Hà Nội diễn tập chủ động phòng, chống dịch cúm gia cầm A/H7N9

14:29' - 13/03/2017
BNEWS Ngày 13/3, tại xã Lê Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội, đã diễn ra cuộc diễn tập chủ động phòng, chống dịch cúm A/H7N9.
Hà Nội diễn tập chủ động phòng, chống dịch cúm gia cầm A/H7N9. Ảnh minh họa: Lê Huy Hải - TTXVN

Tình huống diễn tập được đưa ra là ngày 12/3/2017, Chi cục Thú y Hà Nội đã thông báo kết quả xét nghiệm trên vịt tại chợ đầu mối gia cầm Hà Vĩ, xã Lê Lợi, huyện Thường Tín, có 1 mẫu bệnh phẩm trên gà cho kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút cúm A/H7N9.

Trung tâm Y tế huyện Thường Tín đã tổ chức lập danh sách và giám sát sức khỏe những người thu mua, buôn bán, tiếp xúc gần với gia cầm tại chợ đầu mối Hà Vĩ; theo dõi sức khỏe hàng ngày cho 150 người.

Đến 7 giờ 30 ngày 13/3/2017, Trạm Y tế xã Lê Lợi báo cáo lên Trung tâm Y tế huyện Thường Tín trường hợp anh Nguyễn Văn X, 35 tuổi, ở thôn 1, làm nghề buôn bán gia cầm tại chợ Hà Vĩ, có biểu hiện sốt cao 39 độ C, ho nhiều, đau tức ngực, hiện nằm tại nhà.

Nhận định đây có thể là một trường hợp mắc cúm A/H7N9 trên người, Trung tâm Y tế huyện Thường Tín đã báo cáo Trung tâm Y tế dự phòng, Sở Y tế Hà Nội và ngay lập tức cử đội chống dịch cơ động tiến hành điều tra xác minh và xử lý tại thực địa.

Sau khi tiến hành điều tra xác minh về bệnh nhân, tình hình dịch bệnh cúm gia cầm trên địa bàn, lấy mẫu bệnh phẩm, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện đa khoa huyện Thường Tín bằng xe vận chuyển cấp cứu để cách ly, điều trị. Cùng với đó, các cán bộ xử lý môi trường tiến hành phun hóa chất khử khuẩn toàn bộ khu vực nhà bệnh nhân cũng như khu vực xung quanh.

Tại Bệnh viện đa khoa huyện Thường Tín, bệnh nhân được đưa vào buồng cách ly để các bác sĩ lấy mẫu phẩm trên người bệnh nhân và dùng máy chụp X.quang di động để kiểm tra bệnh nhân. Sau khi hoàn thành công đoạn này, các mẫu bệnh phẩm sẽ được đưa đi phân tích, bệnh nhân tiếp tục nằm điều trị tại bệnh viện và chờ kết quả. Trong quá trình này, khu vực bệnh nhân nằm được cách ly nghiêm ngặt và nhân viên y tế phun thuốc khử trùng xung quanh.

Cùng với ngành y tế, lực lượng thú y của ngành nông nghiệp cũng đã tổ chức lập chốt kiểm dịch ngay tại đầu thôn 1 và chợ Hà Vĩ; đồng thời tập trung lực lượng khử trùng toàn bộ khu vực chợ và tiến hành đóng cửa, ngừng hoạt động kinh doanh buôn bán gia cầm tại chợ Hà Vĩ.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý đánh giá buổi diễn tập đã đạt mục tiêu nâng cao năng lực đáp ứng với tình huống khi xảy ra dịch cúm A/H7N9 ở người và gia cầm trên địa bàn; đồng thời củng cố kỹ năng, điều tra, giám sát xử lý tình huống khi xuất hiện ca bệnh tại cộng đồng cho các đội chống dịch cơ động; đặc biệt là việc phối hợp chặt chẽ giữa các tuyến trong công tác giám sát, phát hiện lấy mẫu bệnh phẩm, vận chuyển bệnh nhân đến các cơ sở y tế điều trị.

Lãnh đạo UBND thành phố yêu cầu từ buổi diễn tập này, ngành y tế, nông nghiệp và UBND các quận, huyện rút kinh nghiệm, tập trung xây dựng kế hoạch và triển khai tốt công tác phòng, chống dịch bệnh theo chỉ đạo của UBND thành phố để chủ động phòng chống dịch bệnh cúm A/H7N9, không cho dịch bệnh xâm nhập vào thành phố.

Cúm A/H7N9 bắt đầu được ghi nhận tại Trung Quốc từ tháng 3/2013 và có chiều hướng tăng mạnh từ tháng 10/2016 tới nay, tạo thành đợt dịch thứ 5 với hơn 460 trường hợp mắc tại 14 tỉnh, thành phố của Trung Quốc. Tích lũy từ năm 2013 đến thời điểm hiện tại, ghi nhận 1.258 trường hợp mắc, 435 trường hợp tử vong, chiếm 36%.

Tại Trung Quốc, bệnh nhân tập trung chủ yếu ở khu vực phía Nam, trong đó Quảng Đông là tỉnh ghi nhận số mắc cao nhất. Hai tỉnh tiếp giáp với Việt Nam là Vân Nam và Quảng Tây đang thông báo có bệnh nhân. Ngoài ra Đài Loan, Malaysia, Canada cũng có các trường hợp bệnh nhân xâm nhập từ Trung Quốc.

Tại Hà Nội, hiện nay chưa ghi nhận bệnh nhân mắc cúm A/H7N9 nhưng nguy cơ dịch bệnh xâm nhập rất cao do giao lưu với vùng đang có dịch tại Trung Quốc./.

>>> Các biện pháp phòng chống bệnh cúm gia cầm lây lan sang người

>>> Dịch lớn cúm A - H7N9 đang tiến sát Việt Nam

>>> 4 kịch bản ứng phó với dịch cúm A/H7N9 tại Việt Nam

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục