Hà Nội kéo dài thời gian tổ chức lại giao thông tại 4 điểm nóng ùn tắc

10:39' - 29/07/2022
BNEWS Sau hơn 1 tháng thí điểm, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội quyết định kéo dài thời gian tổ chức lại giao thông tại 4 điểm nóng ùn tắc giao thông.

Sau hơn 1 tháng thí điểm, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội quyết định kéo dài thời gian tổ chức lại giao thông tại 4 điểm nóng ùn tắc giao thông gồm: Ngã Tư Sở (quận Thanh Xuân và quận Đống Đa); Hoàng Minh Giám - Nguyễn Chánh - Trần Duy Hưng; Hoàng Minh Giám - Hoàng Ngân (quận Cầu Giấy và quận Thanh Xuân) và nút giao Tố Hữu - Vũ Trọng Khánh (quận Hà Đông) đến ngày 20/10 nhằm tìm ra giải pháp giao thông hợp lý nhất giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại các nút giao thông này.

 

Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, qua theo dõi và đánh giá giai đoạn đầu thí điểm từ ngày 18/6 - 2/7, tình trạng ùn tắc đã giảm đáng kể, giao thông trở nên thông thoáng hơn. Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển biến vẫn còn những tồn tại, bất cập, thậm chí “rối rắm” do người tham gia giao thông vẫn “quen lối cũ”, không tuân thủ quy định phân luồng mới.

“Tôi từ phố Nguyễn Trãi muốn lên phố Tây Sơn nhưng đến Ngã Tư Sở không biết đi lối nào vì dải phân cách chặn không cho đi thẳng như trước. Một số người lách qua khe hở đoạn phân cách gần nút giao để qua ngã tư sang phố Tây Sơn cho gần. Mới đây, Sở Giao thông Vận tải đã cắm biển hướng dẫn người dân sang phố Tây Sơn và đường Láng, nhưng nhiều người không hiểu, vẫn cố tình đi ngược đường”, anh Nguyễn Hải ở Khu đô thị Linh Đàm cho biết.

Anh Đoàn Tuấn ở gần khu vực Ngã Tư Sở cho rằng: "do người dân chưa quen với tổ chức giao thông mới nên còn lúng túng, vi phạm còn nhiều. Có lúc cả tốp người đi ngược đường, đứng chờ đèn đỏ giữa đường để qua ngã tư sang phố Tây Sơn. Tôi thấy cần có thêm các biển hướng dẫn hai bên đường Trường Chinh để người dân biết từ đường Nguyễn Trãi sang phố Tây Sơn và đường Láng phải đi như thế nào".

Theo biện pháp tổ chức giao thông mới, tại nút giao Ngã Tư Sở, các phương tiện không được đi thẳng, rẽ trái dưới gầm cầu Ngã Tư Sở theo hướng Nguyễn Trãi đi Tây Sơn, đường Láng mà thay vào đó phải rẽ phải ở Trường Chinh và quay đầu ở điểm mở cách Ngã Tư Sở 700m sau đó rẽ phải đi Tây Sơn hoặc đi thẳng để sang đường Láng. Do phải đi thêm đoạn đường khá xa nên nhiều người dân không tuân thủ quy định phân luồng, đi ngược chiều để tiết kiệm thời gian.

Quan sát sau khi tổ chức lại giao thông tại khu vực nút giao Ngã Tư Sở, lưu lượng phương tiện giao thông trên làn đường Trường Chinh hướng thẳng sang đường Láng và rẽ về phố Tây Sơn rất đông, còn các hướng khác khá thông thoáng, đặc biệt đoạn phố Tây Sơn giáp Ngã Tư Sở rất vắng vẻ.

Trước đó, ngành chức năng đã dự báo được tình trạng ùn tắc giao thông tại khu vực Ngã Tư Sở khi đoạn tuyến vành đai 2 trên cao từ Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở hoàn thành, đưa vào sử dụng giúp phương tiện di chuyển tại đây lưu thoát nhanh nhưng do chưa đồng bộ toàn tuyến sẽ gây ùn ứ cục bộ tại hai đầu nút giao Ngã Tư Sở và Ngã Tư Vọng và các tuyến đường kết nối. Ngành chức năng đã cấm một chiều trực thông từ hướng Tây Sơn - Nguyễn Trãi, biến ngã tư thành ngã ba, nhưng tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài vẫn diễn ra trong giờ cao điểm.

Từ ngày 18/6, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội thí điểm tổ chức lại giao thông tại 4 nút giao thông Ngã Tư Sở (quận Thanh Xuân và quận Đống Đa); Hoàng Minh Giám - Nguyễn Chánh - Trần Duy Hưng; Hoàng Minh Giám - Hoàng Ngân (quận Cầu Giấy và quận Thanh Xuân) và nút giao Tố Hữu - Vũ Trọng Khánh (quận Hà Đông) là các  “điểm nóng” ùn tắc giao thông. Bước đầu biện pháp tổ chức giao thông này đã phát huy hiệu quả, góp phần cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông tại khu vực các nút. Tuy nhiên, vẫn còn một số người dân “quen lối cũ” cố tình rẽ ngang, rẽ tắt, đi ngược đường khiến tình hình giao thông trong khu vực trở nên "hỗn loạn".

Tại nút giao Hoàng Minh Giám – Nguyễn Chánh – Trần Duy Hưng, theo phương án phân luồng giao thông mới, thay cho việc rẽ trái, quay đầu trên đường Trần Duy Hưng  tại nút giao này thì phương tiện phải đi thẳng qua nút và quay đầu tại điểm gần nút giao Trần Duy Hưng - Khuất Duy Tiến.  Tuy nhiên, bất chấp biển báo cấm, nhiều người dân vẫn rẽ trái và quay đầu tại nút giao Hoàng Minh Giám – Nguyễn Chánh – Trần Duy Hưng.

Tương tự, tại nút giao Tố Hữu - Vũ Trọng Khánh, cấm các phương tiện rẽ trái từ đường Tố Hữu và đường Vũ Trọng Khánh. Theo đó, phương tiện trên đường Tố Hữu đi thẳng và quay đầu tại điểm mở dải phân cách từ nút giao khoảng 300m theo hướng đường Tố Hữu đi Vạn Phúc, nhưng thực tế sau khi tổ chức lại giao thông, phương tiện vẫn không tuân thủ quy định, rẽ ngay tại nút giao khiến nhiều người đi ở chiều ngược lại phải lấn sang các làn khác để tránh, gây mất trật tự an toàn giao thông.

Trong thời gian triển khai thí điểm, vào các khung giờ cao điểm, các lực lượng chức năng đã có mặt để hướng dẫn, điểu tiết giao thông, giúp phương tiện lưu thông qua nút được dễ dàng hơn.

Một số ý kiến chuyên giao giao thông cho rằng, sau thời gian thí điểm chứng minh được hiệu quả cần có quyết định phân luồng chính thức, hoàn thiện hệ thống biển báo, biển cấm để làm cơ sở cho cảnh sát giao thông xử phạt vi phạm. Cùng với xử phạt cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, nhắc nhở để nâng cao ý thức cho người dân góp phần đảm bảo trật tự giao thông, chống ùn tắc.

Vào thời điểm năm 2010, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã áp dụng biện pháp tổ chức giao thông “không có ngã tư” tại 27 nút giao thông. Biện pháp này tạo dòng quay đầu hoàn toàn tại nút giao, dư luận phản ánh một số bất cập trong cách tổ chức giao thông này đã gây rối thêm cho giao thông của Hà Nội.

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội thừa nhận, dù biện pháp tổ chức giao thông trên bước đầu đã cải thiện tình hình giao thông, giảm ùn tắc nhưng đó chỉ là giải pháp tình thế, không bền vững trong khi thực tế lưu lượng phương tiện tham gia giao thông ngày càng cao; năng lực thông xe của các tuyến, nút giao thông của Hà Nội không đáp ứng đủ nhu cầu thông hành của các phương tiện./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục