Hà Nội du lịch nông nghiệp, nông thôn định hướng liên kết cùng phát triển

16:58' - 13/01/2024
BNEWS Ngày 13/1, tại An Lạc farm- huyện Đan Phượng (Hà Nội), Cộng đồng du lịch nông nghiệp miền Bắc đã tổ chức hội nghị với chủ đề "Du lịch nông nghiệp, nông thôn định hướng liên kết cùng phát triển".

 

Qua đó, nhằm quảng bá những mô hình du lịch nông nghiệp phía Bắc cùng các sản phẩm dịch vụ liên quan trong lĩnh vực nông nghiệp; giúp mọi người hiểu đúng về du lịch nông nghiệp, nông thôn.

 

Hiện nay, nhu cầu về du lịch nông nghiệp nông thôn của người dân là rất lớn. Vì người dân quan tâm tới thực phẩm ngon, sạch và không gian sinh hoạt của các nông hộ, các trang trại, các cộng đồng nông nghiệp gắn với làng xã, thôn bản. Một không gian sống thực sự thoáng đạt hòa mình với thiên nhiên, mang tính đồng quê luôn có sức lôi cuốn đặc biệt với du khách trong và ngoài nước với mọi lứa tuổi khác nhau.

Chính vì vậy, Chương trình phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp, nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 được Chính phủ đề ra là tạo lên hệ sinh thái, kết nối cộng đồng, hỗ trợ cùng nhau xây dựng, phát triển hệ thống các sản phẩm dịch vụ du lịch nông nghiệp, nông thôn mang đặc trưng vùng, miền.

Hội nghị lần này, với sự góp mặt của các chuyên gia, các nhà khoa học, các chủ nông trại làm du lịch nông nghiệp sinh thái ở phía Bắc nhằm cung cấp thông tin cũng như kiến nghị với các cấp, ngành, chính quyền địa phương khi định hướng phát triển kinh tế tăng trưởng xanh có xây dựng kế hoạch và chiến lược cần sát với thực tế.

Tiến sĩ Bùi Thị Lan Hương, chuyên gia ngành du lịch cho biết, thời gian qua, du lịch nông nghiệp nông thôn chưa phát triển mạnh là bởi vì chưa hiểu đúng và đầy đủ về du lịch nông nghiệp, nông thôn. Do vậy, cần phải hiểu đúng về du lịch nông nghiệp, nông thôn, có như vậy mới nhận thấy rõ con đường đang đi là phát triển du lịch nông thôn theo con đường nhị nguyên. Ngành nông nghiệp phải giữ vai trò chủ chốt.

"Có hiểu đúng về du lịch nông nghiệp, nông thôn, mới nhận thấy rõ đối tượng chủ thể chính là chủ thể không gian nông nghiệp, nông thôn chứ không phải chủ thể cơ sở kinh doanh. Từ đó trả lời vì sao phải tiếp cận phương thức dựa vào cộng đồng để phát triển và vai trò của hợp tác xã là hết sức quan trọng trong phát triển du lịch nông thôn", Tiến sĩ Bùi Thị Lan Hương nhấn mạnh.

Chia sẻ về vấn đề cần tập trung tìm giải pháp liên kết phát triển cho các mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn, bà Nguyễn Phương Thư CEO Hệ thống homestay Nhà Bên Hồ cho rằng, con người chính là trọng tâm ở các vùng nông thôn mới với lợi thế tình làng nghĩa xóm, nếu biết cùng nhau liên kết sẽ tạo ra những sản phẩm đặc sắc đáp ứng nhu cầu phát triển cho ngành du lịch nông nghiệp hiện đang còn rất mới mẻ ở Việt Nam.

Thực tế một trong những sự liên kết hiệu quả chính là mô hình hợp tác xã. Hợp tác xã thời 4.0 đại diện cho một tầng lớp nông dân 4.0, năng động, nhiệt huyết, bản lĩnh, hội nhập luôn hướng đến sự phát triển bền vững mang lại lợi ích chung của cộng đồng.

Theo bà Nguyễn Phương Thư, nhiều hợp tác xã biết sử dụng sức mạnh của mạng xã hội, live stream, tiktok… để giới thiệu nông sản đến với người tiêu dùng, giảm thiểu được sự ép giá của thương lái cũng như quảng bá thương hiệu. Thông qua các hình thức đó, người mua nông sản, người sử dụng dịch vụ du lịch nông nghiệp hiểu được sự dầm mưa dãi nắng của nông dân, hiểu được vị ngọt mặn mòi của hạt gạo thấm đẫm mồ hôi, công sức của nhà nông.

Đồng quan điểm này, Tiến sĩ Đặng Văn Cường, Cục chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, hoạt động nông nghiệp có ở hầu hết các hộ dân nông thôn nên trong phát triển du lịch ở khu vực nông thôn cần nhấn mạnh "du lịch nông nghiệp", đó là bán các trải nghiệm nông nghiệp.

Theo Tiến sĩ Đăng Văn Cường, việc phát triển các làng nghề truyền thống, các sản phẩm OCOP, khai thác các bản làng có cảnh quan đẹp, kiến trúc độc đáo... đó chính là nguồn tài nguyên vô tận để phát triển "nghề phụ" cho người dân nông thôn, để có một "thực đơn" phong phú hấp dẫn du khách.

Tại hội nghị, các đại biểu còn cho rằng để du lịch nông nghiệp nông thôn phát triển bền vững cần giải quyết sớm 4 vấn đề khó khăn nhất hiện nay. Cụ thể là quy hoạch du lịch nông nghiệp, nông thôn còn thiếu và chưa trọng tâm, chưa phù hợp với tiềm năng lợi thế, đặc trưng của nhiều địa phương; nhiều mô hình du lịch nông thôn còn tự phát, manh mún, quy mô nhỏ và trùng lặp, chưa khai thác được thế mạnh về tài nguyên nông nghiệp nông thôn bản địa.

Đồng thời, sản phẩm du lịch nông nghiệp còn chưa được khai thác, phát triển, còn đơn điệu, chưa đặc sắc, chưa gắn với đặc thù và sản phẩm đặc sản của từng địa phương, còn mang tính tự phát và mùa vụ; hoạt động kết nối, liên kết điểm, tuyến du lịch còn hạn chế, đặc biệt là sự kết nối liên tỉnh, liên vùng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục