Hà Nội đã thực hiện cải cách lớn nhất về sắp xếp lại bộ máy

18:03' - 03/07/2018
BNEWS Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung: Hà Nội đã thực hiện một cuộc cải cách lớn nhất về việc sắp xếp lại bộ máy, tinh giản cán bộ, người lao động.
 Ngày 2/7, Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVI đã khai mạc tại Hội trường Thành ủy Hà Nội. Trong ảnh: Đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hà Nội chủ trì hội nghị. Ảnh: Nguyễn Thắng - TTXVN

Ngày 3/7, sau hai ngày làm việc, Hội nghị nghị lần thứ 14, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVI đã kết thúc. Đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội chủ trì phiên bế mạc.

Tại hội nghị, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết vào 8 nội dung quan trọng của kỳ họp, nhằm hoàn thiện báo cáo dự thảo Nghị quyết hội nghị Thành ủy Hà Nội lần thứ 14 liên quan đến những vấn đề phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô.

Các đại biểu tham dự hội nghị đã thảo luận sôi nổi, thẳng thắn và trách nhiệm với 35 ý kiến phát biểu, trong đó có nhiều ý kiến sâu sắc, có tính phê và tự phê rất cao, gắn với thực tiễn sinh động, thể hiện được tầm tư duy sáng tạo và tinh thần trách nhiệm, tâm huyết đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô.

Các ý kiến đóng góp của các đại biểu được Ban Thường vụ Thành ủy tiếp thu và làm rõ những vấn đề quan trọng cần lưu ý. Trong đó, báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15 của Quốc hội khóa XII về điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh liên quan được các đại biểu đặc biệt quan tâm và thảo luận.

Đặc biệt, hầu hết các đại biểu đều cho rằng, sau quá trình mở rộng địa giới hành chính của Hà Nội, đội ngũ cán bộ của Thủ đô tăng lên gấp đôi, nhưng Hà Nội đã tiến hành sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí cán bộ một cách chủ động, sáng tạo, dân chủ, bài bản, công tâm, hợp tình, hợp lý và nhân văn, không cục bộ và không gây xáo trộn, giữ vững được sự ổn định, bảo đảm cả hệ thống chính trị vận hành thông suốt, hiệu quả ngay từ những ngày đầu thực hiện Nghị quyết. Hà Nội cũng đã tiếp nhận bàn giao và quản lý địa giới hành chính, giải quyết xong một số vướng mắc về địa giới hành chính diễn ra trong nhiều năm tại một số đơn vị của tỉnh Hà Tây (cũ) và các tỉnh Hòa Bình, Hà Nam, Vĩnh Phúc.

Các cấp ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch mới; tiến hành rà soát, nhất thể hóa các cơ chế, chính sách, khớp nối các quy hoạch, các dự án, tạo hành lang pháp lý thống nhất, bền vững cho việc điều hành, quản lý hiệu quả sau hợp nhất.

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: Việc mở rộng địa giới hành chính thành phố Hà Nội là một dấu mốc, bước ngoặt đặc biệt quan trọng trên con đường xây dựng và phát triển Thủ đô; là một chủ trương đúng đắn, một quyết sách lịch sử có tầm nhìn xa, trông rộng của Đảng và Nhà nước, không chỉ để xây dựng và phát triển Thủ đô, mà còn để phát huy vị trí, vai trò đầu tàu, sức lan tỏa của Thủ đô trong chiến lược phát triển đất nước thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Minh chứng là sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, Thủ đô tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ cả về quy mô, diện mạo với những thành tựu to lớn, toàn diện trên các lĩnh vực.

Những kết quả toàn diện đã đạt được trong thời gian qua là động lực tiếp tục cổ vũ, động viên to lớn các cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, lực lượng vũ trang và cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô tiếp tục vững tin và phấn khởi tiếp bước trên con đường của mình trong thời gian tới.

Với tinh thần đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu mỗi đồng chí Thành ủy viên tiếp tục phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm và tâm huyết với sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô; phát huy cao độ trách nhiệm người đứng đầu, vai trò tiền phong, gương mẫu của người cán bộ, đảng viên; tập hợp, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, huy động mọi nguồn lực, phấn đấu hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu, khâu đột phá mà Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố và Nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra; quan trọng nhất là luôn chủ động, sáng tạo, tận tuỵ, với phương châm “kế hoạch 1 thì biện pháp phải 10, quyết tâm phải 20” mới đáp ứng được nhiệm vụ ngày càng nặng nề, khó khăn của thành phố trước yêu cầu của thời kỳ mới.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết thêm: Sau điều chỉnh địa giới hành chính, thành phố đã thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Trung ương. Các công việc được triển khai đồng bộ ngay từ đầu gắn với các chương trình công tác của Thành ủy. Hà Nội đã thực hiện một cuộc cải cách lớn nhất về việc sắp xếp lại bộ máy, tinh giản cán bộ, người lao động.

Đặc biệt, các điểm "nóng", yếu đều được ưu tiên xử lý. Thành phố nhận diện, đánh giá đúng tình hình, nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của nhân dân, từ đó đưa ra những giải pháp xử lý kịp thời như vấn đề cấp "sổ đỏ", cấp đất dịch vụ...

Trong nửa nhiệm kỳ qua, Hà Nội đã chủ động xây dựng một số chỉ tiêu cao hơn các Nghị quyết hoặc chưa có trong Nghị quyết để phấn đấu, đặc biệt là chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), đến nay đã xếp thứ 13 toàn quốc; chỉ số cải cách hành chính sau 2,5 năm từ xếp thứ 9 xuống thứ 2 toàn quốc; nâng cao chất lượng cấp nước sạch cho người dân để phấn đấu đến năm 2020 có 100% hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch.

Thành phố cũng thực hiện phân cấp mạnh mẽ cho các quận, huyện, thị xã, sở, ngành để các đơn vị, địa phương tạo ra các nguồn lực. Cụ thể thành phố thực hiện phân cấp mạnh mẽ từ giải phóng mặt bằng, toàn bộ vấn đề về xây dựng hạ tầng và đấu giá đất, thu gom rác thải, giao thực hiện các dự án thuộc nhiệm vụ chi của thành phố..

Chi tiêu ngân sách được quản lý chặt chẽ, khoa học, hạn chế dàn trải trong đầu tư, tiết kiệm nguồn chi tiêu thường xuyên. Năm 2016, thành phố tiết kiệm chi tiêu thường xuyên là 53%; năm 2017 tiết kiệm chi thường xuyên là 53,8% và năm 2018 dự kiến là 51%. Thành phố phấn đấu cả giai đoạn 2015-2020 tiết kiệm chi thường xuyên khoảng 50%.

Trong thời gian tiếp theo, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhấn mạnh, hướng đi bền vững của thành phố là tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Thành phố cần có sự đồng lòng trong chỉ đạo, điều hành, chia sẻ khó khăn, xây dựng cơ chế giám sát chặt chẽ của nhân dân, của HĐND và xây dựng cơ chế phản biện khoa học để quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu của nhiệm kỳ 2015-2020./.

>>> Thường trực Chính phủ phê bình UBND TP. Hà Nội vì quyết định thu hồi đất trái quy định

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục