Hà Nội còn gần 130 chung cư có tranh chấp khiếu kiện, tiềm ẩn phức tạp

20:37' - 12/10/2018
BNEWS Trong số 745 (cụm, tòa) chung cư thương mại trên địa bàn thành phố Hà Nội có đến 129 chung cư có tranh chấp khiếu kiện, tiềm ẩn phức tạp và 22 chung cư có hoạt động phức tạp về an ninh trật tự.

Chiều 12/10, tại Hội nghị giao ban chuyên đề về công tác nội chính và giao ban công tác nội chính, phòng chống tham nhũng 9 tháng, nhiệm vụ trọng tâm quý IV năm 2018, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thế Toàn cho biết, thời gian qua các vụ việc khiếu kiện tại các chung cư đều có biểu hiện tập trung đông người, tiềm ẩn nhiều phức tạp.

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thế Toàn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Nguyễn Thắng - TTXVN

Đáng chú ý, trong số 745 (cụm, tòa) chung cư thương mại trên địa bàn thành phố có đến 129 chung cư có tranh chấp khiếu kiện, tiềm ẩn phức tạp và 22 chung cư có hoạt động phức tạp về an ninh trật tự.

Báo cáo của Ban Nội chính Thành ủy Hà Nội cũng chỉ rõ: Quá trình quản lý, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn thành phố thời gian qua cho thấy, mặc dù đã có các quy định cụ thể nhưng vẫn xảy ra một số tồn tại, tranh chấp giữa chủ đầu tư với cư dân, giữa cư dân với ban quản trị, giữa ban quản trị với chủ đầu tư và các đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư.

Những mâu thuẫn chủ yếu tập trung vào một số nội dung như: Xác định sở hữu phần diện tích chung và riêng của tòa nhà, tổ chức hội nghị nhà chung cư để bầu ban quản trị, quyết định công nhận ban quản trị nhà chung cư, bàn giao diện tích sử dụng chung và diện tích sinh hoạt cộng đồng, nghiệm thu công trình đưa vào sử dụng, hệ thống phòng cháy chữa cháy còn nhiều bất cập, việc bàn giao hồ sơ nhà chung cư, bàn giao kinh phí bảo trì 2% còn khó khăn chưa kịp thời.

Đáng chú ý, công tác cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở còn nhiều vướng mắc, do chủ đầu tư vi phạm trong xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, chưa hoàn thiện thủ tục chuyển chủ đầu tư hoặc do giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chủ đầu tư đang thế chấp tại ngân hàng, nên Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội thông báo không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận cho các căn hộ.

Điển hình là việc khiếu kiện tổ chức tập trung đông người, cản trở hoạt động của các đơn vị thực hiện dịch vụ trong tòa nhà tại chung cư Golden West (quận Thanh Xuân); Tòa Nhà Kinh Đô (quận Đống Đa), chung cư Goldmark City (quận Bắc Từ Liêm); chung cư hỗn hợp Sông Đà (quận Hà Đông)...

Hay tổ chức phương tiện ô tô, xe máy có treo các băng rôn, khẩu hiệu để thể hiện các tranh chấp khiếu kiện, nhằm gây áp lực với chính quyền và chủ đầu tư tòa nhà như tại chung cư Golden West (quận Thanh Xuân), khu ngoại giao đoàn (quận Bắc Từ Liêm). Đặc biệt, các mâu thuẫn giữa cư dân với chủ đầu tư còn dẫn đến việc khởi kiện ra tòa án dân sự, như vụ việc tại chung cư Goldmark City (quận Bắc Từ Liêm).

Trước tình trạng trên, trong những tháng cuối năm 2018, Ban Cán sự đảng UBND thành phố Hà Nội tiếp tục chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp với sở, ngành liên quan, cùng UBND các quận, huyện tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm trong công tác quản lý chung cư theo thẩm quyền, có chế tài xử lý các chủ đầu tư, ban quản trị cố tình vi phạm pháp luật, đồng thời làm rõ trách nhiệm của các sở, ngành, chính quyền địa phương để những vi phạm tranh chấp, khiếu kiện chậm được giải quyết kéo dài.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Nguyễn Thắng - TTXVN

Công an thành phố Hà Nội chỉ đạo Công an các quận, huyện, chủ động nắm tình hình, làm tốt công tác điều tra cơ bản về các chung cư, đặc biệt là các chung cư phát sinh khiếu kiện và tiềm ẩn phát sinh khiếu kiện; chủ động nghiên cứu, đánh giá nguyên nhân phát sinh khiếu kiện tại các địa bàn do mình quản lý, có báo cáo kịp thời, đề xuất các biện pháp giải quyết; kịp thời tổ chức đối thoại giải thích, vận động các hộ dân tại khu dân cư đang có tranh chấp khiếu kiện phức tạp; có biện pháp xử lý sai phạm của các chủ đầu tư trong quá trình xây dựng, bàn giao căn hộ, bàn giao quỹ bảo trì, bảo dưỡng chung cư để giải quyết dứt điểm kiến nghị của người dân.

Tại hội nghị, các đại biểu cùng chung nhận định, trong 9 tháng đầu năm 2018, Ban Nội chính Thành ủy Hà Nội và các cơ quan thuộc khối nội chính thành phố tiếp tục tham mưu cho Thành ủy duy trì và giữ vững ổn định an ninh quốc gia, không để xảy ra các hoạt động gây rối an ninh trật tự, khủng bố, phá hoại; không để hình thành tổ chức chính trị đối lập; không để hình thành, phát sinh các “điểm nóng” về an ninh trật tự.

Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước còn bộc lộ những hạn chế nhất định, chưa đáp ứng được tốc độ phát triển nhanh của xã hội dẫn đến việc quản lý kinh tế, con người, mạng xã hội (nhất là các trang trò chơi bạo lực, blog cá nhân), các văn hóa phẩm đồi trụy và các cơ sở kinh doanh có điều kiện như khách sạn, hiệu cầm đồ... còn nhiều sơ hở.

Các biện pháp phòng ngừa xã hội hiệu quả còn thấp, đặc biệt là mâu thuẫn trong lĩnh vực kinh tế, vay mượn, tranh chấp đất đai, mâu thuẫn trong đời sống gia đình chưa được quan tâm, giải quyết triệt để.

Do vậy, thời gian tới, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, vận động quần chúng nhân dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, chủ động phòng ngừa tố giác tội phạm.

Các sở, ngành, chính quyền địa phương phối hợp giải quyết kịp thời, dứt điểm các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân ngay từ cơ sở, không để hình thành các mâu thuẫn phức tạp kéo dài, qua đó góp phần bảo đảm tình hình trật tự an ninh, chính trị trên địa bàn Thủ đô./.

Xem thêm:

>>"Nóng" vấn đề quản lý, vận hành nhà chung cư ở Hà Nội

>>Cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ vẫn tiến độ “rùa”

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục