Hà Nam phát triển nông sản sạch làm vệ tinh

18:47' - 21/06/2019
BNEWS Chiều 21/6, UBND tỉnh Hà Nam tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch sản xuất nông sản sạch làm vệ tinh, liên kết chuỗi với các cơ sở, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm giai đoạn 2018-2019.
 Người dân chọn mua thực phẩm tại cửa hàng nông sản an toàn. Ảnh: Thùy Dung - TTXVN

Theo ông Ngô Mạnh Ngọc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nam, kế hoạch sản xuất nông sản sạch làm vệ tinh liên kết với các cơ sở, doanh nghiệp thông qua hợp đồng đã được triển khai sâu rộng, các cơ quan chức năng và các huyện, thành phố đã tích cực hỗ trợ các các hộ nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã trong việc sản xuất, xây dựng nhãn hiệu sản xuất và tiêu thụ nông sản.

Đến nay, toàn tỉnh có 81/98 xã đã tổ chức tích tụ, tập trung đất đai được trên 1.650 ha, đạt 110,5% kế hoạch, xây dựng được 151 mô hình sản xuất lúa, rau, củ, quả, hoa, cây dược liệu, cây ăn quả tham gia chuỗi liên kết sản xuất nông sản sạch; trong đó, có 33 mô hình có quy mô từ 3 ha/mô hình trở lên.

Về liên kết tiêu thụ sản phẩm, các cơ sở sản xuất đã ký hợp đồng tiêu thụ với các siêu thị, doanh nghiệp và bếp ăn tập thể. Bên cạnh đó, toàn tỉnh đã xây dựng được 24 cửa hàng giới thiệu, bán sản phẩm nông sản an toàn. Các mô hình liên kết sản phẩm sản xuất ra được bao tiêu toàn bộ, giá bán ổn định theo hợp đồng kinh tế đã ký kết, giá trị sản xuất cao hơn so với sản xuất truyền thống từ 20% trở lên.

Tại hội nghị, đại diện các Sở, ngành, địa phương đã tập trung thảo luận về các tồn tại, khó khăn trong quá trình thực hiện kế hoạch sản xuất nông sản sạch làm vệ tinh, liên kết chuỗi với các cơ sở, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, đồng thời đưa ra các giải pháp để thực hiện hiệu quả kế hoạch trong thời gian tới.

Theo đó, các Sở, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống thông tin đại chúng chủ trương chính sách của tỉnh về tích tụ ruộng đất để sản xuất nông sản sạch làm vệ tinh, liên kết sản xuất với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm; hướng dẫn các chủ mô hình xây dựng dự án, tham quan học tập các mô hình sản xuất đạt hiệu quả cao, hỗ trợ tham tham gia hội chợ, triển lãm giới thiệu sản phẩm nông sản trong và ngoài tỉnh, ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản sạch. Ngoài cơ chế hỗ trợ của tỉnh, các địa phương xây dựng kế hoạch và ban hành cơ chế hỗ trợ phù hợp với điều kiện của địa phương để người sản xuất thực hiện đạt hiệu quả.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ và UBND các huyện, thành phố hướng dẫn các hộ dân, tổ hợp tác và hợp tác xã xây dựng nhãn hiệu sản phẩm, in tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm; cùng với các Sở, ngành liên quan và UBND các huyện hướng dẫn các chủ mô hình xây dựng dự án, tổ chức nghiệm thu, hỗ trợ cho các nhóm hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã thực hiện tích tụ ruộng đất sản xuất nông nghiệp sạch làm vệ tinh, liên kết chuỗi với các cơ sở, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm và tăng cường kiểm tra giám sát quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm của các hộ dân, đơn vị sản xuất đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn sản xuất, giấy chứng nhận sản phẩm VietGAP.

Phát biểu kết luận hội nghị, ông Trương Minh Hiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam nhấn mạnh, việc tích tụ, tập trung ruộng đất sản xuất nông sản sạch làm vệ tinh, liên kết chuỗi với các cơ sở, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm là hướng đi tất yếu để phát triển nông nghiệp, góp phần quan trọng bù đắp thiệt hại do bệnh dịch tả lợn châu Phi gây ra.

Các Sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố cần tập trung giải quyết những tồn tại trong thực hiện kế hoạch sản xuất nông sản sạch làm vệ tinh, liên kết chuỗi với các cơ sở, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm giai đoạn 2018 – 2019, đặc biệt là tiến độ tích tụ ruộng đất thực hiện mô hình sản xuất rau củ quả; việc hoàn thiện hồ sơ thanh toán tiền hỗ trợ cho các mô hình còn chậm.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với các Sở, ngành liên quan tổ chức rà soát lại các cơ chế, chính sách hỗ trợ để điều chỉnh, bổ sung theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất để cho nông dân thực hiện hiệu quả kế hoạch sản xuất nông sản sạch làm vệ tinh, liên kết chuỗi với các cơ sở, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm./.

>>> Nhiều dư địa để Việt Nam xuất khẩu nông sản vào Trung Quốc

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục