Hà Nội: 3 đơn vị trúng đấu giá mỏ cát không đủ điều kiện cấp phép

22:20' - 04/05/2024
BNEWS Kết quả đấu giá quyền khai thác khoáng sản 3 mỏ cát ở Hà Nội gồm Châu Sơn; Liên Mạc (Thượng Cát), Tây Đằng - Minh Châu, cả 3 đơn vị trúng đấu giá mỏ cát đều không đủ điều kiện cấp phép.

Ngày 4/5, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông đã ký Văn bản số 1328/UBND-TNMT gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo về kết quả đấu giá quyền khai thác khoáng sản 3 mỏ cát: Châu Sơn; Liên Mạc (Thượng Cát), Tây Đằng - Minh Châu.

 

Theo UBND thành phố Hà Nội, ngày 5/11/2023 và 6/11/2023, cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội đã tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại 3 điểm mỏ cát trên. Kết quả có 3 đơn vị trúng đấu giá với tổng số tiền khoảng 1.700 tỷ đồng.

Cụ thể: Mỏ cát Châu Sơn (xã Châu Sơn, huyện Ba Vì) có trữ lượng cát được cấp quyền khai thác là hơn 703.500m3. Giá khởi điểm được đưa ra là 2,881 tỷ đồng, bước giá đấu 144 triệu đồng. Qua 89 vòng đấu giá, Ban tổ chức xác định được giá trúng là 396,865 tỷ đồng, gấp hơn 137 lần giá khởi điểm. Đơn vị trúng đấu giá là Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Việt Sơn.

Mỏ Liên Mạc (phường Thượng Cát và Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm) có trữ lượng cát 508.603m3. Giá khởi điểm 2,051 tỷ đồng, bước giá đấu 103 triệu đồng. Sau 53 vòng, giá đấu trúng là 408,290 tỷ đồng, gấp gần 200 lần giá khởi điểm. Đơn vị trúng đầu giá là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư thương mại Dịch vụ KSP.

Mỏ Tây Đằng - Minh Châu (xã Minh Châu và xã Chu Minh, huyện Ba Vì) có trữ lượng cát khai thác 4.899.000m3, giá khởi điểm là 19,29 tỷ đồng, bước giá đấu 965 triệu đồng. Qua 21 vòng đấu, giá trúng đấu giá là 883,93 tỷ đồng, gấp gần 46 lần giá khởi điểm. Đơn vị trúng đầu giá là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Phúc Lộc Thịnh.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1087/CĐ-TTg ngày 11/11/2023 về tăng cường quản lý công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo rà soát, kiểm tra và có Văn bản số 272/UBND-TNMT ngày 25/01/2024 yêu cầu chưa công nhận kết quả trúng đấu giá; giao Thanh tra thành phố tiếp tục theo dõi, rà soát, kiểm tra các nội dung, tham mưu cho UBND thành phố chỉ đạo và báo cáo kết quả Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường ngay khi có kết quả kiểm tra.

Đồng thời, UBND thành phố Hà Nội giao Sở Tài chính, Cục thuế tham mưu phương án xử lý tiền đặt cọc của các đơn vị theo quy định; Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp Sở Tư pháp, Công ty đấu giá Hợp danh Bắc Trung Nam thông báo và hướng dẫn 03 đơn vị (Công ty cổ phần đầu tư và thương mại Việt Sơn, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư TMDV KSP, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Phúc Lộc Thịnh) thực hiện các nội dung trên.

UBND thành phố Hà Nội cho biết, việc đánh giá sâu, rộng tác động của kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại 03 mỏ cát nhằm "khắc phục triệt để tình trạng sơ hở để các tổ chức, cá nhân lợi dụng trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường" theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Tại Văn bản số 1328/UBND-TNMT, UBND thành phố Hà Nội nêu rõ, theo quy định, giá trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản tương đương Giá cấp quyền khai thác cát tại mỏ (là giá cát chưa khai thác); các đơn vị trúng đấu giá chỉ được khai thác đúng trữ lượng được phê duyệt.

Để được cấp Giấy phép khai thác mỏ cát (trước khi khai thác), các đơn vị phải thực hiện thủ tục hành chính với trình tự, thủ tục: Lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường trình cấp thẩm quyền phê duyệt; Quyết định chủ trương đầu tư (Lập dự án, Thiết kế mỏ,..); Giấy phép khai thác khoáng sản; Hợp đồng thuê đất/xác định đơn giá thuê đất; xây dựng cơ sở vật chất phục vụ khai thác theo thiết kế mỏ được phê duyệt.

Theo công bố giá vật liệu xây dựng của Sở Xây dựng Hà Nội, giá cát đến chân công trình được xác định theo công thức: Giá cát tại nguồn cung cấp cộng chi phí vận chuyển đến công trình (giá dịch vụ vận chuyển) cộng chi phí bốc xếp, chi phí vận chuyển nội bộ trong công trình, chi phí hao hụt bảo quản tại hiện trường.

Như vậy, giá cát chưa khai thác (trong trường hợp này là giá trúng đấu giá quyền khai thác cát đối với 03 mỏ cát: Tây Đằng - Minh Châu, Châu Sơn, Liên Mạc lần lượt là 180.500đ/m3, 564.500đ/m3, 800.000đ/m3) và đối chiếu với giá vật liệu xây dựng cát san lấp và cát xây dựng đến chân công trình tại địa bàn Hà Nội do Sở Xây dựng Hà Nội công bố; cát đổ nền 176.000đ/m3 - 202.000đ/m3.

Do đó, theo cách hiểu thông thường 01m3 cát chưa khai thác (theo giá trúng đấu giá) đã cao hơn, thậm chí cao gấp nhiều lần so với giá cát đến chân công trình tại địa bàn Hà Nội; dẫn đến các dự án khai thác cát tại 03 mỏ cát này không thể có lợi nhuận khi các đơn vị thực hiện khai thác với trữ lượng cát sẽ được cấp phép. Khi xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư, các dự án đầu tư sẽ vừa không đạt tiêu chí về lợi nhuận kinh tế, có thể tác động xấu đến an ninh kinh tế và trật tự xã hội.

Theo quy định của Luật Khoáng sản, sau khi được cấp Quyết định chủ trương đầu tư, đơn vị lập hồ sơ, trình cấp thẩm quyền phê duyệt cấp Giấy phép khai thác khoáng sản sẽ có bất cập khi không đáp ứng điều kiện về vốn chủ sở hữu.

Cụ thể, vốn chủ sở hữu của 03 đơn vị tham gia đấu giá quyền khai thác khoáng sản đủ điều kiện để tham gia đấu giá do đáp ứng tiêu chí cao hơn 30% tổng vốn đầu tư của các dự án khai thác khoáng sản đã được phê duyệt trên địa bàn Hà Nội (theo Quyết định số 5027/QĐ-UBND ngày 05/10/2023 của UBND thành phố về việc phê duyệt tổng vốn đầu tư các dự án khai thác khoáng sản, làm cơ sở đánh giá về tiêu chí vốn chủ sở hữu của đơn vị đăng ký tham gia đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn Hà Nội năm 2023).

Tuy nhiên, sau cuộc đấu giá tại 03 mỏ cát trên, vốn chủ sở hữu của 03 đơn vị trúng đấu giá nhỏ hơn 30% giá trúng đấu giá nên sẽ nhỏ hơn 30% tổng vốn đầu tư của dự án khai thác khoáng sản mà đơn vị phải lập sau khi trúng đấu giá. Do vậy, không đủ điều kiện cấp phép theo quy định tại Điều 53 Luật Khoáng sản: "Nguyên tắc và điều kiện cấp Giấy phép khai thác khoáng sản: Tổ chức, cá nhân được cấp Giấy phép khai thác khoáng sản phải có vốn chủ sở hữu ít nhất bằng 30% tổng số vốn đầu tư của dự án đầu tư khai thác khoáng sản".

Căn cứ kết quả kiểm tra nêu trên, UBND thành phố Hà Nội đã có Văn bản số 1325/UBND-TNMT ngày 04/5/2024 yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND thành phố; thực hiện ngay các biện pháp quản lý Nhà nước đối với kết quả đấu giá 03 mỏ cát: Châu Sơn; Liên Mạc (Thượng Cát), Tây Đằng - Minh Châu đã được kiểm tra, rà soát theo đúng quy định pháp luật.

Theo đó, khẩn trương rà soát, thực hiện đầy đủ các quy trình, thủ tục để tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 03 mỏ cát nêu trên theo đúng quy định pháp luật, báo cáo kết quả trước ngày 12/6/2024.

UBND thành phố Hà Nội giao Thanh tra Thành phố, Sở Tư pháp, Sở Tài chính, Công an Thành phố tiếp tục theo dõi, hỗ trợ Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện nhiệm vụ nêu trên theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị; kịp thời báo cáo UBND Thành phố các nội dung khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền, báo cáo kết quả trước ngày 12/6/2024.

Thời gian tới, UBND Thành phố Hà Nội tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc thực hiện tốt các nhiệm vụ nêu trên theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1087/CĐ- TTg ngày 11/11/2023 về tăng cường quản lý công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, hạn chế phát sinh khiếu kiện, tranh chấp. Tăng cường làm tốt công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, thông báo công khai tình hình, kết quả việc quản lý, khai thác khoáng sản. Tiếp tục tập trung kiểm tra, rà soát, xử lý nghiêm các vi phạm về khai thác khoáng sản theo đúng quy định pháp luật.

Như TTXVN đưa tin, trước kết quả trúng đấu giá cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm, có yếu tố bất thường, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, có thể tạo ra hiệu ứng đối với phát triển kinh tế - xã hội và thị trường vật liệu xây dựng, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1087/CĐ-TTg ngày 11/11/2023 yêu cầu Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo rà soát ngay toàn bộ quá trình khảo sát, đánh giá trữ lượng mỏ, làm hồ sơ và tổ chức đấu giá cấp quyền khai thác 3 mỏ cát, bảo đảm chặt chẽ đúng pháp luật, tuyệt đối không để các tổ chức, cá nhân lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý để trục lợi, thất thoát, lãng phí, lợi ích nhóm.

Theo đó, kịp thời phát hiện sớm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định pháp luật trong đấu giá cấp quyền khai thác khoáng sản, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá để đẩy giá, gây nhiễu loạn thị trường, trục lợi...

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục