Hà Nội giảm bớt tình trạng xe quá khổ, quá tải

12:11' - 25/11/2022
BNEWS Theo số liệu của Thanh tra Giao thông Vận tải Hà Nội, trong 10 tháng năm 2022, Thanh tra đã lập biên bản vi phạm hành chính 6.802 trường hợp vận tải hàng hóa, phạt gần 29 tỷ đồng.

Sau đợt cao điểm ra quân kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông từ 20/6 đến 20/9/2022, với việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các cá nhân, doanh nghiệp cam kết không chở hàng quá tải trọng; quá khổ; tự cắt thành thùng do cải tạo, thay đổi kích thước không đúng quy định kết hợp với tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm, tình trạng xe quá khổ, quá tải trên địa bàn Thủ đô đã giảm hẳn.

Theo số liệu của Thanh tra Giao thông Vận tải Hà Nội, trong 10 tháng năm 2022, Thanh tra đã lập biên bản vi phạm hành chính 6.802 trường hợp vận tải hàng hóa, phạt gần 29 tỷ đồng, tạm giữ 86 phương tiện, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn 750 trường hơp, tước tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường 115 phương tiện; trong đó có 1.273 trường hợp xe quá khổ, quá tải với tổng số tiền phạt trên 14 tỷ đồng, tạm giữ 44 phương tiện, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn 481 trường hợp; 206  trường hợp vi phạm kích thước thành thùng, với tổng số tiền trên 1,9 tỷ đồng, tạm giữ 8 phương tiện, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe có thời hạn 90 trường hợp, tước tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường 115 xe ô tô tải. Ngoài ra lập biên bản vi phạm hành chính chính 3.245 trường hợp làm rơi vãi, lôi kéo đất đá ra đường với tổng số tiền phạt trên 10 tỷ đồng;…

Thực hiện đợt cao điểm kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông từ ngày 20/6 đến ngày 20/9/2022, lực lượng Cảnh sát Giao thông -  Công an thành phố Hà Nội là đơn vị chủ lực, túc trực xuyên đêm trên các tuyến đường có nhiều xe tải chạy như: Quốc lộ 21A dọc theo các huyện: Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất, thị xã Sơn Tây, Ba Vỉ… ; các tuyến cửa ngõ; khu vực ven đô; tuyến đê Nguyễn Khoái nối quận Hoàng Mai với huyện Thanh Trì, để xử lý xe cơi nới thành thùng, có dấu hiệu chở quá tải.

 

Theo Trung tá Vũ Văn Hoài, Đội trưởng Đội Cảnh sát Giao thông số 12 thuộc Phòng Cảnh sát Giao thông Công an thành phố Hà Nội, khi lực lượng chức năng ra quân xử lý mạnh tay, các đối tượng chuyển từ hoạt động từ ban ngày sang đêm, nên đơn vị phải bố trí các tổ công tác tuần tra, xử lý cả ban đêm khép kín địa bàn, kiên quyết xử lý đối với các trường hợp vi phạm, không có "vùng cấm".

Qua kiểm tra, xử lý của lực lượng chức năng thời gian qua cho thấy, phương tiện quá khổ, quá tải chạy quá tải diễn ra trên nhiều tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, đường gom, tuyến đê trên địa bàn thành phố.

Gần đây, Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ (đơn vị quản lý đường gom cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ ) phản ánh, tuyến đường gom song hành trên tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ là hạng mục hoàn trả lại đường gom trước đây nhằm phục vụ việc đi lại thuận lợi của người dân ở các địa phương có tuyến cao tốc đi qua. Theo thiết kế, đường gom được xây dựng phục vụ các phương tiện vận tải có tải trọng thấp như xe tải có tải trọng dưới 18 tấn và xe khách dưới 30 chỗ ngồi lưu thông. Nhưng hiện các xe tải trọng lớn hoạt động ngày đêm khiến mặt đường đứng trước nguy cơ xuống cấp, hư hỏng, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn cho người tham gia giao thông.

Vừa qua, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã đề nghị UBND thành phố Hà Nội và các sở, ngành, UBND các huyện Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên tổ chức đoàn kiểm tra, xác minh và xử lý tình trạng xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn lưu thông trên đường gom cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, đặc biệt kiểm soát tải trọng xe ngay tại các đầu nguồn hàng (cảng, bến bãi, nhà ga, mỏ vật liệu, nơi tập kết hàng hóa lên xe ô tô...); phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Tổng cục Đường bộ Việt Nam triển khai kiểm soát tải trọng xe trên địa bàn các huyện Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên. Tăng cường sử dụng thiết bị ghi hình để ghi lại hình ảnh các phương tiện vi phạm, đặc biệt là xe container, xe quá khổ, quá tải từ 4 trục trở lên, xe khách từ 29 chỗ ngồi trở lên, xe cơi nới kích thước thành thùng... làm căn cứ để lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính.

Ngày 24/11, thị sát các tuyến đường và tuyến đê trên địa bàn huyện Phú Xuyên và Thường Tín kể cả giờ cấm đường xe tải và khung giờ xe tải được phép hoạt động cho thấy, lượng xe tải hoạt động giảm hẳn, trên tuyến đường đê lác đác vài xe chạy.

Tại đường gom hầu như không có xe tải hoạt động, trên đường đê có vài điểm bong tróc mặt đường. Nhưng buổi trưa trên đường thuộc huyện Phú Xuyên giáp ranh với huyện Thường Tín vẫn có xe chở gạch cho công trình của nhà dân xếp gạch cao quá thành thùng.

Đội trưởng Đội Thanh tra Giao thông Vận tải huyện Phú Xuyên Nguyễn Duy Hòa cho biết, trước đây, tình trạng xe quá khổ, quá tải diễn ra nhiều ở khu vực cửa ngõ phía Nam, nhưng sau đợt cao điểm kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông, các tỉnh, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức có liên quan đến hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa chấp hành tự giác cắt thành thùng xe cơi nới, che phủ bạt không để rơi vãi ra đường… nên tình trạng vi phạm quá khổ, quá tải vào Thủ đô giảm hẳn.

Trên địa bàn huyện Phú Xuyên có quốc lộ 1A, đường đê Hữu Hồng, 2 tỉnh lộ 429 A, 428 và đường dẫn lên cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình chạy qua, phương tiện vi phạm thường diễn ra trước 5 giờ sáng.

Đội Thanh tra Giao thông Vận tải huyện Phú Xuyên mặc dù lực lượng mỏng, chỉ có 9 người lại làm nhiều việc nhưng cố gắng quản lý địa bàn. Cùng với tuyên truyền, nhắc nhở, đội cũng đã kiên quyết xử lý đối với phương tiện cố tình vi phạm.

"Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra, xử lý vẫn có nhiều trường hợp xe quá tải cố tình bỏ đi không hợp tác, gọi điện cho người thân gây khó khăn cho lực lượng làm nhiệm vụ", đội trưởng Nguyễn Duy Hòa phản ánh.

Tại địa bàn huyện Thường Tín hiện có 4 – 5 doanh nghiệp kinh doanh vận tải chở vật liệu xây dựng, mỗi doanh nghiệp có 3 – 6 xe hoạt động.

Ngoài ra, các phương tiện chở vật liệu xây dựng cho các huyện Ứng Hòa, Mỹ Đức, quận Hoàng Mai, thành phố Phủ Lý (tỉnh Hà  Nam) chạy qua. Trên địa bàn huyện có 7 bãi cát trung chuyển vật liệu xây dựng ven đê sông Hồng. Để ngăn chặn tình trạng xe quá khổ, quá tải, đội Thanh tra Giao thông Vận tải huyện Thường Tín đến từng doanh nghiệp, đơn vị để tuyên truyền, vận động ký cam kết. Đồng thời tăng cường kiểm tra, xử lý.

Từ ngày 20/12/2021 – ngày 24/11/2022, đội đã kiểm tra, xử lý 291 vụ vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa, đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường giao thông,… với tổng số tiền phạt trên 1 tỷ đồng; tước giấy phép lái xe 22 trường hợp; tước phù hiệu xe 9 trường hợp; trong đó có 49 vụ vi phạm quá khổ, quá tải, kích thước thành thùng, vởi tổng tiền phạt trên 409 triệu đồng.

"Nhu cầu vận chuyển hàng hóa trong dân giảm mạnh kéo theo số lượng phương tiện vận chuyển hàng hóa qua địa bàn giảm theo. Nhờ tăng cường tuyên truyền người dân tự giác cắt thành thùng xe cơi nới kết hợp với công tác kiểm tra, xử lý vi phạm của lực lượng chức năng nên tất cả các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hóa trên địa bàn huyện Thường Tín đều chấp hành, không còn tình trạng cơi nới thành thùng.

Tình trạng xe quá tải đã giảm nhiều nhưng vẫn còn chạy lén lút. Việc lái xe lập nhóm zalo để thông báo cho nhau khi thấy bóng lực lượng Thanh tra Giao thông Vận tải gây khó khăn cho đội, làm giảm hiệu quả công tác kiểm tra, xử lý", đội trưởng Đội Thanh tra Giao thông Vận tải huyện Thườn Tín Đặng Văn Minh cho biết.

Xe quá khổ, quá tải từ lâu trở thành vấn nạn ở nhiều địa phương không chỉ làm hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông mà còn tiềm ẩn tai nạn giao thông. Để duy trì kết quả bền vững, bên cạnh sự nỗ lực của lực lượng chức năng, kiên quyết xử lý đối với các trường hợp cố tình vi phạm cần sự tự giác chấp hành của mỗi doanh nghiệp, đơn vị và lái xe./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục