Góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi)

22:04' - 10/04/2017
BNEWS Ngày 10/4, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long tổ chức hội nghị đóng góp ý kiến dự thảo Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) và dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi).
Góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi). Ảnh minh họa: TTXVN

Đối với dự thảo Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi), các đại biểu cho rằng, dự thảo có nhiều điểm mới, điều chỉnh sát với thực tế xã hội và cuộc sống; tuy nhiên vẫn còn một số vấn đề cần bổ sung để hoàn thiện hơn. Góp ý về việc hạn chế chuyển giao công nghệ cũ, lạc hậu, các đại biểu đề nghị cần định nghĩa cụ thể thế nào là máy móc, thiết bị cũ, bởi hiện nay tình trạng nhập công nghệ đã qua sử dụng của nước ngoài còn khá phổ biến.

Bên cạnh đó, không nên có điều Luật quy định về nội dung các công nghệ hạn chế chuyển giao (Điều 10), nên quy định cụ thể loại công nghệ được và không được chuyển giao, nhằm tránh trường hợp các đơn vị lợi dụng kẽ hở của luật để nhập, chuyển giao các công nghệ kém chất lượng, ảnh hưởng xấu đến môi trường và sức khỏe con người…

Tại Điều 18 quy định về kiểm tra, giám sát công nghệ trong dự án đầu tư, các đại biểu đề nghị cần xem xét vấn đề khi có vi phạm về ứng dụng, chuyển giao công nghệ trong quá trình triển khai, cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm. Hiện cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ chịu trách nhiệm trong việc thẩm định công nghệ, còn việc theo dõi triển khai quá trình thực hiện dự án đầu tư thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư.

Đóng góp ý kiến tại Điều 24 về các trường hợp chuyển giao công nghệ phải được kiểm toán về giá công nghệ chuyển giao và thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế và giá, nhiều đại biểu cho rằng, trên thực tế việc kiểm toán giá công nghệ rất khó khăn, nhất là các công nghệ mới; việc kiểm toán cần nhiều thời gian, chi phí và đơn vị đủ năng lực thực hiện kiểm toán do đó cần xem xét tìm phương án phù hợp.

Đối với dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi), các đại biểu đề nghị ban soạn thảo cần xem xét, bổ sung các điều khoản quy định cụ thể, ràng buộc hơn về vệ sinh môi trường trong hoạt động đường sắt, bởi đây là vấn đề bức xúc thời gian qua.

Các quy định trong dự thảo Luật chỉ nêu chung chung nội dung quản lý hoạt động đường sắt, ngoài ra không có quy định nào khác được thể hiện nhằm tăng cường quản lý vấn đề này. Góp ý về quy định tại khoản 9 và khoản 10 Điều 9 về các hành vi bị nghiêm cấm, các đại biểu đề xuất cần thay đổi cách liệt kê quá cụ thể, chi tiết các hành vi vi phạm như: Đi, đứng, nằm, ngồi trên nóc toa xe; đi, đứng, nằm, ngồi trên đường sắt… Điều này dễ dẫn đến không thể liệt kê đầy đủ, bao quát tất cả các hành vi nguy hiểm cần nghiêm cấm.

Ngoài ra, các đại biểu nêu rõ: Thời gian qua số vụ tai nạn giao thông đường sắt ngày càng gia tăng, mức độ nguy hiểm ngày càng nghiêm trọng, đa số xảy ra tại các điểm giao cắt giữa đường bộ với đường sắt, đường ngang dân sinh không đúng quy định pháp luật… Do đó, dự thảo Luật cần có quy định cụ thể trong quy hoạch đấu nối, xây dựng hạ tầng… nhằm hạn chế tai nạn.

Đề nghị cần nghiên cứu lại quy định về việc người đứng đầu các địa phương nơi có đường sắt đi qua phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra các vụ tai nạn giao thông đường sắt xảy ra trên địa bàn mình quản lý, các đại biểu phân tích: Cần xem xét lỗi do khách quan hay chủ quan, phải loại trừ các trường hợp do tài xế tàu ngủ quên hay gặp sự cố trong quá trình điều khiển tàu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục