Hà Nội cần chính sách nào để phát triển đô thị và hạ tầng giao thông bền vững?

18:03' - 12/04/2022
BNEWS Ngày 12/4, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội tổ chức Tọa đàm khoa học về một số chính sách liên quan đến phát triển đô thị, bảo vệ môi trường, liên kết, phát triển vùng Thủ đô.

Đây là các vấn đề đặt ra trong xây dựng Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

 

Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội Nguyễn Ngọc Kỳ, phát triển nhanh, bền vững, giải quyết các vấn đề tồn tại, phát huy lợi thế của Thủ đô nhằm phát triển đô thị và hạ tầng giao thông là yêu cầu rất quan trọng; có ảnh hưởng đến tương lai của thành phố. Hà Nội cũng cần chủ động thể hiện vai trò đầu tàu, liên kết và phát triển kinh tế trong vùng Thủ đô.

Do đó, Viện sẵn sàng tiếp thu ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học để xây dựng Hà Nội hiện đại, văn minh, đáp ứng nhu cầu khẳng định tầm vóc, vị trí của mình.

"Quy mô nghiên cứu rất rộng, bao quát nhiều lĩnh vực, mục tiêu và liên quan đến giá trị lịch sử, thực tại và tương lai. Vì vậy, Viện đã nghiên cứu một số nội dung quan trọng như phát triển nhà ở, hạ tầng kỹ thuật, thương mại, hệ thống công viên cây xanh cũng như không gian công cộng; bảo tồn khu phố cổ, cũ; các vấn đề về quy hoạch, phát triển chiến lược trong tương lai", Viện trưởng Nguyễn Ngọc Kỳ cho biết.

Với hai nhóm chính sách được đưa ra buổi tọa đàm là: "Phát triển đô thị, cơ sở hạ tầng giao thông và bảo vệ môi trường của Thủ đô" và "Liên kết, phát triển vùng Thủ đô trở thành khu vực phát triển nhanh, bền vững về kinh tế - xã hội, xanh, văn minh, năng động, trở thành khu vực trọng điểm", các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận, phân tích, dự báo tác động tích cực, tiêu cực của chính sách đề xuất trong hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Mạc Đình Minh nhấn mạnh, chính sách "Phát triển đô thị, cơ sở hạ tầng giao thông và bảo vệ môi trường của Thủ đô" là chính sách lớn, sâu rộng; trong đó, liên quan quản lý biệt thự cũ, nhà trong khu vực nội đô lịch sử, danh mục biệt thự cũ của Hà Nội. Với hơn 1.200 nhà thuộc diện này, Sở đề xuất 2 giải pháp; trong đó, có giải pháp được phép bán, cho thuê một số nhà cũ nằm trong danh mục 292 nhà phải bảo tồn.

Cụ thể, loại 1 có 48 nhà có giá trị lịch sử, văn hóa, cần phải bảo tồn nguyên trạng; loại 2 gồm 140 nhà có giá trị lịch sử cần bảo tồn, có khả năng bán; trong đó, người dân phải cam kết toàn bộ kiến trúc mặt tiền, kết cấu quan trọng phải bảo tồn. Loại 3 có 104 nhà nằm trong phố cổ, cũ, chất lượng kém, có thể bán cho hộ đang thuê để họ có cơ sở tôn tạo, chỉnh trang lại.

Bên cạnh đó, trên địa bàn Hà Nội còn rất nhiều nhà sở hữu của người dân đang xuống cấp, trong khi người dân không có cơ chế, nguồn lực để cải tạo, chỉnh trang nên cần phải có nguồn lực hỗ trợ người dân chỉnh sửa, cải tạo…

Đề cập đến hai chính sách trên, một số ý kiến cũng cho rằng cần thiết phải có chính sách ưu đãi để cải tạo, xây dựng, bảo tồn biệt thự, nhà ở cũ trong khu vực nội đô lịch sử.

Muốn bảo tồn nhà cũ phải giảm mật độ dân cư, không thể để tiếp diễn tình trạng cơi nới ở những căn biệt thự cũ có đến 10 hộ dân ở.

Có thể tham khảo chính sách ưu đãi cải tạo, xây dựng nhà ở cũ ở các nước Đức, Indonesia, Italia, và Thành phố Hà Nội cũng đã có nghiên cứu về vấn đề này.

Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, với tiêu đề chính sách "Phát triển đô thị, cơ sở hạ tầng giao thông và bảo vệ môi trường của Thủ đô" không chỉ cần đặc thù với nội đô lịch sử mà cần cho cả các đô thị khác hiện hữu ở Hà Nội, nên cần bổ sung về nội dung xây dựng mới trong Luật Thủ đô (sửa đổi).

"Tiêu đề chính sách chỉ nêu cơ sở hạ tầng giao thông là chưa đủ. Hạ tầng giao thông là cơ bản nhưng có gắn với hạ tầng kỹ thuật khác và các định hướng đột phá đã xác định hiện nay là kết cấu hạ tầng nên có thể điều chỉnh "hạ tầng kỹ thuật", TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm nêu ý kiến.

Đối với chính sách "Liên kết, phát triển vùng Thủ đô trở thành khu vực phát triển nhanh, bền vững về kinh tế - xã hội, xanh, văn minh, năng động, trở thành khu vực trọng điểm", TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, đây là chính sách quan trọng liên quan đến quản lý dân số, kết cầu hạ tầng và cấu trúc mô hình Hà Nội.

Do đó, Hà Nội cần rà soát lại dự thảo để đảm bảo vai trò của Thủ đô với vùng và cả nước, không chỉ nên giới hạn "vùng Thủ đô".

Ngoài ra, dự thảo nêu 5 đề xuất, cần xem xét lại chính sách tăng thẩm quyền hội đồng điều phối và giao thẩm quyền cho thành phố chủ trì điều phối quản lý vùng…

Cũng tại buổi tọa đàm, đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất, Hà Nội cần quan tâm thỏa đáng về nhà ở đối với đối tượng là người có công lớn tuổi cô đơn và thiếu nơi nương tựa.

Mặt khác, phát triển thị trường thông tin về lao động, việc làm để đáp ứng yêu cầu cho sản xuất, nâng cao chất lượng đào tạo nghề và tăng trưởng của Hà Nội gắn liền với mối quan hệ liên kết vùng.

TS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội nên rà soát các chính sách, cơ chế để lọc ra những quy định cũ, kết hợp với tình hình và nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới để đưa ra những đề xuất phù hợp, tạo sức bật, hướng tới sự phát triển nhanh, bền vững của Thủ đô trong tương lai; lưu ý việc nghiên cứu mối liên kết, lan tỏa của Hà Nội với toàn vùng đồng bằng sông Hồng.

Nhấn mạnh đến công tác quy hoạch và chiến lược phát triển cũng như phân bổ nguồn lực tổng hợp của Hà Nội, chuyên gia Tô Anh Tuấn đề nghị cần chắt lọc, đề xuất bãi bỏ những quan điểm, quy định mâu thuẫn, chồng chéo hoặc bất hợp lý làm cản trở mục tiêu phát triển Thủ đô theo hướng hiện đại, văn minh.

Vấn đề là bảo đảm lợi ích chung, với tầm nhìn xa, hài hòa giữa mục tiêu kinh tế và xã hội trên tinh thần nhân văn; xứng đáng với vai trò, vị trí của Thủ đô…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục