Google bị khiếu nại tại Pháp do vi phạm luật bản quyền

18:24' - 24/10/2019
BNEWS Liên minh báo chí APIG của Pháp cho biết sẽ khiếu nai lên cơ quan quản lý cạnh tranh trong nước về việc “đại gia” công nghệ Google của Mỹ từ chối trả tiền cho các công ty truyền thông địa phương.
Biểu tượng Google tại Menlo Park, California, Mỹ. Ảnh: AFP/ TTXVN

Ngày 24/10, liên minh báo chí APIG của Pháp cho biết sẽ khiếu nai lên cơ quan quản lý cạnh tranh trong nước về việc “đại gia” công nghệ Google của Mỹ từ chối trả tiền cho các công ty truyền thông địa phương nhưng lại hiển thị nội dung của họ trên kết quả tìm kiếm, đi ngược lại luật bản quyền mới của Liên minh châu Âu (EU).

Liên minh APIG, quy tụ hàng chục tờ báo địa phương, quốc gia và khu vực, cho biết cũng sẽ gây sức ép để Chính phủ Pháp có hành động chống lại Google.

Hãng thông tấn Agence France-Presse (AFP), không thuộc APIG, tuyên bố đang chuẩn bị một đơn khiếu nại riêng.

Pháp trở thành nước châu Âu đầu tiên phê chuẩn luật cải cách bản quyền của EU được thông qua đầu năm nay.

Luật mới nhằm đảm bảo rằng các công ty truyền thông được thanh toán nhuận bút cho các nội dung gốc được hiển thị trên Google, Facebook và các đại gia công nghệ khác đang chiếm ưu thế trên thị trường quảng cáo mạng.

Quy định mới tạo ra "các quyền kề cận" để bảo vệ bản quyền - và trả tiền nhuận bút - cho các công ty truyền thông khi nội dung của họ được sử dụng trên các trang mạng khác như các công cụ tìm kiếm.

Tuy nhiên, Google cho biết các bài viết, ảnh và video sẽ chỉ hiển thị trên kết quả tìm kiếm khi các công ty truyền thông đồng ý cho phép Google sử dụng miễn phí nội dung đó.

Nếu các công ty này từ chối, chỉ tiêu đề hoặc một đường link dẫn tới nội dung của họ được hiển thị trên kết quả tìm kiếm, và điều này sẽ khiến thông tin đó không còn nổi bật và khiến các tòa soạn mất doanh thu quảng cáo tiềm năng.

Trước đó, hàng trăm nhà báo cũng hối thúc giới chức châu Âu có biện pháp ngăn chặn Google.

Khoảng 800 nhà báo, phóng viên ảnh, nhà sản xuất phim và các giám đốc điều hành hãng truyền thông đã cùng ký tên vào một thư ngỏ đăng trên nhiều tờ báo khắp châu Âu, hối thúc các chính phủ đảm bảo Google và những công ty công nghệ khác tuân thủ luật mới của EU quy định về bản quyền./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục