Hà Nội khẳng định là điểm đến an toàn, hấp dẫn các nhà đầu tư

12:47' - 27/06/2020
BNEWS Hà Nội sẵn sàng chào đón và mong muốn hợp tác với tất cả các nhà đầu tư, doanh nghiệp, các cá nhân, tổ chức, hiệp hội, các tỉnh, thành phố trong nước, các quốc gia, vùng lãnh thổ, trên thế giới.

Ngày 27/6, tại Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển”, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển” được tổ chức ngay sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát và cơ bản được đẩy lùi là thông điệp mạnh mẽ của Hà Nội trong kiên trì thực hiện chỉ đạo của Trung ương về thực hiện nhiệm vụ “kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế, xã hội, đồng thời khẳng định Hà Nội là điểm đến an toàn, hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Kết quả của hội nghị không chỉ có ý nghĩa đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của Hà Nội và cả nước trong năm 2020 mà còn cho những năm tiếp theo.

Nhấn mạnh thông qua hội nghị, Hà Nội tiếp tục thể hiện quyết tâm là địa phương tiên phong đi đầu trong hồi phục và phát triển kinh tế sau dịch bệnh trong năm 2020, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho rằng: Đây cũng giải pháp căn cơ nhằm tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh, vượt qua mọi khó khăn thách thức, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu kinh tế, xã hội năm 2020, tăng trưởng GRDP cao hơn 1,3 lần tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước và phấn đấu hoàn thành 285.000 tỷ đồng dự toán thu ngân sách năm 2020.

Đồng quan điểm, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền, các lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân Thủ đô đã thực hiện nghiêm túc Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; các nội dung chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nghị quyết của Quốc hội, các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19.

Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, “mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận chống dịch”, thành phố đã triển khai quyết liệt nhiều biện pháp đồng bộ, thực hiện "nhiệm vụ kép", vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh, quốc phòng.

Thành phố luôn kiên định, kiên trì thực hiện mục tiêu “lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ”, “cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh”, cải cách hành chính, “đồng hành cùng doanh nghiệp” và “phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của kinh tế Thủ đô”.

Kết quả là từ đầu năm 2020 đến nay, 154 thủ tục hành chính, giấy phép con đã được cắt giảm, đơn giản hóa; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đến nay đạt 100%; chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) hai năm liên tiếp (2018, 2019) đứng thứ 9; chỉ số cải cách hành chính 3 năm liên tiếp xếp vị trí thứ 2.

Trong những năm qua, kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng khá, đóng góp quan trọng trong tăng trưởng của cả nước. Bình quân giai đoạn 2016-2019, GRDP tăng 7,39%. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 1,74 triệu tỷ đồng, bằng 38,6% GRDP. Thu hút đầu tư vốn ngoài ngân sách lũy kế đạt trên 2.775 dự án, vốn đăng ký trên 1,4 triệu tỷ đồng. Cơ cấu đầu tư xã hội dịch chuyển rõ nét từ khu vực nhà nước sang khu vực ngoài nhà nước và đầu tư nước ngoài.

Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, từ năm 2016 đến nay, Hà Nội đã thu hút được 24,8 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Năm 2018, 2019, Hà Nội dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, đồng thời phê duyệt chủ trương đầu tư và điều chỉnh chủ trương đầu tư cho 875 dự án trong nước đạt 812,5 nghìn tỷ đồng.

Ngoài ra, có 112 nghìn doanh nghiệp được thành lập mới từ năm 2016 đến nay, chiếm 37,4% tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới từ năm 1989, với số vốn điều lệ là 1,4 triệu tỷ đồng. Đáng chú ý, mặc dù chịu ảnh hưởng tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, nhưng 6 tháng đầu năm 2020, GRDP tăng trưởng đạt 3,39%.

Có 12.650 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, số vốn đăng ký 175 nghìn tỷ đồng, tăng 9% số vốn so với cùng kỳ. Thu hút đầu tư vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt khoảng 4 tỷ USD.

“Những kết quả đạt được của thành phố có dấu ấn và sự đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp, của các nhà đầu tư trong suốt nhiều năm vừa qua. Sự đồng hành này khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư đối với thành phố. Đặc biệt, với kết quả đạt được trong thời gian qua, cùng với lợi thế riêng có của mình, Thủ đô Hà Nội tiếp tục khẳng định là điểm đến đầu tư hấp dẫn và an toàn.

Thành phố sẵn sàng chào đón và mong muốn hợp tác với tất cả các nhà đầu tư, doanh nghiệp, các cá nhân, tổ chức, hiệp hội, các tỉnh, thành phố trong nước, các quốc gia, vùng lãnh thổ, trên thế giới để cùng phát triển bền vững. Thành công của các doanh nghiệp chính là thành công của thành phố", Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội khẳng định.

Chúc mừng những thành tựu Hà Nội đã đạt được trong thời gian qua, nhất là thành công trong công tác kiểm soát dịch COVID-19, ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam khẳng định, đại dịch đã gây ra những hậu quả khôn lường về sức khỏe, đời sống và sự phát triển kinh tế, xã hội.

Thách thức đối với Hà Nội hiện nay là làm thế nào để tiếp tục tiến lên. “Hà Nội mong muốn các doanh nghiệp FDI "định cư" tại Hà Nội để đóng góp tối đa cho thành phố. Để làm được điều đó, ngoài xây dựng môi trường pháp lý phù hợp, nên tiếp tục nâng cao chất lượng sống tại Hà Nội, đưa thành phố ngày càng trở thành nơi đáng sống và tươi đẹp hơn”, ông Ousmane Dione cho biết thêm.

Đánh giá cao việc thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển”, Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) Virginia B. Foote cho biết, thời gian qua, Hà Nội đã cho thấy nỗ lực rất tích cực, đúng hướng nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển, nhất là có nhiều hành động rất tích cực để bảo vệ môi trường, xử lý các vấn đề ô nhiễm không khí, xử lý rác thải, hạn chế các nguồn phát thải, phát triển phương tiện giao thông công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân...

Cách thức mà Hà Nội thực hiện đã tạo ra một nền kinh tế tuần hoàn mạnh mẽ hơn. Thời gian tới, Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam đề nghị Hà Nội tiếp tục thực hiện mạnh mẽ theo hướng này. Để thu hút đầu tư hiệu quả hơn nguồn vốn đầu tư, bà Virginia B. Foote cho rằng, Hà Nội nên tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là xây dựng hệ thống thuế, kiểm toán tốt hơn.

Đặc biệt, Hà Nội nên tập trung đầu tư thêm kết hợp với cải tạo, nâng cấp để có nhiều khu công nghiệp hiện đại, có đủ cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần chu đáo cho các nhà đầu tư.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, Hà Nội là một trong những Thủ đô đầu tiên trên thế giới kiềm chế được dịch COVID-19 và bước vào tái khởi động nền kinh tế. Đó là kỳ tích. Hà Nội tổ chức hội nghị hôm nay nhằm bắt đầu giai đoạn phát triển mới.

Đây là hội nghị có quy mô lớn nhất ở cấp độ địa phương, có tính chuyên nghiệp, sáng tạo, hiệu quả. Tên Hội nghị “Hợp tác đầu tư và phát triển” thể hiện thông điệp và tầm nhìn của Hà Nội trong hợp tác để phát triển. Đặc biệt, hội nghị được tổ chức trong bối cảnh cơ hội đón làn sóng đầu tư mới. Với lợi thế của mình, Hà Nội sẽ là tuyến đầu trong tiếp nhận làn sóng đầu tư mới này.

Tuy nhiên, để thực hiện thành công các dự án, tận dụng làn sóng đầu tư mới và lan tỏa làn sóng này ra cả nước, thành phố cần phục vụ tốt nhất những dự án của các doanh nghiệp hiện có, bởi đây là cách xúc tiến quan trọng nhất.

Tính tiên phong của lãnh đạo thành phố Hà Nội luôn ở nhóm dẫn đầu nhưng sự thân thiện của một bộ phận công chức cấp dưới chưa được đánh giá cao. Vì vậy, Hà Nội nên nghiên cứu xây dựng bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp quận, huyện để có thể phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.

Tại hội nghị, thành phố Hà Nội đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 229 dự án với tổng số vốn 405.570 tỷ đồng. Các dự án tập trung vào các lĩnh vực: nhà ở, đô thị; du lịch, dịch vụ; cụm công nghiệp; trụ sở văn phòng; văn hóa, xã hội; tài chính, ngân hàng...

Đồng thời, thành phố cùng các nhà đầu tư đã ký kết 38 biên bản ghi nhớ với tổng mức đầu tư khoảng 28,6 tỷ USD, trong đó có 26 đề xuất của nhà đầu tư trong nước, 12 đề xuất của nhà đầu tư nước ngoài.

Đáng chú ý, hướng tới mục tiêu xây dựng Thủ đô trở thành thành phố “Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, ngay tại hội nghị, Hà Nội đã công bố danh mục 282 dự án xúc tiến, kêu gọi đầu tư với tổng số vốn 483,1 nghìn tỷ đồng (tương ứng 21,66 tỷ USD) trong các lĩnh vực: khu công nghiệp, cụm công nghiệp, thương mại, dịch vụ; công viên; giáo dục, dạy nghề, bệnh viện; môi trường, xử lý rác thải; cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; phát triển nhà ở; nông nghiệp; phát triển đô thị, công viên phần mềm.

Cũng tại Hội nghị, thành phố Hà Nội đã vinh danh các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài có thành tích đóng góp phát triển kinh tế, xã hội của thành phố trong thời gian qua./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục