Hà Nội: Đánh giá lợi ích trạm trung chuyển rác trước khi nhân rộng

12:54' - 07/07/2018
BNEWS Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) đã xây dựng trạm trung chuyển tải rác công suất 300 tấn/ngày đêm tại Lâm Du (Bồ Đề, Long Biên).

Hiện nay trên địa bàn Hà Nội đang tồn tại một số bãi chôn lấp rác, tuy nhiên phần lớn đều nằm xa trung tâm hàng chục km. Do vậy, mỗi khi thu gom rác, các xe chở rác phải chạy "xuyên tâm" để chuyển rác tới bãi tập kết theo quy định. Điều này vừa tốn chi phí, có nguy cơ phát tán mùi cao do quãng đường di chuyển dài. Để khắc phục tình trạng trên, thành phố Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị liên quan tổ chức xây dựng trạm trung chuyển rác.

Thực hiện chủ trương của thành phố, mới đây, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) đã xây dựng trạm trung chuyển tải rác công suất 300 tấn/ngày đêm tại Lâm Du (Bồ Đề, Long Biên).

Đây là trạm chuyển tải có diện tích 200m2, cách xa khu dân cư gần 300m (nằm trong khu đất 4.500m2 tại Lâm Du, thành phố Hà Nội giao URENCO quản lý), được thiết kế hiện đại, khép kín, đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật nghiêm ngặt về xử lý mùi, tiếng ồn, nước rác...

Ông Nguyễn Hữu Tiến, Tổng Giám đốc URENCO cho biết, cơ chế hoạt động của trạm là xe thu rác tại địa bàn trung tâm Hà Nội được đưa về và nén rác vào các container cỡ lớn. Sau đó, các container này được chuyển lên chôn lấp tại bãi rác Nam Sơn. Rác hoàn toàn được chuyển tải một cách triệt để và khép kín, không phát tán ra ngoài môi trường. Nước rác phát sinh được thu chứa kín và chuyển đến khu xử lý trong ngày.

Hiện nay, trạm chuyển tải này đang trong quá trình chạy thử nghiệm, tiếp nhận rác trên địa bàn quận Hoàn Kiếm và mới đạt khoảng gần 50% công suất thiết kế.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, hiệu quả của trạm trung chuyển rác là rất lớn, giảm chi phí vận chuyển, rác không còn có thể phát tán mùi do trước đây vận chuyển bằng xe nhỏ. Song, để có cái nhìn khách quan, đánh giá đúng hiệu quả trạm trung chuyển rác, UBND thành phố đã chỉ đạo URENCO cùng các sở, ban, ngành và các quận hoàn thiện hồ sơ kỹ thuật, quan trắc cần thiết để đánh giá trạm trung chuyển tại Lâm Du trong tháng 7.

Qua việc đánh giá, tiến tới hoàn thiện các khâu, quy trình thủ tục, trạm chuyển tải này sẽ chính thức hoạt động, giải quyết nhu cầu cấp thiết về thu gom, vận chuyển rác thải tại các quận trung tâm thành phố Hà Nội.

Mặc dù, trạm trung chuyển rác bước đầu được đánh giá hiệu quả, tuy nhiên qua tìm hiểu cho thấy, việc xây dựng trạm trung chuyển rác phụ thuộc vào các quận, huyện. Bởi lẽ, quỹ đất dành cho xây dựng trạm trung chuyển rác phải được các quận, huyện đề xuất.

Bên cạnh vướng về quỹ đất đặt trạm trung chuyển, hiện nay nhận thức của một số người dân chưa đầy đủ, sợ gây mất vệ sinh môi trường nên có tư tưởng chưa đồng thuận để cơ quan chức năng đặt trạm trung chuyển tại nơi mình đang sinh sống.

Theo kinh nghiệm của một số nước trên thế giới, để phát huy tối đa hiệu quả công tác cơ giới hóa, việc cần thiết và cấp bách hiện nay là phải có trạm chuyển tải rác. Trạm chuyển tải thông thường được đặt ngay tại khu dân cư hoặc cự ly đi thu gom rác trong phạm vi không quá 5km, đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật, môi trường.

Đây là nơi “đóng gói” rác từ nhiều xe cỡ nhỏ (loại 2,5 tấn) vào xe container lớn (trên 12 tấn), thay vì cả 5-6 xe loại nhỏ cùng chở rác lên bãi chôn lấp (khoảng cách rất xa) thì chỉ cần dùng 1 xe cỡ lớn là đủ.

Ngoài ra, trạm chuyển tải còn giúp các xe thu rác vận hành linh động hơn, rác liên tục được thu trong ngày giúp đường phố sạch hơn, đặc biệt phát huy vào những giai đoạn cao điểm như lễ Tết, sự kiện lớn...

Như vậy, trạm chuyển tải là lời giải tối ưu cho bài toán “cơ giới hóa thu gom vận chuyển rác” hiện nay tại các đô thị lớn, ở Việt Nam và trên thế giới. Khi vận hành thành công mô hình trạm chuyển tải này, cùng một lúc thành phố và người dân sẽ có được hai lợi ích: Kinh tế và môi trường./.

>>>Kỳ họp thứ 6, HĐND thành phố Hà Nội: Đổi mới, trách nhiệm trước cử tri và nhân dân Thủ đô

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục