Hà Nội không "khoanh" nợ bảo hiểm đối với doanh nghiệp

18:03' - 01/11/2022
BNEWS Theo Bảo hiểm xã hội Tp Hà Nội, tính đến hết tháng 9/2022, toàn thành phố còn gần 79.000 đơn vị, doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội của gần 1 triệu người lao động với số tiền hơn 5.101 tỷ đồng.

Đáng quan tâm, số nợ phải tính lãi là hơn 1.813 tỷ đồng, tăng 205,8 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2021, trong đó có tới 3.543 đơn vị nợ kéo dài từ 2 năm trở lên với số tiền nợ hơn 1.450 tỷ đồng, tăng hơn 138 tỷ đồng so với cuối năm 2021.

 

Đại diện một số đơn vị sử dụng lao động cho biết, việc nợ đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội của người lao động do gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh dẫn đến giảm sâu doanh thu hoặc thua lỗ nên không đủ khả năng tài chính.

Từ thực tế này, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội đề xuất với Bảo hiểm xã hội và các cơ quan liên quan cho tạm hoãn đóng khoản nợ bảo hiểm xã hội.

Ông Đặng Trần Dũng, Giám đốc Công ty cổ phần Cơ khí xây dựng 121 - Cienco1 chia sẻ, đến thời điểm này, đơn vị đang nợ bảo hiểm xã hội là 21,4 tỷ đồng trong thời gian 94 tháng.

Đơn vị mong muốn cơ quan bảo hiểm cho "khoanh" nợ trong một khoảng thời gian nhất định để thu hút lao động làm việc trở lại.

Về nội dung trên, ông Vũ Đức Thuật, Phó Giám đốc điều hành Bảo hiểm Xã hội thành phố Hà Nội cho biết, hiện nay do ứng dụng công nghệ thông tin nên các thông tin về quá trình đóng, thanh toán bảo hiểm được hệ thống phần mềm của Bảo hiểm thành phố cập nhật tự động.

Hơn nữa, việc các doanh nghiệp đóng bảo hiểm cho người lao động là nghĩa vụ, trách nhiệm được quy định rõ tại nhiều văn bản pháp luật.

Căn cứ vào các yếu tố trên, các cơ quan chức năng không thể tạm hoãn hay "khoanh" nợ, càng không thể giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội theo chế độ trong khoảng thời gian doanh nghiệp còn nợ gốc bảo hiểm xã hội.

Ông Vũ Đức Thuật nhấn mạnh, để quyền lợi của người lao động được đảm bảo, không vi phạm các quy định của pháp luật, đơn vị sử dụng lao động cần hoàn thành nghĩa vụ, trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội.

Cũng trên quan điểm không thể châm chước cho các đơn vị nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp kéo dài ảnh hưởng đến công tác an sinh xã hội của thành phố, đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố cho rằng, chậm đóng, nhất là nợ bảo hiểm bị nghiêm cấm tại các quy định hiện hành về bảo hiểm.

Theo mức độ vi phạm, các đơn vị nợ có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục