Grab – “Chú kỳ lân khởi nghiệp” của Đông Nam Á

07:13' - 16/09/2019
BNEWS Cho đến nay, Grab vẫn luôn được coi là một trong “chú kỳ lân khởi nghiệp” thành công nhất ở Đông Nam Á.
Grab là một trong những doanh nghiệp được đánh giá là hình mẫu đi đầu trong việc tận dụng nền tảng kỹ thuật số để tạo ra lợi nhuận. Ảnh: AFP/ TTXVN

Bất chấp sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ như Uber Technologies, Inc. (Mỹ) hay Easy Taxi (Brazil) trong lĩnh vực công nghệ đặt xe, Grab đã vươn lên vị trí dẫn đầu khu vực này nhờ am hiểu thị trường địa phương và phát triển các giải pháp không theo khuôn mẫu.

Grab là một ứng dụng gọi xe do Anthony Tan và Tan Hooi Ling sáng lập năm 2012 tại Malaysia với tên gọi ban đầu MyTeksi.

Đến tháng 8/2013, công ty khởi nghiệp này đổ bộ vào thị trường Philippines dưới tên GrabTaxi.

Năm 2014, GrabTaxi chuyển trụ sở chính sang Singapore. Đầu năm 2016, công ty đổi tên thành Grab.

Ra đời sau Uber 3 năm, ngay từ đầu Grab đã bị xem là “bản sao” của start-up do Travis Kalanick sáng lập. Xét về cả kinh nghiệm và giá trị công ty, Grab đều được xếp ở “chiếu dưới”.

Thế nhưng nhờ những chiến lược riêng của mình, Grab đã khiến Uber bị tụt lại phía sau trong cuộc đua chiếm lĩnh thị phần.

Thương vụ thâu tóm mảng kinh doanh của Uber Đông Nam Á năm 2018 đánh dấu thắng lợi của Anthony và Grab tại thị trường hơn 660 triệu dân này.

Không những vậy, Grab là một trong những doanh nghiệp được đánh giá là hình mẫu đi đầu trong việc tận dụng nền tảng kỹ thuật số để tạo ra lợi nhuận.

Trong cuộc cạnh tranh gay gắt với đối thủ đến từ Indonesia là Gojek để trở thành siêu ứng dụng ở khu vực Đông Nam Á, Grab đã thông báo sẽ đầu tư 150 triệu USD để nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo (AI) và thuê thêm nhiều kỹ sư trong năm tới để thúc đẩy hoạt động kinh doanh đang mở rộng hiện nay, trong đó gồm giao đồ ăn, thanh toán kỹ thuật số và nội dung số..

Theo nhà đồng sáng lập Tan Hooi Ling, kế hoạch này sẽ được triển khai với khoản kinh phí 100 triệu USD mà công ty dùng để đầu tư vào công nghệ với mục tiêu cải thiện công nghệ phòng chống gian lận và xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP).

Grab sẽ hợp tác với Tập đoàn Microsoft để cung cấp công nghệ NLP tốt hơn và giúp người dùng ở các thị trường khác nhau tiếp cận với các dịch vụ của hãng.

Grab đã huy động được hơn 4,5 tỷ USD từ những ông lớn đầu tư như quỹ Vision Fund của Tập đoàn SoftBank (Nhật Bản) và Tập đoàn Tencent (Trung Quốc).

Theo một số nguồn tin, Grab đang tuyển dụng hàng nghìn nhân viên và thành lập các trung tâm nghiên cứu mới từ Bắc Kinh đến Seattle.

Đội ngũ kỹ sư trên toàn cầu của Grab hiện vào khoảng 2.000 người, trong đó có 300 người làm việc trong các lĩnh vực liên quan đến AI.

Không chỉ tạo ra lợi nhuận cho riêng công ty, Grab còn đang góp phần mang lại lợi ích to lớn cho nền kinh tế và người tiêu dùng tại các nước mà công ty hiện diện.

Mới đây, tại Singapore, Grab đã công bố kế hoạch đầu tư thêm 500 triệu USD vào Việt Nam trong vòng 5 năm tới để phát triển các giải pháp công nghệ tài chính, công nghệ di động mới và logistics, với mục tiêu tiếp tục đóng góp tích cực cho sự phát triển nền kinh tế số của Việt Nam, tạo ra hàng triệu cơ hội tăng thêm thu nhập và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân Việt Nam.

Ông Russell Cohen, Giám đốc Điều hành khu vực Đông Nam Á của Grab, cho biết khoản đầu tư này thể hiện cam kết chặt chẽ và sâu rộng của Grab cho thị trường Việt Nam.

Nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng cùng với số lượng người trẻ quen dùng điện thoại thông minh ngày càng gia tăng là những điều kiện chín muồi giúp Việt Nam dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ kỹ thuật số.

Kể từ khi hoạt động tại Việt Nam vào năm 2014, đến nay Grab đã trở thành siêu ứng dụng dẫn đầu trên thị trường và là lựa chọn hàng đầu của người dân cho các dịch vụ giao nhận thức ăn và kết nối di chuyển.

Hồi tháng 7/2019, tại một hội thảo bàn về những đóng góp của Grab đối với nền kinh tế Indonesia trong những năm qua, Trưởng phòng Nghiên cứu Kinh tế thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Indonesia (CSIS) Yose Rizal nhận xét khi nói đến vai trò của nền kinh tế kỹ thuật số tại Indonesia, người ta sẽ liên tưởng ngay đến Grab.

Chỉ tính riêng năm 2018, Grab đã đóng góp cho nền kinh tế Indonesia 48.900 tỷ rupiah (3,5 tỷ USD).

Không chỉ có vậy, Grab đã tạo ra cơ hội việc làm và nguồn thu nhập ổn định cho khoảng 300.000 lao động có nguy cơ thất nghiệp tại Indonesia.

Đến nay, sau 7 năm thành lập, Grab có mặt tại 8 nước Đông Nam Á. “Chú kỳ lân khởi nghiệp” này, một thuật ngữ để chỉ công ty khởi nghiệp có mức định giá 1 tỷ USD trở lên, đã được định giá 14 tỷ USD theo CB Insights, và đang trên đà đạt hay thậm chí vượt mức dự báo doanh thu 2 tỷ USD trong năm nay./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục