giới theo ranh giải phóng mặt bằng. Phần diện tích lớn hơn diện tích đã có chủ trương chuyển mục đích sử dụng thì phải chờ UBND tỉnh Bình Định trình thông qua Quốc hội. Vì vậy nhà thầu chưa thể triển khai thi công đồng bộ việc đào hạ nền và bạt mái taluy để tận dụng toàn bộ khối lượng đất đá điều phối đắp nền đường cho toàn tuyến. 

Bên cạnh đó, các bãi đổ thải chưa được triển khai nên không có vị trí thích hợp đổ thải. Đơn vị thi công tạm thời tập kết đất không thích hợp san lấp ra 2 bên tuyến, gây vướng mặt bằng thi công.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Chỉ huy Trưởng phụ trách thi công dự án thành phần đoạn Hoài Nhơn - Quy Nhơn cho hay, các vướng mắc về vật liệu san lấp đang làm chậm tiến độ công trình. Trữ lượng cát được tỉnh Bình Định cấp cho các doanh nghiệp tư nhân từ 6.000 - 7.000m3/năm, thời gian cấp phép trong vòng 2 năm, nên trữ lượng cát để phục vụ cho dự án tại địa bàn là không đảm bảo.

Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án 85-Bộ Giao thông Vận tải (chủ đầu tư), đến thời điểm này, gói thầu 11-XL và 12- XL đã huy động 246 đầu thiết bị với tổng 598 cán bộ, kỹ sư, công nhân, lái máy. Toàn gói thầu dài 47 km được liên danh bố trí 32 mũi thi công; trong  đó, có 10 mũi thi công cầu, 14 mũi thi công đường, 3 mũi thi công cống, hầm chui).

Tại gói thầu số 12 (12-XL) do liên danh  Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải, Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Lộc, Tổng công ty xây dựng Công trình giao thông  8, Tập đoàn Trường Thịnh, Công ty cổ phần 471 thi công. Ghi nhận của phóng viên trên công trường, liên danh đã triển khai máy móc, thiết bị thi công rầm rộ trên toàn tuyến.

Đại diện nhà thầu Tập đoàn Sơn Hải (đứng đầu liên danh gói thầu 12-XL) cho biết, gói thầu mới được triển khai từ ngày 1/3 vừa qua, vì vậy mà khối lượng công việc đạt được chưa nhiều. Các nhà thầu chủ yếu vẫn tập trung cho việc bóc đất hữu cơ, phát quang. Một số đoạn tuyến được bàn giao sớ mặt bằng, nhà thầu đã huy động nhiều thiết bị máy móc để tiến hành đào đắp.

Tại gói thầu diện tích mặt bằng được bàn giao vẫn bị “xôi đỗ”,  ngoài ra trên tuyến còn vướng các công trình hạ tầng. Điều này gây khó khăn cho nhà thầu trong việc triển dự án.

Đại diện Ban Quản lý dự án 85-Bộ Giao thông Vận tải (chủ đầu tư) cho hay, nguồn vật liệu tại mỏ trên địa bàn tỉnh Bình Định không thiếu, tuy nhiên thủ tục để cấp phép, lấy đất về công trình còn nhiều vướng mắc. Vật liệu đắp có 2 nguồn đó là: nguồn điều phối, hiện đang được tận dụng tối đa. Còn vật liệu khai thác tại mỏ trên địa bàn tỉnh thì không thiếu, nhưng các thủ tục để cấp phép, lấy đất về công trình còn đang vướng. Ban Quản lý cũng đã làm việc với UBND tỉnh, đồng thời phối hợp cùng với địa phương để hỗ trợ nhà thầu trong việc cấp phép mỏ vật liệu.

Để có thể sớm tháo gỡ các vướng mắc, đảm bảo tiến độ dự án, Ban Quản lý dự án 85 kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường để báo cáo Chính phủ bổ sung phần diện tích đất rừng, đất trồng lúa đã được UBND tỉnh Bình Định kiến nghị tại Văn bản số 2439/UBND-KT ngày 20/4/2023.


Về chuyển đổi rừng sang mục đích khác, Ban Quản  lý dự án 85 kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo đơn vị chuyên môn khẩn trương tổ chức cập nhật hồ sơ chuyển mục đích sử dụng cho phạm vi mỏ vật liệu, bãi thải. Đặc biệt, đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường có hướng dẫn chính thức về việc thu hồi đất rừng, đất lúa để thực hiện giải phóng mặt bằng các hạng mục mỏ vật liệu đất thông thường, bãi thải.

Cùng với đó, Ban Quản lý dự án 85 kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải có văn bản đề nghị địa phương đẩy nhanh thực hiện xây dựng các khu tái định cư và di dời hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Song song với đó là đề nghị UBND tỉnh Bình Định sớm có báo cáo Chính phủ cho phép nâng công suất khai thác mỏ cát để phục vụ dự án.


Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, tổng diện tích chuyển đổi mục đích sử dụng rừng của dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 khoảng 1.404 ha, tăng gần 350 ha so với Nghị quyết số 273/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chủ trương chuyển đất rừng dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông. Trong đó, riêng tại Bình Định tăng hơn 63 ha nằm ở 3 dự án thành phần, riêng đoạn Hoài Nhơn – Quy Nhơn tăng gần 32 ha.

Dự án thành phần cao tốc Hoài Nhơn – Quy Nhơn có tổng mức đầu tư hơn 12.401 tỷ đồng do Ban Quản lý dự án 85 làm chủ đầu tư. Dự án có điểm đầu tiếp nối với cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn và điểm cuối kết nối với cao tốc Quy Nhơn – Chí Thạnh. Dự án án có quy mô giai đoạn hoàn chỉnh thiết kế là đường cao tốc với vận tốc thiết kế 120 km/h, quy mô 6 làn xe, bề rộng nền đường 32,25 m; giai đoạn phân kỳ đầu tư với quy mô 4 làn xe hạn chế, bề rộng nền đường 17 m. Theo hợp đồng ký kết, nhà thầu sẽ phải hoàn thành dự án vào ngày  31/12/2025.

Tại tỉnh Bình Định, đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 (giai đoạn 1) qua địa phận tỉnh Bình Định có chiều dài khoảng 118,8km, với 3 dự án thành phần gồm: Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hoài Nhơn - Quy Nhơn và Quy Nhơn - Chí Thạnh. Các dự án này hiện cũng đang gặp khó khăn về giải phóng mặt bằng, xây dựng khu tái định cư…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục