Việt Nam sẽ là cường quốc nông nghiệp sinh thái, trung hòa carbon năm 2050

20:32' - 08/01/2022
BNEWS Việt Nam đặt mục tiêu đưa nông nghiệp đi theo quỹ đạo xanh, qua đó khẳng định vị thế cường quốc nông nghiệp sinh thái, trung hòa carbon, nhà cung ứng lương thực thực phẩm trách nhiệm và bền vững.

Ngày 8/1, tại thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Thái Bình, Tạp chí Cộng sản đã phối hợp tổ chức hội thảo quốc tế mô hình kinh tế nông nghiệp và khu dân cư nông thôn Thái Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm chuyển đổi nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn theo hướng chất lượng, hiệu quả và bền vững.
Tham gia hội thảo có đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương; đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố; các doanh nhân, các nhà khoa học trong và ngoài nước.
Tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan khẳng định, nông nghiệp luôn có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển đất nước. Trong quá trình đổi mới, nông nghiệp góp phần đáng kể vào những thành tựu trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam.

 

Trong hội nhập kinh tế ngày càng sâu sắc, Việt Nam đặt mục tiêu đưa nông nghiệp đi theo quỹ đạo xanh, phát thải thấp để đóng góp thực hiện cam kết trung hòa carbon vào năm 2050.

Tầm nhìn đó sẽ giúp nông nghiệp Việt Nam giảm chi phí, sử dụng ít đầu vào và tài nguyên, tạo ra tích hợp đa giá trị, qua đó, khẳng định vị thế cường quốc nông nghiệp sinh thái, trung hòa carbon, nhà cung ứng lương thực thực phẩm "minh bạch - trách nhiệm- bền vững".

Nông nghiệp, nông thôn, nông dân Việt Nam phải hướng tới mục tiêu: nông nghiệp sinh thái - nông thôn hiện đại - nông dân thông minh.
Để thực hiện những mục tiêu nói trên, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, trước hết cần thay đổi nhận thức, đổi mới tư duy về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tư duy phát triển cần chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; từ tư duy đặt năng suất và sản lượng lên hàng đầu sang đặt giá trị làm trung tâm thông qua tích hợp các hệ giá trị khác nhau vào sản phẩm.

Thay đổi từ tư duy tận dụng, khai thác sang bồi dưỡng và làm giàu tài nguyên phục vụ nhu cầu sản xuất bền vững; từ tự cung tự cấp sang hội nhập, hòa nhập với dòng chảy của chuỗi giá trị và các xu thế phát triển toàn cầu...
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, để thay đổi, chuyển mình, ngành nông nghiệp không thể đứng một mình, làm một mình mà cần có sự chia sẻ, đồng hành, hỗ trợ, ủng hộ của các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trong và ngoài nước.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rất tâm đắc với chủ đề hội thảo. Tỉnh Thái Bình đặt vấn đề này đã truyền cảm hứng cho Bộ, Bộ sẽ tiếp tục còn tham gia với Thái Bình để làm sâu về vấn đề này. Tất cả các vấn đề gợi mở tại hội thảo gắn với Thái Bình là cần thiết; nội dung hội thảo phải được đi vào thực tiễn...
Ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc ThaiBinh Seed cho biết, 50 năm qua, thực hiện lời dạy của Bác, Tập đoàn ThaiBinh Seed luôn đồng hành cùng nông dân Việt Nam, giữ vai trò tiên phong, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, lập nhiều thành tựu góp phần phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung, ngành giống cây trồng Việt Nam nói riêng.

Bước vào giai đoạn mới, ThaiBinh Seed tiếp tục phấn đấu xây dựng tỉnh Thái Bình trở thành trung tâm giống lúa của cả nước; Xây dựng và phát triển thành công thương hiệu "Gạo Thái Bình"; phát triển thị trường trong nước, từng bước vươn ra thị trường nước ngoài...
Ông Trần Mạnh Báo cho rằng, để phát huy lợi thế của nông nghiệp Thái Bình, tỉnh nên xây dựng chiến lược phát triển ngành lúa gạo Thái Bình theo 2 hướng chính là: xây dựng Thái Bình thành "trung tâm" sản xuất cung ứng giống cây trồng; trong đó chủ lực là giống lúa cho miền Bắc và cả nước; xây dựng ngành lúa gạo Thái Bình đạt trình độ cao của thế giới để Thái Bình thành trung tâm sản xuất và chế biến gạo chất lượng cao của khu vực Đồng bằng sông Hồng phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu.
TS. Chu Po Jung- chuyên gia nông nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) cho rằng, hiện nay sự quan tâm ngày càng tăng của người tiêu dùng đối với các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên hữu cơ trong các lĩnh vực, buộc các nhà sản xuất phải sử dụng các nguyên liệu tự nhiên thay cho các nguyên liệu hóa học, tổng hợp. Các lợi ích về sức khỏe của các sản phẩm hương liệu và tinh dầu tự nhiêm làm gia tăng việc khai thác các nguyên liệu này trong sản xuất dược phẩm và điều trị y tế...

Trong khi đó, người nông dân Thái Bình có kinh nghiệm trong trồng cây nông nghiệp. Điều kiện đất đai, khí hậu, địa lý của Thái Bình thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Nhiều loại cây nông nghiệp của tỉnh có thể mở rộng, dùng để sản xuất tinh dầu mang lại hiệu quả kinh tế cao và có thể sản xuất tinh dầu kết hợp làm du lịch.
Tại hội thảo, các diễn giả còn cho rằng, tỉnh Thái Bình có thể ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp, có thể tái tổ chức không gian nông thôn, hay ứng dụng cách làm nông nghiệp hữu cơ của Nhật Bản...

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận cho biết, tỉnh rất có tiềm năng, lợi thế trong phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến nông sản và công nghiệp hỗ trợ, phục vụ nông nghiệp, bởi có địa hình bằng phẳng, hệ thống sông ngòi dày đặc, đất đai phì nhiêu, màu mỡ, khí hậu bốn mùa, nguồn lợi thủy, hải sản phong phú. Người dân Thái Bình cần cù, năng động, có truyền thống và trình độ canh tác cao để tiếp cận và thích ứng với những tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới...
Tuy nhiên, phương thức sản xuất nông nghiệp của tỉnh Thái Bình hiện nay nhìn chung vẫn mang đậm tính truyền thống, chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Chủ yếu vẫn trong tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; sự liên kết giữa doanh nghiệp và hộ nông dân trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản chưa mạnh; phát triển nông nghiệp hữu cơ, sản xuất theo chuỗi giá trị còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng. Tỉnh cũng chưa tận dụng lợi thế của địa phương để hình thành và phát triển du lịch trải nghiệm trên hệ thống sông Hồng, sông Luộc, sông Hóa, bãi triều ven biển, rừng ngập mặn...
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình khẳng định, việc tổ chức hội thảo "Mô hình kinh tế nông nghiệp và khu dân cư nông thôn Thái Bình" thời điểm này là rất cần thiết. Các tham luận, phát biểu của các đại biểu, chuyên gia tại hội thảo rất quan trọng, ý nghĩa, đã gợi mở cho Thái Bình nhiều vấn đề, giúp Thái Bình có định hướng phát triển nông nghiệp trong thời gian tới. Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình đã yêu cầu các cơ quan chuyên môn của tỉnh nghiêm túc tổng hợp, tổng kết từ hội thảo, để tới đây tham mưu với tỉnh trong công tác quy hoạch chung của tỉnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục