Hà Nội hướng đến phát triển nông nghiệp thông minh

14:51' - 17/01/2022
BNEWS Hà Nội hướng tới phát triển nông nghiệp thông minh, công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề "Tam nông - nông nghiệp, nông dân, nông thôn" đóng góp rất quan trọng ở nhiều khía cạnh vào ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, duy trì tăng trưởng, phục hồi, phát triển kinh tế, Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo ngành nông nghiệp Hà Nội nhanh chóng đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế nông thôn.

Đó là, Hà Nội hướng tới phát triển nông nghiệp thông minh, công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; đồng thời, xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn.

Mặc dù, bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng giá trị sản xuất nông nghiệp của Hà Nội năm qua vẫn tăng 3,46%. Để có được thành quả này, ngành nông nghiệp Hà Nội đã chủ động các biện pháp, vừa chống dịch, vừa bảo đảm sản xuất.

Đến nay, Hà Nội đã xây dựng được 160 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; trong đó, có 105 mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt, 39 mô hình thuộc lĩnh vực chăn nuôi, 15 mô hình thuộc lĩnh vực thủy sản và 1 mô hình kết hợp trồng trọt và chăn nuôi.

Bên cạnh đó, Hà Nội còn rất thành công trong việc đánh giá phân hạng các sản phẩm làng nghề trong Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), góp phần xây dựng thương hiệu, giới thiệu và quảng bá đưa sản phẩm đến gần hơn với tiêu dùng, giúp sản phẩm tìm được chỗ đứng trên thị trường.

Hiện nay, Hà Nội đã đăng ký 595 sản phẩm để Hội đồng thành phố tiến hành đánh giá, phân hạng. Dự kiến, Hà Nội sẽ có thêm ít nhất 400 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, qua đó, nâng tổng số sản phẩm OCOP của Hà Nội lên con số hơn 1.500.

Đặc biệt, năm 2021 Hà Nội đã sớm hoàn thành mục tiêu 100% các xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 29 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và đạt 16 huyện nông thôn mới…

 

Năm 2022, ngành nông nghiệp Hà Nội đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng từ 2,5 - 3%. Định hướng phát triển của Hà Nội tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao, bền vững và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Cụ thể, Hà Nội sẽ giảm diện tích sản xuất lúa từ 165.593ha xuống còn 140.000ha. Cùng với đó, mở rộng diện tích trồng rau màu từ 32.907ha lên 38.000ha; cây ăn quả từ 19.390 ha lên 25.750 ha; hoa, cây cảnh từ 8.500 ha lên 9.000 ha.

Hà Nội sẽ tập trung phát triển chăn nuôi tại các vùng xã trọng điểm theo hướng bền vững, an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học; tăng số lượng đàn bò lên 150.000 – 160.000 con, đàn lợn lên 1,8-2 triệu con; đồng thời, trở thành trung tâm cung cấp con giống (bò thịt, lợn, gia cầm) cho các địa phương.

Bên cạnh đó, các vùng đất trũng, thấp sẽ được chuyển đổi sang mô hình lúa - cá, bảo đảm diện tích nuôi trồng thủy sản từ 24.000ha - 25.000ha; trong đó, diện tích nuôi tập trung khoảng 11.500ha với các loại đặc sản như: Trắm đen, cá lăng, cá điêu hồng, tôm càng xanh…

Tại hội nghị tổng kết ngành vừa qua, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng đánh giá cao những kết quả ngành nông nghiệp Hà Nội đã đạt được trong năm qua. Ông Nguyễn Mạnh Quyền cũng nhấn mạnh ngành nông nghiệp Hà Nội cần định hình rõ hướng phát triển - đó là nền nông nghiệp trong lòng Thủ đô.

Theo đó, cần khai thác tiềm năng, lợi thế để đẩy mạnh tái cơ cấu, đổi mới tư duy, sáng tạo trong triển khai thực hiện các mục tiêu đề ra.

Cụ thể là ngành nông nghiệp cần tận dụng được hàm lượng trí tuệ cao, khi mà nguồn lực kinh tế thành phố hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp khá lớn… Hà Nội cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học vào phát triển các loại giống cây, con, hình thành trung tâm cung ứng giống cho các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Theo ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, những năm tới Hà Nội sẽ hình thành chuỗi giá trị nông sản bằng cách xây dựng các vùng sản xuất tập trung, sản phẩm chủ lực của địa phương, từ đó, thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở liên kết với HTX, tổ hợp tác.

Để xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, bền vững, Hà Nội cũng sẽ đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến, kinh doanh nông nghiệp; xây dựng trung tâm nông nghiệp công nghệ cao để ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong nước và quốc tế.

Để tạo đột phá trong thu hút nhiều doanh nghiệp lớn tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp, Hà Nội sẽ cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp về tín dụng, mặt bằng kinh doanh, xúc tiến thương mại, quy hoạch lại các khu công nghiệp... nhằm tiếp tục phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững.

Tiến sĩ Thế Anh - Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cho rằng, nông nghiệp thông minh là lĩnh vực mới phát triển, không chỉ ở Hà Nội mà còn trên phạm vi cả nước. Do vậy, Hà Nội cần tiếp tục có những chính sách phù hợp thực tiễn sản xuất, có tính khả thi cao.

Từ đó, huy động các nguồn lực thực hiện cuộc cách mạng nông nghiệp thông minh. Ngoài ra, cần quan tâm đến đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao để chủ động trong quá trình tiếp cận nông nghiệp thông minh.

Đồng quan điểm này, Tiến sĩ Lê Thành Ý - Hội Khoa học phát triển nông nghiệp Việt Nam cho rằng, nông nghiệp Thủ đô cần mở rộng hoạt động nghiên cứu nhằm tạo ra các loại vật tư, máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất và sau thu hoạch, chế biến, bảo quản.

Cùng với đó, Hà Nội cần coi trọng việc nhập khẩu công nghệ và thiết bị (chủng loại trong nước chưa làm được) trên cơ sở nghiên cứu thử nghiệm, thích nghi và làm chủ công nghệ nhập ngoại...

Để hướng đến nền nông nghiệp thông minh, chất lượng cao, hiện đại và phát triển bền vững, thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cần tiếp tục tham mưu thành phố hoàn thiện và tổ chức thực hiện hiệu quả cơ chế, chính sách, thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư vào lĩnh vực này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục