Hà Nam xây dựng nông thôn mới nâng cao

15:58' - 20/10/2022
BNEWS Với sự nỗ lực của cấp uỷ, chính quyền các cấp và nhân dân, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn tại tỉnh Hà Nam đã thu được những kết quả tích cực, diện mạo nông thôn được đổi mới.

Hà Nam là 1 trong 4 tỉnh đầu tiên của cả nước được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Các địa phương trong tỉnh tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai 2021-2025.

Năm 2016, xã Chuyên Ngoại, thị xã Duy Tiên về đích nông thôn mới. Từ đó đến nay, chất lượng các tiêu chí nông thôn mới tiếp tục được cải thiện nâng cao. Các công trình phúc lợi công cộng thường xuyên được duy tu, sửa chữa, bảo đảm hiệu quả sử dụng, nhất là đường giao thông nông thôn.

Từ năm 2019 đến nay, xã đã thực hiện 23 dự án nâng cấp, cải tạo, mở rộng đường giao thông trên 13 tuyến đường trục thị xã, trục xã, trục thôn. Toàn xã có hơn 350 hộ dân tự nguyện hiến gần 7.000 m2 đất (đất ở, đất vườn) để mở rộng đường giao thông với tổng giá trị gần 70 tỷ đồng.

Trong tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế, xã Chuyên Ngoại xây dựng, phát triển nhiều mô hình sản xuất cho thu nhập cao như: nuôi cá sông trong ao, trồng cây có múi thương phẩm, trồng sen sinh thái, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, đặc biệt là thực hiện có hiệu quả đề án phát triển chăn nuôi bò sữa của tỉnh; phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho người lao động...

Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 72,2 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,51%; tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh đạt 99,2%...

 

Ông Nguyễn Văn Mai, Chủ tịch UBND xã Chuyên Ngoại cho biết, đối chiếu với Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai 2021-2025, xã Chuyên Ngoại đã đạt 13/19 tiêu chí, đạt 64/75 chỉ tiêu. Hiện xã đang tập trung các nguồn lực hoàn thành các tiêu chí, chỉ tiêu còn lại để “về đích” nông thôn mới nâng cao năm 2022.

Xã Tiêu Động, huyện Bình Lục đăng ký đạt chuẩn nông thôn nâng cao năm 2022. Qua rà soát, đánh giá, đến nay xã đã hoàn thành 70/75 chỉ tiêu, 16/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Năm 2022 xã Tiêu Động tiếp tục đầu tư xây dựng thêm đơn nguyên trường tiểu học, trường mầm non, xây dựng mới 2 nhà văn hóa thôn, hoàn thiện hệ thống rãnh nước thải trong khu dân; thực hiện xóa nhà không an toàn cho 3 hộ; đầu tư thêm thùng rác trên các cánh đồng thu gom vỏ bao bì đựng thuốc bảo vệ thực vật và ký hợp đồng với doanh nghiệp thu gom, xử lý chất thải nguy hại.

Trong sản xuất nông nghiệp, xã tuyên truyền, vận động các hộ thực hiện tích tụ tập trung ruộng đất để tạo ra những vùng sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô lớn; chuyển đổi cây trồng trên diện tích đất lúa theo vùng quy hoạch; đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm…

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch UBND xã Tiêu Động, huyện Bình Lục cho biết, thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nâng cao trong điều kiện khó khăn do dịch COVID -19, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm ảnh hưởng đến sản xuất, thu nhập của người dân, song với việc huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, Tiêu Động đã không để phong trào đi xuống. Sau khi có Quyết định của UBND tỉnh ban hành Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025, xã tiến hành rà soát, đánh giá lại tổng thể các tiêu chí. Từ đó, tập trung hoàn thiện các chỉ tiêu, tiêu chí chưa đạt, dự kiến đến cuối năm 2022, Tiêu Động sẽ đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đúng theo kế hoạch đề ra.

Thời gian qua, các địa phương khác trong tỉnh Hà Nam cũng đã tích cực triển khai duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025. Trong 6 tháng đầu năm 2022, các xã đã sửa chữa, nâng cấp và làm mới trên 90 km đường giao thông nông thôn; trên 250 phòng học các cấp đảm bảo 100% trường học được công nhận đạt chuẩn về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học; hệ thống trụ sở UBND xã; nhà văn hóa xã; nhà văn hóa thôn. Các địa phương tiếp tục triển khai các đề án, mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người dân; đồng thời nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Đến nay tỷ lệ hộ nghèo đa chiều theo chuẩn mới của tỉnh Hà Nam còn khoảng 3,69%…

Theo ông Nguyễn Đức Vượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam, tỉnh xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, với mục tiêu là không ngừng nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, trên cơ sở xây dựng một nền nông nghiệp theo hướng hiện đại gắn với phát triển công nghiệp - dịch vụ.

Tỉnh chú trọng bảo vệ môi trường, cải tạo cảnh quan môi trường nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, giá trị tốt đẹp về văn hóa nông thôn được bảo tồn và phát huy, người dân được tiếp cận chất lượng dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe tốt, hệ thống chính trị được tăng cường, quốc phòng, an ninh trật tự được giữ vững.

Tỉnh Hà Nam đặt mục tiêu đến năm 2025, tỉnh có 35 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; trong đó năm 2022 có từ 6 đến 8 xã và 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng 1,5 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn dưới 2%.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục